Nhận định giá cà phê thế giới từ 06-11/09/2021: Giải mã đợt giá tăng dài trên sàn cà phê robusta

Tác giả NQB. Ảnh Lê Hoàng Nhi

Diễn biến thị trường tuần trước: Giá hai sàn đều tăng

Mới đây, thị trường tài chính thế giới đã từng bàn tán sôi nổi khi tỷ lệ lạm phát tăng quá 2% và lượng người thất nghiệp tại Mỹ giảm mạnh. Với tình hình như thế, người ta đã lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thu dần chương trình mua nợ 120 tỷ Usd/tháng và bước đi tiếp là tăng lãi suất cơ bản đồng Usd vốn đang ở mức thấp (0%-0,25%) sớm hơn dự liệu.

Thế nhưng, từ nay đến it nhất vài ba tuần nữa, áp lực ít ra là từ dư luận đối với Fed trong chuyện thu lại chương trình mua nợ và tăng lãi suất có lẽ giảm đi nhiều.

Lượng công ăn việc làm ở khu vực kinh doanh dịch vụ tại Mỹ trong tháng 08/2021 chỉ đạt 235.000 lượt, dưới xa mức kỳ vọng 750.000 lượt, thấp gấp 3 lần so với dự kiến. Do đâu? Bùng phát dịch vì biến chủng Delta làm liêu xiêu các bước phục hồi kinh tế của bản thân nước Mỹ và nhiều nước khác.

Chỉ số giá trị Usd/DXY giảm xuống mức thấp nhất tính từ hơn một tháng nay, đóng cửa phiên cuối tuần trước quanh 92,12 điểm. Chỉ số rỗ hàng hóa vẫn ở mức cao tại 234 điểm, tăng 31,16% tính từ đầu năm 2021. Đồng nội tệ Brazil Reais cũng tăng lên mức cao nhất tính từ hơn cả tháng nay góp thêm phần cho giá cà phê các sàn phái sinh tuần qua tăng nhìn từ yếu tố tiền tệ.

Cước vận tải biển dự kiến đồng loạt tăng kể từ tháng 10-2021 tới. Mới đây, nhiều hãng tàu cho biết cước tàu sắp tới tăng thêm chừng 15%-30% tùy lộ trình. Chỉ số Cước container thế giới Drewry, một thông số đánh giá hàng tuần về cước tàu container cho thấy chỉ số này có giá tăng 19 tuần liên tiếp. Đến nay, giá cước 1 container 40 feet tăng 351% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu như Việt Nam và một số nước trong vùng Đông Nam Á khống chế được dịch Covid-19 và biến chủng Delta, nhu cầu giao thương càng tăng mạnh. Do vậy, từ nay dến cuối năm 2021 giá cước tàu biển chỉ có thể tăng chứ chưa thấy có đường lùi.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn tuần này như sau: sàn arabica New York đạt 129.768 tấn, giảm nhẹ so với 129.960 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm xuống còn 137.510 tấn so với tuần trước là 139.000 tấn. Nếu như tồn kho đạt chuẩn arabica thay đổi có tăng có giảm thì tại sàn London lại khác, giảm liên tục từ cuối tháng 04/2021 đến nay và tuần trước giảm khá mạnh.

Xuất khẩn cà phê một số nước trong tháng 08/2021

Brazil

Tổng lượng xuất khẩu cà phê của nước này đạt 3,035 triệu bao (bao=60 kg) trong đó gồm  2,87 triệu bao cà phê nhân, số còn lại dưới hình thức cà phê chế biến. Riêng cà phê chế biến, kim ngạch xuất khẩu của Brazil về loại này đạt 46,2 triệu Usd tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Indonesia

Tháng 08/2021, xuất khẩu cà phê Indonesia giảm mạnh, chỉ đạt 104.178 bao giảm 70,45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 tháng đầu niên vụ 2020, lượng robusta xuất khẩu chỉ đạt 1.175.909 bao hay 70.555 tấn giảm 39% so với cùng kỳ 2020. Thị trường ước sản lượng cà phê niên vụ mới (04/21-03/22) của nước Đông Nam Á này đạt 11,35 triệu bao.

Honduras

Là nước xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt quan trọng sau Colombia. Trong kỳ, Honduras xuất khẩu chừng 450.424 bao, bằng 145% so với cùng kỳ 2020. Tổng lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu niên vụ này của Honduras là 5.737.186 bao, tăng 5,60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cả

Các quỹ đầu tư tài chính tiếp tục mua trên hai sàn cà phê nhưng có vẻ tập trung trên sàn London nhiều hơn.  Tính đến 31/08/2021, vị thế kinh doanh của họ trên 2 sàn cà phê phái sinh đều tăng: London lên 24.634 so với tuần trước đó là 20.598 và New York 38.657 so với 35.482 hợp đồng. Tuy vậy, với sàn London, có thể đoán rằng tính đến trước phiên giao dịch ngày 05/09/2021, lượng hợp đồng dư mua có thể gần 30.000 lô đã giúp sàn này thêm một tuần có kết quả giá tăng. Cụ thể giá trên 2 sàn như sau:

-Sàn London giá đóng cửa tuần so với tuần tăng 41 Usd/tấn đạt 2.059 Usd trong biên độ dao động 2.092/1.987.

-Giá arabica tăng khiêm tốn hơn với +0,95 cts/lb hay chỉ 21 Usd/tấn chốt tại 193,15 cts/lb trong biên độ dao động 201,55-187,25 cts/lb.

