Diễn biến thị trường tuần trước: Thị trường tăng tốt.
Thị trường cà phê có thêm một tuần tăng tốt: sàn robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam dùng để tham chiếu – vượt khỏi mức 1.500 Usd/tấn và New York qua khỏi 150 cts/lb.
Chỉ trong 2 ngày thứ Tư và Năm tuần trước, giá arabica tăng trên 330 Usd/tấn. Hiệp hội Cà phê Colombia cho biết các cuộc biểu tình nhiều nơi trên toàn lãnh thổ Colombia, dân chúng chặn đường vận chuyển làm cà phê xuất khẩu không đến được cảng giao hàng dù sản lượng cà phê năm nay của nước này vẫn đủ bảo đảm cung cấp. Theo quan chức cà phê sở tại, người dân phản đối luật thuế mới vì giữa lúc làm ăn khó khăn, công ăn việc làm chưa ổn định do dịch Covid-19.
Cùng lúc đó, lộn xộn tại một số bang của Brazil do dân chúng phản ứng với cách xử lý thiếu hiệu quả của chính phủ đối với dịch Covid-19 cộng với khủng hoảng y tế tại Ấn Độ, ảnh hưởng đến hoạt động mua bán cà phê. Các quỹ đầu tư trên sàn lo thiếu người bán, đã vội mua nhanh giúp giá cà phê trên cả hai sàn tăng mạnh.
Nhưng nếu đặt thị trường cà phê trong bối cảnh chung từ mấy tuần gần đây và nhất là tuần trước, có thể thấy rằng sự kiện xảy ra tại Colombia chỉ là dịp tốt để giúp các nhà đầu tư tài chính chuyển vốn về đặt cược trên các sàn cà phê.
Ngoài giá trị đồng Reais Brazil (Brl) tăng trong cặp tỷ giá Usd/Brl nên không mấy kích thích nông dân xuất khẩu, chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) giảm hơn 1 điểm tạo thêm thuận lợi cho giới đầu tư tài chính mua vào giữa những cam kết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là không tăng lãi suất đồng Usd và giữ nguyên chương trình kích cầu.
Dòng vốn đã chảy vào các sàn thương phẩm một cách rõ nét. Chỉ số rỗ hàng hóa gồm 19 loại lên mức cao nhất tính từ giữa năm 2015. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, CRB tăng 22,34% đạt mức 219,94 điểm khi đóng cửa cuối tuần trước. DXY cũng tạo điều kiện cho giá hàng hóa tăng khi chỉ số này xuống mức thấp nhất tính từ cuối tháng 02/2021 (hình 1 – bên trái).
Một số nhà phân tích nhận định rằng sự cố tại Colombia có thể là điểm khởi đầu đưa thị trường cà phê vào dần quỹ đạo của “siêu chu kỳ kinh tế”, nhưng sàn New York đi nhanh hơn nhiều so với sàn London.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Cà phê không thừa nhiều như dự báo trước: ICO
Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) chỉnh giảm sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020-2021 từ 171,89 triệu bao (bao=60 kg) xuống còn 169,63 triệu bao. Nhu cầu tiêu thụ cả năm của thế giới là 166,34 triệu bao. Như vậy, năm kinh doanh này toàn cầu thừa 3,29 triệu bao so với dự báo trước là 5,55 triệu bao.
Cũng theo ICO, tổng lượng cà phê xuất khẩu thế giới trong 6 tháng đầu niên vụ đến hết 03/2021 là 65,40 triệu bao, tăng 3,50% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó tháng 03/2021 đạt 11,94 triệu bao, tăng 2,40% so với cùng kỳ 2020.
ICO cho biết lượng xuất khẩu cà phê từng vùng trong 6 tháng đầu niên vụ này như sau: toàn châu Phi giảm 8,90% (5,96 triệu bao) nhưng Uganda tăng 11,90%, Indonesia tăng 20,20%, tuy nhiên Việt Nam lại giảm đến 13.20%.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn của 2 sàn được ghi nhận đều tăng trong đợt này: sàn arabica New York là 119.055 tấn so với tuần trước là 116.201 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London tăng lên 155.990 tấn so với tuần trước là 152.710 tấn.
Giá cả
Giá cà phê tăng mạnh trên cả 2 sàn phái sinh. Đóng cửa phiên cuối tuần trước có kết quả như sau:
-Sàn robusta London chốt mức 1.539 Usd/tấn tăng 83 với biên độ dao động 1.441/1.557 (+/-116 Usd).
-Sàn arabica New York tăng 11.45 cts/lb hay 252 Usd/tấn chốt tại 152.90 cts/lb trong biên độ dao động 139.60/155.40.
Với đỉnh 1.557 Usd, giá phái sinh robusta chạm mức cao nhất tính từ 8 tháng nay còn mức 155.20 cts/lb là mức cao nhất từ 51 tháng nay của sàn arabica.
Giá hai sàn lên đã đưa hiệu suất đầu tư 5 năm trên sàn arabica tăng 18,25% tức +23.50 cts/lb nhưng sàn robusta vẫn còn âm 14,33% hay -251 Usd/tấn.
Giá cách biệt giữa 2 sàn trong tuần có lúc lên trên 85 cts/lb. Khu vực từ 80 cts/lb trở lên được xem là có lợi cho thị phần robusta vì các hãng chế biến sẽ tìm mua robusta nhiều hơn.
