Nhận định giá cà phê thế giới từ 03-08/08/2020: Chưa tìm ra hướng đi

Diễn biến thị trường cà phê tuần 27-31/07/2020: Giá arabica bùng phát, robusta chờ thời

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch tháng 11 trên sàn robusta và 12/2020 trên sàn arabica) 

Bối cảnh thị trường

Nhiều khu vực trên thế giới đang đối mặt với đợt bùng phát thứ hai, thứ ba của đại dịch Covid-19. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi chỉ trong 6 tuần qua.

Trong khi đó, nhiều nước đang chạy đua để tìm cho được vắc-xin phòng và chữa Covid-19. Mỹ, Anh, Trung Quốc…đang tập trung trí và tài lực vào các hãng dược phẩm và công nghệ hầu mong chóng tìm ra liều thuốc chữa bệnh. Nhưng dù có nhanh gì đi nữa, thế giới phải đợi đến cuối năm 2020 mới có những liều vắc-xin đầu tiên ra thị trường như lời dự đoán của tỷ phú Mỹ Bill Gates.

Những hy vọng hồi phục của nền kinh tế Mỹ bị đứt đoạn khi các thông số kinh tế quý 2/2020 của Mỹ được công bố giảm 33%, là mức rớt sâu nhất tính từ thời kỳ Đại Khủng hoảng và nhiều gấp đôi so với đợt khủng hoảng 2008-2009.

Chỉ số giá trị đồng Usd (DX) giảm mạnh. Phiên giao dịch cuối tuần 31/07/2020, có lúc DX xuống 92,51 điểm, khiến chỉ số này lập kỷ lục giảm nhiều nhất trong một tuần tính từ 10 năm trở lại với -5,06%. Từ đầu năm đến nay, DX đã mất 10,75% giá trị.

Hình 2 – Lợi suất đầu tư nhiều sàn nông sản tăng

Chỉ số DX giảm liên tục đã hỗ trợ mạnh cho nhóm hàng nông sản. Lợi suất đầu tư trên nhiều sàn nông sản (xem hình 2) sau 5 ngày giao dịch tuần trước tăng rõ rệt, trong đó sàn cà phê arabica New York tăng 9,75% dù thông tin Brazil bội thu cà phê chưa hết lãng vãng trên thị trường.

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

-Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng 6 tháng đầu 2020

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2020 xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 127,7 nghìn tấn, trị giá 217,69 triệu USD, giảm 2% về lượng và giảm 1,3% về trị giá so với tháng 5/2020, so với tháng 6/2019 giảm 11,5% về lượng và giảm 9,9% về trị giá.

Như vậy trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê tăng 2,2% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 941 nghìn tấn, trị giá 1,59 tỷ USD.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức, Nhật Bản, Angieri, Thái Lan tăng, xuất khẩu sang các thị trường giảm, gồm: Italia, Mỹ, Philippines, Tây Ban Nha, Nga. Cụ thể:

Trong tháng 6/2020, Đức nhập khẩu 17 nghìn tấn trị giá 25,93 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 151,4 nghìn tấn trị giá 228 triệu USD tăng 11,2% về lượng và tăng 6,5% về trị giá. Nhật Bản trong kỳ 11 nghìn tấn, trị giá 18,6 triệu USD tăng 23% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ 2019, tính chung 6 tháng đầu năm 2020 đạt 60 nghìn tấn trị giá 103 triệu USD tăng 18% về lượng và 18,2% về trị giá so với cùng kỳ 2019.

-Giá cà phê nội địa tại Brazil

Bản tin của nhà sản xuất máy cà phê Pihalense ra ngày 10/07/2020 Coffidential cho biết giá cà phê nội địa bình quân giao hàng ngay tại cửa vườn ngày 30/06/2020 ở Brazil: arabica chế biến khô chừng 1.520 Usd/tấn, robusta 1.100 Usd/tấn (tỷ giá UsdBrl thời điểm: 5,40 Brl = 1 Usd). Như vậy, thực chất giá chênh lệch giữa arabica với robusta trên thị trường nội địa của Brazil chỉ 420 Usd/tấn hay 19 cts/lb (so với giá cách biệt 2 sàn thấp chỉ bằng 1/3). Chính vì vậy, Brazil mạnh tay xuất khẩu robusta và để lại arabica cho tiêu thụ trong nước vì mức chênh lệch quá khiêm nhường.

