Diễn biến giá cà phê tuần từ 02-07/07/2018: Giá cà phê được cứu khỏi đáy sâu
Giá kỳ hạn cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, đã có lúc chạm mức 1610 Usd/tấn trong tuần trước, là mức thấp nhất tính từ đầu tháng 06/2016. Giá sàn arabica New York càng tệ hơn, có lúc chạm 106.90 cts/lb, là mức thấp nhất tính từ 4 năm rưỡi nay. Hai sàn kỳ hạn cà phê mất giá đã làm thị trường cà phê một số nơi ở Tây Nguyên mất mốc 35 triệu để xuống chỉ còn 34 triệu đồng mỗi tấn, giảm xấp xỉ 10 triệu đồng mỗi tấn so với thời gian đầu niên vụ vào tháng 10-2017.
Các sàn hàng hóa thương phẩm nông sản nói chung đang bị áp lực giảm giá do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các nước TQ, EU, Canada… Vì lo sợ cuộc đối đầu có thể kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thương các bên, đặc biệt tuần qua vào ngày 06/07, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chính thức bắt đầu, nên các nhà đầu tư trên hai sàn cà phê tìm cách thanh lý nhiều nhất có thể số hàng còn trong tay trước ngày 06/07. Hành động này đã làm giá cà phê trên hai sàn cùng giảm mạnh
Tuy nhiên, cũng ngay tại ngày áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực, giá hai sàn đã có phiên đảo chiều khá mạnh. Nhờ đó, giá London và New York quay về lại để đóng cửa cho robusta tại 1662 Usd/tấn và arabica ở 114.10 cts/lb. So với tuần của cuối tháng 06/18, London mất 28 Usd và New York âm 1 ct/lb hay 22 Usd/tấn.
Cũng cần thấy rằng giá tuần trước mức dao động khá mạnh, giữa mức cao và thấp nhất cách nhau 87 Usd trên London và 9.25 cts/lb tương đương với 204 Usd/tấn (xem hình 1).
Dự báo tuần từ 02-07/07/18: Kỹ thuật chỉ rõ đảo chiều tăng là tất yếu
Chỉ trong hai ngày cuối tuần trước, mức dao động giá trên sàn London rất mãnh liệt với cách biệt giữa đỉnh và đáy gần 90 Usd/tấn.
Tuy nhiên cũng từ 1610 Usd, là đáy trong tuần lập ngày 06/07, giá London lại bùng phát đảo chiều để đóng cửa đạt 1662.
Xét về kỹ thuật thị trường, thoát đáy 1610 (tức âm 29 Usd so với đóng cửa ngày trước đó) để vượt lên dương 23 Usd khi đóng cửa, nằm cận đỉnh trong ngày 1665, là một cuộc đảo chiều quan trọng, đang làm chuyển hướng giá từ âm sang dương, ít nhất trong vài ngày tới đây.
Nếu như lấy đỉnh 1845 trượt một đường tới đáy 1610, tính theo Fibonacci, điểm phục hồi 38,2% nằm tại 1700. Đây cũng là mức tâm lý quan trọng. Nếu vượt khỏi đó, các mức hồi phục của 50% và 61,8% sẽ ở tại 1728 và 1755.
Như thế, mốc 1700 hiện nay đang trở thành tâm điểm cho giá trên sàn robusta -London. Qua khỏi mức ấy, các kỳ vọng 1730/1755 mới có điều kiện gần thực tế hơn.
Vì sao mức 1700 quan trọng đến vậy? Đóng cửa ở 1662, mức này đang nằm dưới các mức bình quân động quan trọng, đó là tiêu cực. London đang chờ lực mua từ các quỹ đầu tư để đẩy lên. Các nút kỹ thuật sắp tới là 1670/1681/1690/1701 là những nút đan xen giữa mức trung bình trượt và mức kháng cự.
Đảo chiều tăng ngày cuối tuần trước trên London và New York chứng tỏ các nhà đầu tư tài chính đã chấp nhận mua bù để thoát bớt lượng dư bán nay quá phồng to. Trên London, đến ngày 03/07 các nhà đầu tư tài chính đã tăng mạnh dư bán đến 42.454 hợp đồng (10 tấn x hợp đồng). Rất có thể rằng đây là yều tố chính cho cú đảo chiều tăng cuối tuần trước và hy vọng trong những ngày tới trên sàn robusta London.
Thị trường cà phê trong nước: Khó tăng mạnh vì nhiều người chực giá lên để bán.
Tuần trước, giá cà phê trên tất cả các thị trường đều xuống. Ngay ở thị trường trong nước, giá không ngừng giảm như từ 35,5 triệu đồng mỗi tấn xuống 35, rồi 34 triệu để đầu tuần này giao dịch ở 34,5 triệu đồng/tấn.
Thị trường đang trông mong giá hồi phục như dự đoán của các nhà kỹ thuật. Xem ra lấy lại mức tâm lý 35 triệu đồng mỗi tấn trong tuần này không quá khó. Nhưng từ đó trở lên như 36-37 triệu đồng mỗi tấn sẽ có thể gặp nhiều trở ngại.
Giá tăng vượt khỏi 1700 trên sàn London sẽ gặp phải lực bán chốt giá hàng thực của các nhà xuất khẩu robusta Việt Nam, Brazil, Indonesia. Ngoài ra, các nhà kinh doanh cà phê kỳ hạn có thể chốt lời các hợp đồng đã mua trên đoạn đường từ 1610-1650.
Tuy nhiên, vẫn đừng quên rằng cuộc chiến tranh thương mại vẫn đang làm tâm lý các nhà xuất khẩu nông sản hoang mang. Đó cũng chính là yếu tố bất lợi nhất trong giai đoạn hiện nay để làm giá cà phê khó tăng mạnh vì nhiều người muốn bán.
—————————————————————-
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 129