Diễn biến thị trường tuần trước: Giá cà phê “nước lên thuyền lên”
Thế giới tuần qua có nỗi niềm chung: lo ngại về lạm phát lâu dài, giá năng lượng tăng cao, đợt chỉnh đốn hoạt động kinh doanh khá mạnh tay tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại trong khi người ta nghi ngờ sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng trung ương ở nhiều nước không thể mạnh như trước, thậm chí có thể co lại.
Số liệu kinh tế cho biết trong tháng 09/2021, lạm phát tại vùng sử dụng đồng euro (eurozone) đạt +3,4%, mức cao nhất tính từ 13 năm trở lại. Tại Mỹ, chỉ số bán lẻ trừ lương thực và năng lượng tăng 0,4% hay tăng 3,6% trong vòng 1 năm nay, phù hợp với dự đoán của thị trường.
Bàn cờ chính trị Mỹ khiến giới cao thủ Wall Street không thể không quan tâm và cuối cùng đều thở phào: chính quyền liên bang Mỹ thoát khỏi cảnh đóng cửa một phần. Ngân sách liên bang còn hoạt động được đến ngày 03/12/2021. Tuy vậy, kế hoạch gói ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện y tế và xã hội trị giá hơn 4 nghìn tỷ Usd do Tổng thống Joe Biden đề xuất…xem chừng không nhanh được như kỳ vọng.
Một đợt khủng hoảng khí đốt, nhiên liệu tại hai bên bờ Đại Tây Dương tạo thêm hoang mang cho dân chúng tại các nước liên quan. Giá năng lượng đã trở thành vấn đề nóng tại châu Âu tuần qua. Giá khí đốt trên sàn giao dịch hàng hóa đã tăng 250% tính đầu năm đến nay.
Chỉ số chứng khoán Âu Mỹ tăng giảm thất thường, cho đến khi Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh thoát nợ trần, cổ phiếu nâng giá lên lại vào ngày ký nhưng kết quả cả tuần đều giảm như CAC40 (Pháp) -2%, DJ -1,4%, S&P 500 -2,2% và Nasdaq -3,2%.
Tuần trước cũng là thời gian “giao mùa” giữa 2 niên vụ cũ và mới 2021-2022. Dòng vốn trên các sàn chứng khoán có dịp tuôn về các sàn hàng hóa như năng lượng và nông sản, trong đó cà phê thấy rất rõ. Giá arabica lên mức cao nhất tính từ hai tháng nay còn robusta London vượt khỏi 2.160 Usd/tấn phiên cuối tuần.
Chỉ số vận tải biển hàng khô BDI lên mức cao nhất tính từ 09/2008 đứng tại 5.202 điểm. Chỉ số rỗ hàng hóa CRB chạm 244,9 điểm, tăng 37,34% tính từ đầu năm.
Nhìn lại niên vụ 2020-2021
Năm kính doanh cà phê 2020-2021 đã chấm dứt vào ngày 30/09. Xuất khẩu cà phê Việt Nam toàn niên vụ ước đạt 1,4 triệu tấn trị giá chừng 2,5 tỷ Usd, so với niên vụ 2019-2020 là 1,5 triệu tấn và năm xuất khẩu kỷ lục 2017-2018 là 1,8 triệu tấn.
Đấy cũng là niên vụ thứ hai thị trường cà phê chìm trong đại dịch Covid-19. Chuỗi cung ứng đứt gãy, tình trạng thiếu containers rỗng và chỗ trên tàu biển, giá cước vận tải tăng gấp nhiều lần, các cảng xuất và nhập ùn ứ hàng nghiêm trọng. Thị trường tin rằng trong số 1,4 triệu tấn đã bán xuất khẩu, ít ra còn chừng vài ba trăm nghìn tấn đang bị neo trong lãnh thổ Việt Nam do các vấn đề nảy sinh từ logistics.
