Nhận định giá cà phê thế giới từ 06-11/04/2020: Giá phái sinh dao động mạnh dù thị trường hàng thực tê liệt.

Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 30/03-04/04/2020: Mất đỉnh cũ, tạo đáy mới.

Hình 1

Bối cảnh thị trường

Dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh lớn toàn cầu. Tính đến tối 04/04/2020, đại dịch đã lây lan đến 207 nước và vùng lãnh thổ. Số người lây nhiễm trên thế giới đã cán qua mức 1,19 triệu người làm hơn 64 nghìn người chết.

Các nước tiêu thụ cà phê lớn ở Châu Âu và Bắc Mỹ đang dẫn đầu số bị lây nhiễm và thương vong như Mỹ với trên 306 nghỉn người mắc bệnh trong đó có 8.350 tử vong, Italia và Tây Ban Nha gần 300 nghìn người với hơn 27 nghìn ca tử vong cho cả hai, Đức và Pháp đã vượt mặt Trung Quốc về lượng bị lây nhiễm là 81.639 ca. Ngay tại Thụy Sỹ, một đất nước nhỏ bé, nhưng là nơi tập trung các trụ sở của hầu hết các tập đoàn kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới, số người mắc bệnh cũng trên 20 nghìn với 666 ca tử vong.

Tại các nước sản xuất lớn nhỏ như Brazil, Việt Nam, Colombia, Ấn Độ, Indonesia, Costa Rica, Lào…nước nào cũng được ghi nhận có ca bị lây nhiễm.

Nhiều nước cả bên xuất khẩu lẫn nhập khẩu cà phê đều phải ban bố tình trạng khẩn cấp, khuyến cáo giãn cách giao tiếp xã hội, đóng cửa khách sạn, nhà hàng, quán xá. Giao thương mua bán cà phê gián đoạn từ hai phía. Công tác logistics hạn chế, thanh toán tiền hàng khó khăn và chậm chạp…Dù vậy, giá trên các sàn cà phê phái sinh tăng giảm thất thường, khi lên cao lúc xuống thấp, cực kỳ rủi ro.

Hiện tượng ấy cũng thấy tại các ngành hàng khác và hình như không có luật trừ. Nhóm năng lượng có ngày dao động giữa mức cao và thấp 30%. Giá vàng tuần qua cũng sóng gió không kém, có khi xuống 1.571 Usd/oz (31/03) và đóng cửa phiên cuối tuần trước tại 1.619 Usd/oz.

Giá cổ phiếu toàn cầu tuy phục hồi nhưng qua một tuần tất cả đều có giá âm. Nhìn chung, tính từ một tháng nay, hầu hết các sàn chứng khoán thế giới đều giảm trên 20%, là tỷ lệ mà nhiều nhà phân tích tin rằng đó là dấu hiệu của một thị trường có giá theo hướng xuống (bearish).

Chỉ số đồng Usd (DX) vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu khi lên cao lúc xuống thấp, từ 98 điểm tuần trước nay lên trên 100 điểm. Đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) lại xuống mức sâu nhất lịch sử vào ngày 03/04 khi chạm 5,3539 Brl ăn 1 Usd (xem hình 1).

Tình trạng thất nghiệp toàn phần hay một phần tại nhiều nước sản xuất và tiêu thụ cà phê do virus corona gây ra phải được xem là mối đe dọa lớn cho thị trường cà phê. Tuần trước Mỹ báo có trên 700.000 người thất nghiệp so với kỳ vọng chỉ 100.000, Pháp nói chừng 5 triệu người thất nghiệp bán phần hay làm tại nhà, Đức cũng có hàng triệu người ở nhà và nhận 2/3 lương tháng trong khi chờ các nhà máy và công trường hoạt động trở lại.

