Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Hệ lụy đến từ quyết định của các ngân hàng trung ương
Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London và New York tháng 09/2022)
Những dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu ảnh hưởng thực sự lên thị trường tài chính tuần qua…và còn kéo dài nhiều ngày tháng tới, nhất là các sàn nông sản nhiệt đới (soft commodities) gồm cà phê, ca cao, đường ăn.
Quyết định của Ngân hàng trung ương EU (ECB) ngưng ngay chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất điều hành đồng euro bắt đầu từ tháng 07/22 khi tỷ lệ lạm phát vùng sử dụng đồng euro (eurozone) tháng 05/22 lên đến 8,1%. Cuối tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 05/22 lên mức 8,6% so với tháng trước đó là 8,3% do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao tại Mỹ. Thị trường ái ngại rằng theo sau tỷ lệ lạm phát tăng lên mức cao nhất tính từ 40 năm của Mỹ là quyết định tăng lãi suất đồng USD mạnh hơn của Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed).
Tại Trung Quốc, dù đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa theo chính sách zero-Covid, chỉ số giá sản xuất nước này trong tháng 05/22 tăng 6,4% so với cùng ỳ 2021 nhưng giảm so với 8% của tháng 04/22.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố trong tuần qua hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 thêm 1,2%, còn 2,9%, đồng thời cảnh báo nguy cơ nhiều nước có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
“WB cho rằng kinh tế thế giới có thể trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất, sau khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi lên mức 5,7% trong năm 2021. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá các mặt hàng, trong đó có dầu và ngũ cốc, tăng vọt. Báo cáo cũng nhấn mạnh xung đột cùng những tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng. Ngoài ra, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đối với nhiều nước khiến suy thoái là điều khó tránh khỏi.” (1)
Chính vì vậy, giới đầu tư tài chính đã đua nhau mua đồng USD giúp chỉ số giá trị USD trong rổ sáu đồng tiền mạnh tăng lên mức cao nhất tính từ gần 4 tuần nay đẩy đồng nội tệ Brazil (Brl) xuống mức thấp (xem hình 1).
Chỉ số chứng khoán tuần qua hầu hết giảm:
Tại Mỹ: DJ -4.6% còn 31,393. S&P 500 -5.1% xuống 3,901. Nasdaq -5.6% chốt tại 11,340. Russell 2000 -4.4% còn 1,800.
Tại một số nước khác:
London -2.9% còn 7,318. Pháp -4.6% xuống 6,187. Đức -4.8% còn 13,762. Nhật Bản +0.2% lên 27,824. Trung Quốc +2.8% đạt 3,285. Hong Kong +3.4% lên 21,806. Ấn Độ -2.6% còn 54,303.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Tính đến ngày 09/06, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 101.370 tấn tăng nhẹ từ 101.250 tấn, arabica New York giảm còn 61.253 tấn so với là 62.633 tấn.
Tồn kho cà phê khả dụng tại Liên minh Châu Âu (EU) tính đến hết tháng 04/22 đạt 12,45 triệu bao (bao=60 kg) tương đương với 12 tuần sử dụng. Khối lượng này so với tháng 03/22 tăng 4,35% nhưng so với cùng kỳ 2021 giảm 14% (xem đồ thị hình 1).
Xuất khẩu cà phê Việt Nam
Trong 8 tháng đầu niên vụ cà phê 2021/2022 tính từ tháng 10/2021, ước Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,24 triệu tấn với kim ngạch chừng 2,84 tỷ USD, trong đó cà phê nhân robusta chiếm khoảng 1,12 triệu tấn, và arabica gần 48.000 tấn. Các loại cà phê chế biến (rang xay, hòa tan gồm sản phẩm lỏng lẫn khô) đạt kim ngạch gần 400 triệu USD.
Về thị trường nhập khẩu trong kỳ: Đức dẫn đầu với gần 162.000 tấn, Vương Quốc Bỉ thứ 2 với 103.000 tấn, Italy ở vị trí thứ 3 với chừng 94.000 tấn, Hoa Kỳ thứ 4 với 88.000 tấn, Nhật Bản thứ 5 với 78.000 tấn, Tây Ban Nha thứ 6 với trên 61.000 tấn, Nga thứ 7 với trên 56.000 tấn, theo Vicofa.
Giá cả
Dù giá cà phê arabica New York kỳ hạn tháng 09/22 tuần qua có lúc lên mức cao nhất tính từ ba tháng nay do tin khô hanh tại Brazil vẫn còn tiếp tục kéo dài đến cuối tuần này, vẫn không cưỡng được sức ép của một thị trường “khan” tiền mặt và lãi suất cao.
Kết quả hai sàn phái sinh sau một tuần tính đến 10/06 đều giảm, cụ thể như sau:
-Sàn robusta London chốt tại 2.095 giảm 44 Usd/tấn với biên độ dao động 2.155-2.077.
-Giá arabica giảm 3,75 cts/lb chốt ở 228,80 trong biên độ 241,75-227,70 cts/lb.
-Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao dịch trong khung 42,5-43,8 triệu đồng/tấn, tăng nhẹ so với tuần kết thúc ngày 04/06/22.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 13-17/06/2022: Cơ hội tăng/giảm là 40/60.
Giá robusta cơ sớ tháng 09/22 chòng chành quanh 2.094 và có lúc chạm đáy 2.077 nhưng cuối phiên đóng cửa được cứu qua khỏi 2.100, chỉ riêng ngày giao dịch cuối tuần trước mới chịu nằm ngay trên “mép” của mức ấy là 2.095.
Mức đóng cửa 2.095 nằm cận khu vực 2.094-2.090 (MA20 và 50). Nếu không khéo, có lúc nào đó trong tuần đóng cửa dưới mức 2.090 như 2.187 (Fibonacci 78,6%), có thể để lại hệ quả không mấy sáng sủa cho giá sàn này, đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh tuần này cho thấy như thế.
Nếu cho phép gộp chung giữa kỹ thuật và các yếu tố cơ bản (fundamentals) để nhận xét, thì hoàn cảnh của các yếu tố cơ bản cả hai sàn cà phê xem ra không được như ý. Thật vậy, thị trường đứng trước sức ép một đồng USD mạnh lên và đồng nội tệ BRL yếu xuống, lại gặp tuần trước vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn mua dôi ra khá nhiều. Báo cáo của hai sàn cho thấy tính đến 07/06, trên sàn London các họ mua thêm 67.320 tấn để đạt 275.940 và New York mua thêm 112.362 tấn đạt 681.072 tấn mua khống hay 39.969 hợp đồng.
Hình 2 – Diễn biến giá cà phê robusta London cơ sở tháng 09/2022 (nguồn: Phan Trọng Anh)
Về tương tác với sàn arabica, nếu như tuần này sàn New York mất khu vực 223-222, thì có thể giá sàn London không ngần ngại đổ mạnh. Nhưng nếu New York qua được 233+ thì tình hình lại khác đi.
Trong khi đó, London cần phải giữ vững trận địa hiện có (2.095) và cao chạy xa bay khỏi vùng này để lên thăm lại vùng 2.130 rồi 2.150. Nếu như trượt chân để đóng cửa dưới 2.090, khả năng còn mất thêm chừng 70 Usd nữa.
Đồ thị trình bày ở trên cho thấy rất rõ rằng giá sàn robusta London từ 03/03/22 đến nay không ra khỏi biên độ của hai vùng 2.150-1.990. Vùng 2.150 trong giai đoạn này có ít nhất 3 lần cố vượt khỏi 2.150 nhưng đều thất thủ khi đóng cửa để chủ yếu xoay quanh từ mức ấy đến đáy tại khu vực 2.000. Về đường xa, London phải làm sao phá được hai vùng đỉnh và đáy để ra khỏi biên độ mới có thay đổi lớn về giá trên sàn này.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Làm gì giữa các biến động của thị trường tài chính?
Thị trường hàng hóa phái sinh mà đặc biệt là cà phê biến chuyển quá nhanh trong thời gian gần đây. Cho nên, kinh doanh thành công trước đây không nhất thiết là sẽ thành công trong thời gian tới. Người kinh doanh cà phê hiện nay không nên xem xét chỉ một phía cung cầu mà còn phải theo dõi kỹ các biến động về địa chính trị như xung đột Nga-Ukraine và các yếu tố kinh tế vĩ mô, vốn rất nhạy cảm với mặt hàng cà phê.
Chỉ số đồng USD/DXY thường ảnh hưởng lớn đến giá hàng hóa, khi DXY tăng, giá hàng hóa giảm và ngược lại. Nhưng mấy hôm nay, DXY chỉ đóng vai trò tham khảo và nhiều khi giá thị trường không theo cách nghĩ cũ. Nhưng DXY lại quan hệ mật thiết với tỷ giá đồng nội tệ Brazil (BRL) vì khi đồng USD mạnh, gây áp lực bán trên BRL. Chính vì vậy, đồng BRL có vẻ quan trọng hơn trong xây dựng giá cà phê nhất là khi Brazil đã thua hoạch xong robusta và chuẩn bị vào mùa hái arabica. Hàng có sẵn, được giá tính trên đồng BRL là nông dân Brazil thoải mái bán. Nên đồng BRL càng mất giá, sức ép bán càng mạnh từ nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới này.
Thị trường hàng thực và xuất khẩu biến động nhanh và mạnh, các sàn tài chính còn biến động gấp rất nhiều lần. Chính vì thế mà rủi ro khi theo dõi và kinh doanh hàng giấy rất lớn. Do vậy, kinh doanh cà phê thời nay càng phải cẩn thận, làm sao bảo toàn được vốn là đã thành công chứ không nên trông chờ sự may mắn.
Dự kiến giá cà phê nội địa tuần này quanh mức 42-43 triệu đồng/tấn so với tuần trước là 42,5-43,8 triệu đồng/tấn.
———————————————————————-
- “Kinh tế toàn cầu khó tránh khỏi suy thoái”, Sài Gòn Giải phóng online 09/06/2022
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 90