Năm 2021 cũng là năm Brazil vào chu kỳ mất mùa cộng với hiện tượng thời tiết cực đoan tại nhiều nước sản xuất, giúp giá có cơ hội đi lên. Thật vậy, tồn kho đạt chuẩn giảm và nhất là nền giá hàng hóa thương phẩm tăng theo “siêu chu kỳ kinh tế” đã làm giá cà phê tăng rất tốt sau một năm. Tồn kho cà phê đạt chuẩn thuộc hai sàn đều giảm: sàn arabica đạt 124.593 tấn, giảm so với 127.385 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm xuống còn 124.540 tấn so với tuần trước là 128.010 tấn.
Tính từ đầu (01/10/2020) đến cuối niên vụ 2020-2021 (30/09/2021), giá robusta London tăng 788 Usd/tấn (1.331-2.119) và arabica New York tăng 83,05 cts/lb hay 1.831 Usd/tấn (110,95-194).
Giá cả
Ngày đầu niên vụ 01/10, lấy đà tăng từ cuối vụ cũ, hai sàn cà phê đóng cửa tăng mạnh. Chốt phiên, sàn arabica tăng 10,10 cts/lb hay 223 Usd/tấn đứng tại 206,90 cts/lb và robusta tăng 42 Usd đứng tại 2.161 Usd/tấn. Tính theo tuần với tuần, hai sàn có kết quả như sau:
-Sàn London tăng 52 Usd chốt tại 2.161 trong biên độ 2.097/2.171.
-Sàn New York tăng 9,75 cts/lb hay 215 Usd/tấn dao động trong vùng 193,35-208,35.
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ trên thị trường nội địa biến động từ 40,7 đến 41,7 triệu đồng/tấn. Giá đến sáng thứ hai 04/10 quanh mức 42 triệu đồng/tấn. Hãy lấy mức này làm chuẩn cho những biến động giá cà phê nội địa sau này trong năm.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2 được chào mua từ trừ 230 đến 250 Usd/tấn dưới giá niêm yết sàn London cơ sở tháng 01/2022.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 04-08/10/2021: Liệu có vượt “vũ môn” đầu niên vụ?
Chạm vùng 2.100 với sức bán lấn đôi chút, sàn London tuần qua có đáy ở 2.097. Từ đó, giá sàn này phục hồi mạnh mẽ lên 2.171 và chốt tại 2.161 phiên đầu niên vụ.
Đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp cho thấy rằng giá vẫn còn nằm trong kênh tăng. Nhìn theo Fibonacci, lấy xuất phát điểm (0,00%) tại 1.110 xuất hiện đầu tháng 05/2020, hướng tăng đang tìm cách đột phá vùng 2.187 (300,00%). Như vậy, trong những ngày tới, một khi khu vực 2.187 trượt lên, khả năng London tìm lên 2.228 và 2.282 (311,4% và 326,40%) là có thể. Trước mắt, vùng 2.186/2.187 là rất kỳ vọng vì vùng kháng cự gần nhất đang nằm tại đó, hãy xem đó như là “vũ môn” cho một đợt giá dâng lên đàng trước.
Về hướng xuống, hãy lấy vùng 2.100 làm đáy nhưng nếu như mất 2.097/2.095, giá có thể mất thêm 40-50 Usd nữa. Tuy nhiên, trước khi về 2.100, London phải qua nhiều ải tại 2.150/2.140 mới có thể kích động bán thêm.
Trước mắt, rất có thể sàn New York tăng mạnh cuối tuần qua sẽ được chỉnh củng cố trong những ngày đầu tuần. Nhưng đấy sẽ là một thử thách cho sàn London. Cần xem nó có theo New York sát cánh đến mức nào để lượng định tình hình. Giá arabica đang bước một chân vào vùng mua quá mức (RSI9=72,48%) nhưng robusta thì chưa.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá là quan trọng, nhưng tính quyết định niên vụ mới thành công hay không nằm ở chỗ khác.