Điểm tình hình cung cầu cà phê trong tuần

Các báo cáo phát hành mới nhất về tồn kho cà phê khả dụng tại các vùng tiêu thụ trọng điểm của thế giới như sau:

Tồn kho Hiệp hội Cà phê Châu Âu (ECF) đến cuối tháng 12/19  đạt 5,403 triệu bao (bao=60kg) so với 11/19 là 5.833 triệu bao. Nhật Bản đến hết tháng 01/2020 đạt 3,021 triệu bao so với 2,94 triệu tháng 12/19. Ở Bắc Mỹ, Hiệp hội Cà phê nhân Mỹ (GCA) báo đến hết tháng 02/2020 đạt 6,2 triệu bao, giảm 0,15 triệu bao so với tháng trước đó.

Tổng cộng cả ba vùng, khối lượng tồn kho đạt chừng 880 nghìn tấn, gần một nửa sản lượng cà phê Việt Nam trong một năm được mùa.

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) chỉnh giảm con số thiếu hụt cà phê niên vụ 2019-2020 đã công bố, từ -476.000 bao xuống -474.000 bao (bao=60 kg). Tuy nhiên, đấy là con số dựa trên tính toán mức tiêu thụ năm 2020 tăng 0,7%. Với tình trạng mua bán đình đốn của mặt hàng cà phê như hiện nay và chưa biết đến khi nào dịch Covid-19 bị khống chế, ICO sẽ phải thay đổi con số này theo hướng tiêu cực đối với giá cà phê. Goldman Sachs đã từng dự báo sức tiêu thụ cà phê toàn cầu năm nay có thể giảm 10% (1).

Giá cả (xem hình 1)

Giá trên 2 sàn cà phê tiếp tục chao đảo từng ngày, với robusta London có khi 40-60 Usd và arabica New York 5-7 cts/lb là chuyện bình thường.

Cũng nên thấy rằng giá dao động mạnh trên hai sàn phái sinh cà phê không xuất phát từ cung-cầu mà từ tâm lý lo sợ dịch bệnh và nhất là dòng vốn trên thị trường tài chính đổi hướng bất ngờ. Cả tuần, tính đến thời điểm đóng cửa ngày 03/04/2020, giá robusta giảm 18 Usd/tấn với biên độ dao động giữa đỉnh và đáy trong tuần là 1.234 và 1.162. Tương ứng, tại sàn arabica, cả tuần giảm 0.95 cts/lb (hay 21 Usd/tấn) với biên độ 123.35 và 114.30 (hay 200 Usd/tấn).

Giá cà phê trong nước tính trên cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ được công bố từ 29,5-31 triệu đồng/tấn. Hợp đồng mua bán mới cực kỳ hạn chế. Giá nói trên được ghi nhận là giá chốt bán các hợp đồng cũ đã giao kho nhưng chưa định giá cuối cùng (price-to-be-fixed). Tùy theo tâm lý người bán, nếu lo sợ giá xuống, họ bán giá thấp, còn một số trường hợp đã chọn được đỉnh khi giá niêm yết London tăng từ 1.230 Usd/tấn trở lên.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 06-09/04/2020: Xu hướng tiêu cực thắng thế.

Hình 2

Phiên cuối tuần 03/04/2020, giá sàn phái sinh chốt tại 1.191. Như vậy, thị trường viếng và đứng lại đáy của ngày 18/03 sau khi thử 1.162. Từ mức 1.162, ta lại chứng kiến đáy ngày sau cao hơn ngày trước nhưng không vượt được đỉnh cũ của tuần trước đó tại 1.267.

Tuần trước, London từ chối lên đỉnh cũ mà dừng lại ở 1.234 nhưng lại có đáy mới. Chứng tỏ lực bán lấn át sức mua. Ngoài ra, còn có tâm lý lo sợ bệnh dịch, tháng 04/2020 cũng là tháng các nhà xuất khẩu phải thoát vị thế dư mua vì ngày thông báo giao hàng đầu tiên của tháng giao dịch 05/2020 nằm tại 27/04/2020.

Các kịch bản trong tuần:

Hướng tăng: Trong những ngày tới, vượt đỉnh 1.234 của tuần trước là khó nhưng lên lại vùng 1.210-1.220 không phải không có khả năng. Chỉ khi nào vượt khỏi 1.220 rồi 1.234/1.240 mới tính được lên vùng 1.270.