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ lên mức cao nhất tính từ đầu năm 2021, có lúc chạm 35,2 triệu đồng/tấn nhưng cuối tuần về mức 34,8 triệu đồng tại thị trường trong nước.
Giá tăng mạnh trên sàn phái sinh lại kéo giá xuất khẩu cho các hợp đồng bán theo chênh lệch giữa giá niêm yết với giá FOB (giao hàng qua lan can tàu) xuống. Giá xuất khẩu đỉnh cao trong niên vụ này có lúc trên 200 Usd/tấn cao hơn so với giá niêm yết của sàn London thì nay bằng hay dưới đôi chút.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 10-14/05/2021: Muốn tăng thêm, London cần một đợt chỉnh xuống
Nếu lấy đáy tại 1.341 xuất hiện cách nay đúng một tháng (06/04/21), London lập một chuỗi tăng dài cho đến 1.557 (06/05) rồi ngập ngừng tại đó với phiên cuối tuần trước mới dừng lại tại 1.555. Hai mức cao này đang hình thành một đỉnh đôi.
Điều kiện London muốn tăng tiếp thời phải vượt và có giá đóng cửa trên 1.557 với lượng giao dịch cực lớn.
Nhìn vào đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh, có thể ngầm hiểu rằng thị trường đang cần một đợt chỉnh xuống để hút thêm lực mua mới nhằm tạo đà lên vùng 1.600 chẳng hạn.
Dù về kỹ thuật, đóng cửa tại 1.539, sàn London giống như đang còn đà vì nằm trên các điểm của đường bình quân động (MA). Tuy vậy, cú giảm nhẹ cuối tuần trước chưa kéo sàn robusta ra khỏi vùng mua qua mức. Hiện chỉ báo RSI ở mức 75% so với tham chiếu 70%.
Vị thế kinh doanh của các quỹ đầu cơ cũng thể hiện rõ chỉ báo này. Tính đến ngày khóa sổ 04/05, họ còn giữ gần 27 nghìn hợp đồng dư mua so với tuần trước chỉ 10 nghìn. Nhưng nếu tính đến cuối tuần, sau hai ngày mua mạnh (thứ Tư và Năm), con số này dễ lên đến 32-35 nghìn hợp đồng. Kỷ lục lượng hợp đồng dư mua trên sàn London là 48.043 lô.
London muốn vững và tăng, cần giao dịch và đóng cửa trên mức 1.540 cho phiên đầu tuần. Dù chỉ còn 1 Usd so với giá đóng cửa cuối tuần trước, nhưng xem ra các điều kiện để giữ được nó không phải dễ. Trong trường hợp để trượt xuống khỏi 1.540, sàn này có thể tìm về khu vực 1.511/1.512. Chạm các mức này, yếu tố tích cực trên sàn London bị hóa giải một phần.
Như vậy, có thể nói rằng trong những ngày tới, đường xuống rộng hơn đường lên, mức tăng ít hơn mức giảm. Biên độ rộng là 1.600/1.410, biên độ hẹp từ 1.557/1.460.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá cà phê xuất khẩu đi về đâu?
Thói quen mua bán trong kinh doanh cà phê xuất khẩu nay nghiêng mạnh về các hợp đồng tính theo chênh lệch (differential) giữa giá Fob với giá niêm yết trên sàn. Do sợ rủi ro vì diễn biến thất thường của thị trường, các hợp đồng mua bán chốt giá ngay (outright) đã không còn phổ thông như trước.
Nếu như trước đây, giá xuất khẩu cà phê Việt Nam cao hơn giá niêm yết từ trên 200, rồi dần xuống 100 đến 50 Usd/tấn cao hơn giá London thì nay đã ngang bằng, thậm chí đã giảm tức thấp hơn giá niêm yết (hiện nay chừng -10/-20 Usd/tấn Fob dưới giá London). Như vậy, có thể thấy rằng nếu giá phái sinh tăng càng mạnh, người mua sẽ tìm cách kéo giá xuất khẩu xuống, nhất là lúc giá cước tàu biển đang rất căng dù nhu cầu tiêu thụ được kỳ vọng sẽ tăng khi nhiều nước nhập khẩu buông dần các lệnh phong tỏa.
Giá xuất khẩu cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ giảm giá nhanh khi giá sàn phái sinh tăng, thật ra đó chỉ là hệ quả của nhu cầu mua chưa đủ mạnh, nhu cầu bán nhiều hơn nên không thể giữ giá được.
Như vậy, với mức 34,8 triệu đồng/tấn tương đương với 1.513 Usd/tấn, giá cà phê nội địa đầu tuần này đang -26 Usd/tấn dưới giá đóng cửa của sàn robusta, chưa tính các chi phí làm hàng và tài chính.
Nói vậy để thấy rằng trong tình hình hiện nay, không nên kỳ vọng giá phái sinh tăng là giá cà phê nội địa phải tăng tương ứng. Nếu như giá London lên 1.600 Usd/tấn, chưa chắc giá nội địa đạt được 35.5 triệu đồng/tấn giữa các sức ép giảm giá. Nên dự kiến giá cà phê trong nước tuần này trong vùng 34-35,2 triệu đồng/tấn.
Cũng nên tính trước một khi giá phái sinh tăng thêm một vài trăm Usd nữa, bấy giờ giá xuất khẩu có thể giảm xuống mức trừ rất sâu như -100/-120 Usd/tấn Fob và sẽ tìm đáy để ổn định dần khi tàu bè thông suốt.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 118
3 Trackbacks / Pingbacks
Comments are closed.