Như vậy, giá cà phê phái sinh có vẻ thuận lợi ngay từ đầu niên vụ. Nhờ vậy mà giá cà phê nội địa quanh mức 42 triệu đồng/tấn.
Giả sử như tỷ giá USDVND là 23.000 VND, thì mỗi tấn được quy ra 1.826 Usd hay trừ 335 Usd/tấn dưới giá niêm yết tháng 01/2022. Lấy giá chào mua trừ 250 Usd/tấn dưới giá London, vẫn còn dư địa 85 Usd để tính toán. Với người mua trên thị trường nội địa để xuất khẩu, họ có thể tăng giá mua để gom hàng về nhiều hơn. Với người mua là nhà nhập khẩu, họ có thể giảm giá mua xuống như trừ 275 hay trừ 300 Usd dưới giá London chẳng hạn. Nói vậy để thấy mức chênh lệch 85 Usd có thể vào túi bất cứ thành phần nào trên thị trường, nhờ vậy mà tính thanh khoản của thị trường sẽ thoáng hơn. Tin rằng nhịp mua bán, nhờ đó, sẽ bắt đầu lại nhanh hơn sau gần hai năm tròn nhà nông và giới kinh doanh cà phê bị gò bó trong đại dịch.
Chuyện còn lại là các vùng/địa phương gỡ nút thắt thế nào cho hạt cà phê được thu hái thật tốt, đưa vào lưu thông thật trôi chảy vì rất nhiều vườn cà phê nằm tại vùng sâu vùng xa, nhiều địa phương hay có những luật lệ riêng, đặc biệt với lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19. Không chỉ cầu mong cho sự thông suốt về lưu thông giữa tỉnh này với tỉnh khác, mà từ huyện/xã qua nơi khác có thể gặp khó khăn lớn, nên nông dân không được hưởng lợi nhuận họ đáng được hưởng. Nói thế để thấy thật ra không phải vì thị trường mà những cản trở do chính các biện pháp phong tỏa quá đáng và quá nghiệt ngã tại từng địa phương các cấp gây nên.
Một vụ mùa thành công về mặt thị trường thường thu hoạch đúng nông lịch, hàng đem vào chế biến được thu hái đàng hoàng và phơi phóng nghiêm túc. Các biện pháp phong tỏa vừa qua tại nhiều nơi tỏ ra không phù hợp với yêu cầu ấy của thị trường, thậm chí có thể gây hại. Nên chăng các địa phương và chính phủ trung ương cần thấy trước những nút thắt ấy để gỡ ngay từ đầu. Khi chuẩn bị thu hái, yêu cầu các vùng thu hái cà phê thực hiện 5K và nhất là tạo điều kiện tối đa có thể cho các nơi sản xuất tạo điều kiện cho người thu hái được chích ngừa chống Covid-19, tất cả vùng thu hoạch cà phê và sau đó là kho bãi phải là “vùng xanh” tuyệt đối thì thị trường mới tin tưởng đặt hàng.
Một vụ mùa cà phê mới có thể trị giá đến 4 tỷ Usd hay hơn nữa nhờ giá hàng hóa thương phẩm đang vào quỹ đạo “siêu chu kỳ kinh tế”. Đóng góp của ngành cà phê có thể không lớn so với nhiều ngành khác, nhưng có lợi điểm là thu hoạch, sản xuất và chế biến chể quy thành vùng riêng biệt và có thời hạn ngắn, dễ quản lý dịch bệnh. Vả lại, cà phê là nguồn thu chính của nhiều tỉnh vùng Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Cơ hội của niên vụ cà phê không nằm trong “gói trị giá” mà nằm trong cách tổ chức thị trường, có chu đáo không, có vì cái chung và có vì sự phát triển của cà phê và cả vùng Tây Nguyên và miền núi hay không.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 40