Hướng giảm: London đã trượt khỏi mốc 1.191 để xuống 1.162. Tiêu cực trên sàn này còn lớn và áp lực chốt giá hàng xuất khẩu bán trên tháng 05/2020 và nhất là đóng cửa vẫn nằm dưới các điểm gặp đường bình quân động như MA 5 ngày ở 1.192 và MA 20 tại 1.229. Như trong bài nhận định tuần trước đã nói, “khi nào sàn robusta mất 1.191, thì khả năng mất thêm 40-50 Usd nữa càng dễ”. Tuần này thêm điểm mới: nếu như để mất 1.162, thì mức 1.115 sẽ nằm ngay trước mặt.

Những yếu tố cần tiên liệu:

-Cản trở cho hướng tăng: (1) Về kỹ thuật, giá robusta trong thế tiêu cực vì phá 1.191 và tạo đáy mới 1.162. (2) Mùa robusta chính thức thu hái rộ tại Brazil và Indonesia. (3) Yếu tố tiền tệ như hạ lãi suất các đồng nội tệ ở các nước sản xuất như Brazil, Ấn Độ, Indonesia…tạo thuận lợi cho sức bán cà phê mạnh với giá rẻ, nhất là giữa cơn đại dịch mua bán ế ẩm.

-Thuận lợi cho hướng tăng: (1) Chỉ số DX ở mức cao. Một khi DX được chỉnh xuống theo sóng, giá nhóm nông sản có cơ hội tăng do tác động của dòng vốn, tuy nhiên giá tăng mang tích nhất thời hơn bền vững. (2) Lượng hợp đồng dư bán tổng hợp trên sàn London vẫn còn nhiều, trên 300.000 tấn. Đây cũng là tuần thứ tư liên tiếp các quỹ đầu tư tài chính giảm lượng dư bán nên giá London tuy có giảm nhưng không mạnh bạo.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Chỉ có giá bán cho các hợp đồng đã giao.

Như đã nói ở trên, do yêu cầu giãn cách giao tiếp xã hội bắt đầu từ 01/04/2020 tại Việt Nam, tình hình mua bán chậm chạp, nếu không muốn nói là “tê liệt”.

Giá được thông tin trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng được xem là giá “danh nghĩa” vì chỉ nhìn giá London lên xuống bao nhiêu, phiên giá nội địa cho bằng bấy nhiêu.

Tuy nhiên, giá thực sự chỉ nằm trên các hợp đồng treo bán đã giao trước. Tùy tâm lý của người bán, ai lo sợ giá xuống, họ vẫn chốt bán ngay giá thấp quanh 29 triệu đồng. Còn ai chờ đợi đỉnh, có thể chốt tương đương với giá 31 triệu đồng/tấn phiên theo giá nội địa.

Tuần này, tình hình mua bán có thể cũng xảy ra như thế. Giá cà phê cho hợp đồng mua bán mới sẽ cực kỳ hiếm hoi.

Tuy nhiên, do thị trường trên đà tiêu cực, nếu một khi sàn London mất 1.162 và theo hướng xuống sâu hơn, việc mất mốc 29 triệu đồng là dễ dàng nhưng lượng hàng chốt sẽ không nhiều. Ngược lại, sức bán mạnh sẽ nằm tại 1.220 trở lên. Bấy giờ, nếu được chốt, giá cà phê xuất khẩu có thể đạt đến 32,3 triệu đồng/tấn vì giá xuất khẩu +150 Usd/tấn trên giá London và tỷ giá VndUsd là 23.600, chưa trừ chi phí làm hàng và tài chính, tức tương đương 31 triệu đồng giá đầu vào.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) “Nhận định giá cà phê thế giới từ 23-28/03/2020: Lượng tiền mặt và vốn dồi dào hỗ trợ giá cà phê” tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21966

Ngoài ra, các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang “barchat.com”, “theice.com”, “ncif.gov.vn”, “thitruongcaphe.net”, “feedin.me” và “worldometers.info”

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 27