Tiêu thụ cà phê tăng

Hai đại gia chế biến và tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới Nestlé và Starbucks đều cho biết doanh số trong quý 2/2020 tăng dù nhiều nước thực hiện giãn cách xã hội. Riêng thương hiệu Nespresso của Nestlé ước tăng 5% doanh số bán ra nhờ khách hàng tiêu thụ tại nhà.

Thời tiết

Cơ quan khí tượng quốc gia dự báo rằng từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 9-11 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn bão đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina hoạt động trở lại. La Nina thường gây ra các trận mưa bão lớn, gây ngập lụt và sạt lở. Đối với các vùng cà phê Việt Nam, La Nina đã từng kéo dài mùa mưa đến tận thời kỳ thu hoạch, ảnh hưởng đến phơi phóng làm chất lượng vị nếm giảm.

Giá cả (xem hình 1)

Hình 3 – Giá phái sinh arabica tăng liên tục từ 12 phiên giao dịch gần đây

Bắt đầu từ tuần này, nhận định thị trường dựa trên cơ sở giao dịch kỳ hạn tháng 11/2020 đối với London và 12/2020 đối với New York.

Sau một tháng tính từ 30/06/2020, lợi suất đầu tư trên 2 sàn phái sinh cà phê như sau:

-Robusta: tăng 156 Usd/tấn hay +12,95% (1.361-1.205), dù tuần trước sàn này -10 Usd/tấn hay -0,73% với đỉnh và đáy trong tuần là 1.395/1.338). Tuy nhiên bảy tháng đầu năm 2020, lợi suất đầu tư trên sàn này vẫn còn âm 93 Usd/tấn hay -6,40%.

-Arabica: tăng 18.15 cts/lb tương đương với 400 Usd/tấn hay +17,54% (121.60-103.45). Riêng tuần trước sàn này tăng 10.30 cts/lb (121.60-111.30). Tính từ đầu năm đến nay, giá arabica New York tăng 10.85 cts/lb hay +9,80%.

Như vậy, tuần trước, giá cà phê London có lúc lên mức cao nhất tính từ 29 tuần và New York 13 tuần dù đã có nhiều thông tin về cung-cầu có vẻ bất lợi cho giá cà phê trong năm nay vì Brazil được mùa.

Hình 4 (nguồn: feedin.me)

Tuy thế, giá cà phê trong nước biến động không nhiều, từ 32-32,5 triệu đồng/tấn. Điều đáng lưu ý là diễn biến trên sàn phái sinh London trong ba ngày gần nhất tăng mạnh đầu và giữa phiên nhưng cuối phiên đóng cửa chỉ thay đổi nhẹ (dù tăng hay giảm) so với ngày giao dịch trước đó. Đấy là lý do làm cho giá cà phê nội địa không dao động nhiều những ngày gần đây.

Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào mua quanh mức 120 Usd/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB). Dù giá mua bán trên sàn robusta được chủ sàn quy định cho loại 2 đạt chuẩn là -30 Usd/tấn CIF (chi phí đầu vào – phí bảo hiểm – phí vận tải), mức từ 100-120 Usd/tấn FOB vẫn hấp dẫn người mua để kéo cà phê về sàn. Do cà phê đạt chuẩn tại các kho do sàn London chỉ định giảm, người mua cho biết nếu giá từ 100-120 Usd/tấn vẫn hấp dẫn để nếu không đấu giá được trên sàn, thì hàng cũng sẵn sàng để giao ngoài sàn với giá hấp dẫn hơn nhiều.

Tính đến 27/07/2020, lượng cà phê đạt chuẩn robusta còn chừng 112 ngàn tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 03-08/08/2020: Chờ tín hiệu mới.