-Thị trường cà phê nội địa tuần qua giao dịch trong vùng từ 40-41 triệu đồng/tấn, đến các ngày cuối tuần trước và đầu tuần này quanh mức 40,8 triệu đồng/tấn. Nhu cầu mua mới chưa nhiều do nhiều nhà kinh doanh tại các nước tiêu thụ vừa nghỉ hè về.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 06-10/09/2021: Khi nào mới chỉnh giảm?

Dù sàn cà phê London đã vào vùng mua quá mức trọn cả tuần trước, giá chỉ lao đao trong từng phiên giao dịch nhưng rồi cuối cùng cũng vẫn tăng. Đứng tại vị trí đóng cửa hiện tại là 2.059 với biên độ dao động trong tuần là 2.092-1.987, nhìn theo đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh, có thể thấy rằng:

-London hầu như đã yên vị trên mức 2.050 sau khi chạm đỉnh trong tuần là 2.092. Về đường dài, hướng tăng là chủ đạo. Để tăng tiếp, London không được rời khỏi khu vực 2.050 trở lên để quay xuống. Cụ thể cho tuần này, London cần “cao chạy xa bay” khỏi khu vực hiện nay và tốt nhất qua khỏi 2.095 để tìm các đỉnh mới từ 2.100-2.150 cho thời gian tới.

-Bao lâu mất 2.045, khả năng về 2.030 rồi 2.000 là rất dễ vì London đã vào vùng mua quá mức từ nhiều ngày nay.

Thế nhưng tại sao chưa chỉnh giảm để củng cố “chân chạy”? Chỉ trả lời câu hỏi này khi mạnh dạn ra khỏi môi trường kỹ thuật. Tồn kho đạt chuẩn London giảm dần và càng về sau giảm càng nhanh (như các con số trưng dẫn phía trên), cước vận tải biển cao, cho nên sàn đã tạo điều kiện cho giá London theo hướng nghịch đảo (vắt giá), tháng giao dịch gần cao hơn tháng xa, nhằm thu hút hàng về kho. Tuy vậy, chênh lệch giữa các tháng hình như vẫn chưa thỏa đáng. Hiện nay mức này giữa các tháng chỉ từ +45-+50 Usd trong khi giá cước tàu biển tăng quá nhanh và quá xa.

Như vậy, nếu quay lại nhìn theo con mắt kỹ thuật, giá London vẫn phải chỉnh giảm để các quỹ đầu tư cân đối dòng tiền mua bán nhưng có thể là những đợt giảm nhanh, thường chỉ rớt sâu rồi tăng lại ngay trong từng phiên hay rất ngắn hạn chứ không dám để phạm các mức hỗ trợ xoay qua hướng tiêu cực lâu dài, tức muốn nói rằng các quỹ đầu tư trên sàn vẫn chưa muốn đưa giá về giảm sâu, chỉ ra khỏi vùng mua quá mức đôi chút lại quay vào. (Giá hai sàn cà phê thời gian qua và sắp tới dao động mạnh là do yếu tố này.) Cho đến khi nào? Đến khi các kho cà phê đạt chuẩn thuộc sàn London có con số báo cáo tồn kho dương được lặp lại vài ba lần liên tiếp.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Nên chuẩn bị trước một kế hoạch “giải vây” cho hàng nông sản xuất khẩu, bắt đầu từ hàng cà phê.

Mua bán cà phê trong nước vẫn thiếu mạch lạc vì hầu như chuỗi cung ứng không được lành lặn, nhất là khi biến chủng Delta tạo nên đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại Việt Nam kể từ ngày 27/04/2021, gây lây nhiễm trên nửa triệu người và làm cho các vùng giao nhận cà phê quan trọng chịu ảnh hưởng nặng nề tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh sản xuất trọng điểm cà phê.

Dù sao, cũng kỳ vọng rằng với chương trình tiêm chủng đang tăng tốc tại các vùng dịch, nhất là các tỉnh có cảng giao nhận cà phê, cộng với phía các nước tiêu thụ giới kinh doanh đã xong kỳ nghỉ hè, tồn kho cà phê từ Việt Nam có thể đi dần, dù số lượng sẽ rất hạn chế.

Cước tàu biển được dự đoán tăng sẽ là một cản trở rất lớn cho kế hoạch xuất khẩu cà phê tồn kho cuối vụ mang sang và cả vụ mới bắt đầu từ 01/10/2021 (và không chỉ riêng cà phê mà các loại hàng hoá nông, thủy, hải sản khác).

Nên chăng cần một kế hoạch giải vây khó khăn cho ngành cà phê nói riêng và nông sản nói chung được bàn thật kỹ trước, ngay từ bây giờ, trước khi xuất hiện làn sóng bán ra do nông dân lâu ngày không bán được hàng, vào kỳ thu hoạch vụ mới 2021-2022 và các nhà xuất khẩu cần tiền trang trải cho kế hoạch sản xuất sắp tới và chi phí thiệt hại nặng nề do đợt giãn cách xã hội dài ngày gây ra.

Chi phí sản xuất cà phê tăng mạnh, như phân bón có loại tăng 70%-80%, hao hụt sau thu hoạch tăng do thiếu nhân công vì giãn cách xã hội…hãy tìm mọi biện pháp có thể để giảm chi phí và phí cho đến khi hạt cà phê xuất bến đều đặn và cạnh tranh được với các nước sản xuất khác. Bắng không, mặt hàng cà phê lại nhờ “giải cứu” như nhiều mặt hàng nông sản khác thì thiệt hại không chỉ trong kim ngạch xuất khẩu cà phê năm nay mà còn cho tương lai cả ngành hàng quan trọng này trong thời gian trước mắt và lâu dài.

Trích nguồn:NCIF

Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 243