Đứng từ vị trí đóng cửa cơ sở giao dịch tháng 11/2020 của sàn robusta London ngày 31/07/2020 là 1.361 Usd/tấn với đỉnh/đáy trong tuần là 1.395/1.338, có thể nhận định như sau:

Mức 1.344 là điểm trung tâm của đỉnh và đáy 1.536 và 1.152. Dù trong tuần có lúc đã chạm 1.395 nhưng rồi lại quay về vùng thấp 1.344-1.347 dù có lúc bất ngờ phóng xuống đáy 1.338.

Cần ghi nhận rằng diễn biến giá tuần trước chủ yếu xoay quanh vùng 1.344-1.347 và 1.374-1.378. Như vậy, đỉnh 1.395 chỉ là đột biến, có lẽ do chỉ số giá trị đồng Usd quá yếu và một sàn arabica mạnh đã đưa giá London ngày 30/07/2020 lên quá đà. Bù lại cho cú chạy quá đà ấy là hôm đó London có giá đóng cửa 1.356 và âm 2 Usd.

Hình 5

Như vậy, sắp tới, nếu như London có giá đóng cửa trên 1.378 hay dưới 1.344 thì giá mới thể hiện được hướng lên hay xuống. Còn nếu như giá chạy quanh trong khu vực này, thì nên xem đó là “tích lũy” để chờ thời cơ. Điều thú vị là điểm giữa của 1.378 và 1.344 là 1.361, đích thị là giá đóng cửa ngày 31/07/2020.

Như vậy, ở mức đóng cửa 1.361 cơ sở tháng 11/2020, giá sàn robusta nằm ở vị trí trung dung chưa có hướng rõ ràng. Lúc nào đó có giá đóng cửa trên 1.378, bấy giờ mới bộc lộ xu hướng tăng. Ngược lại, khi mất 1.344, theo xu hướng giảm. Tuy nhiên, khi để mất 1.331 (MA200), giá sẽ không ngần ngại quay về vùng 1.300 để củng cố trước khi có đợt thăng tiến mới.

Chỉ báo RSI 14 của sàn này đang nằm tại 69,93% so với tham chiếu 70% nên hy vọng sàn robusta còn chút lực mua. Nếu thế, sức mua cũng không mạnh mấy trong tuần này.

Chỉ số DX phục hồi ngày cuối tuần trước sau khi chạm 92,51 điểm, sàn arabica đang trong tình trạng “siêu” mua quá mức (RSI14=76,93%), đó là các điểm yếu cho giá robusta cần thấy trước nhằm tránh rủi ro một khi giá thoát khỏi mạch tăng như từng thực hiện tốt trong tuần trước.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá cà phê ổn định.  

Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ nhiều nơi trong nước đầu tuần này quanh mức 32,5 triệu đồng/tấn.

Do thiếu hợp đồng mới, một lượng cà phê bán gởi kho đã được chốt khi London từ mức 1.340 Usd/tấn trở lên, nên sàn London được hỗ trợ do lực bán hàng thực không mạnh khi thị trường dâng cao.

Có thể thấy rằng lực đẩy giá London tăng trong tuần hầu hết là nhờ “hàng giấy”. Giới đầu tư to nhỏ mua giá thấp đầu phiên và chốt lời cuối phiên. Chính vì thế thị trường những ngày giao dịch gần đây có hiện tượng tạo đỉnh ban đầu, hạ giá phần cuối phiên.

Đã từng thấy London có lúc đạt đỉnh 1.395 Usd/tấn trong tuần, nhưng không vì vậy mà giá cà phê nội địa tăng. Tuần này, giá cà phê nội địa được dự đoán trong biên độ 32 đến 32,5 triệu đồng/tấn nếu diễn biến giá theo hướng tích lũy như tuần trước. Nhưng dẫu London đi xuống, khó thấy giá nội địa mất mốc 32 triệu đồng/tấn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”, “barchart.com”, “theice.com”, “thitruongcaphe.net” và “feedin.me”.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 39