Diễn biến thị trường cà phê tuần trước: Giá cà phê phái sinh tăng mạnh
Gói tài chính trị giá 1,9 nghìn tỷ Usd được Tổng thống Joe Biden yêu cầu để cứu trợ doanh nghiệp và người lao động bị thiệt hại trong đại dịch Covid-19 đã được hạ viện Mỹ thông qua rạng sáng 27/02/2021 giờ VN. Thị trường tin thượng viện do đảng Dân chủ của Biden nắm, cũng sẽ chuẩn thuận sớm.
Thị trường hàng hóa phái sinh tuần qua hứng vốn từ các đợt bán tháo trên các sàn giao dịch tiền ảo và chứng khoán, nhiều sàn nông sản tăng tốt, trong đó có hai sàn cà phê.
Sau một tuần, giá ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm: S&P500 -2,5%, Dow Jones -1,8% và Nasdaq -4,9%. Giá kim loại vàng cũng giảm 2,7% về quanh 1.730 Usd/ounce nhưng giá dầu thô WTI tăng 3,7% lên quanh mức 61 Usd/thùng.
Các nước đang tích cực chích ngừa vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân. Nhờ một phần lý do ấy, tỷ lệ ca lây nhiễm và tử vong giảm hẳn dù tính đến sáng 27/02/2021 toàn cầu có gần 114 triệu ca lây nhiễm và 2,53 triệu người tử vong.
Hiệu ứng tích cực từ phiên điều trần trước quốc hội Mỹ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi Chủ tịch Jerome Powell cho biết sẽ giữ nguyên lãi suất và áp dụng một chính sách tiền tệ uyển chuyển. Tuy nhiên, sự ra đời của gói cứu trợ có thể tạo tâm lý lo ngại lạm phát tăng, đã kích các nhà đầu tư mua hàng hóa như một biện pháp phòng ngừa, giúp giá hàng hóa tăng tốt, trừ mặt hàng vàng.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Rabobank: Cà phê Brazil mất mùa
Rabobank, ngân hàng thương mại nông nghiệp Hà Lan nói Brazil mất mùa cà phê niên vụ 2021-2022. Cụ thể tổng sản lượng là 56,2 triệu bao (bao=60 kgs) trong đó arabica 36 triệu và robusta 20,20 triệu bao. Họ còn dự đoán thế giới thiếu 2,6 triệu bao cà phê trong niên vụ 2021-2022 so với 2020-2021 bấy giờ thặng dư 10 triệu bao. Niên vụ trước, Rabobank cho biết Brazil sản xuất chừng 67,5 triệu bao cà phê.
Như vậy, mức 36 triệu bao cũng phù hợp với suy nghĩ chung của thị trường gồm 34,51 triệu bao arabica và 21,20 triệu bao robusta (1).
Uganda: Xuất khẩu cà phê tăng
Trong 4 tháng đầu niên vụ 2020-2021, Uganda xuất khẩu 103.646 tấn cà phê, tăng 6,7% tức tăng 6.545 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Colombia: Sản lượng giảm
Hiệp hội Cà phê Colombia ước sáu tháng đầu 2021, sản lượng cà phê arabica nước này chỉ đạt 6,06 triệu bao, giảm 1,4% so với cùng kỳ 2020.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn ghi nhận trong đợt này đều tăng: sàn arabica New York là 105.744 tấn so với tuần trước là 104.170 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 144.800 tấn so với tuần trước là 144.720 tấn.
Hàng robusta Việt Nam cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện trên báo cáo do giá tại chỗ ở mức cộng so với giá niêm yết, nhất là cước tàu biển tăng quá cao, cà phê Việt Nam không thể tìm được đường đến sàn. Giá cà phê đạt chuẩn ICE EU (London) loại 2 ở mức -30 Usd/tấn giao tại kho qui định của sàn ở châu Âu.
Giá cả
Cả tháng 02/2021, giá 2 sàn cà phê có kết quả tích cực.
Giá arabica New York tăng 10.90 cts/lb hay 240 Usd/tấn tương đương với 8,61% trong đó tuần trước đóng góp tăng 8.35 cts/lb hay 184 Usd/tấn tức +6,47%. Đỉnh 140,45 cts/lb đạt trong tuần này là mức cao nhất tính từ 13 tháng rưỡi nay.
Sàn robusta trong tháng 02/2021 tăng 148 Usd/tấn hay +11.17%, riêng tuần trước London tăng 104 Usd/tấn tạo hiệu suất đầu tư tuần tăng 7,6%.
Giá robusta cơ sở giao dịch tháng 05/2021 có một tuần tăng đẹp dù gặp ngày thông báo giao hàng đầu tiên (23/02/2021) chốt tại 1.473 Usd/tấn với biên độ dao động 1.484/1.362.
Sàn arabica chốt tại 137.50 cts/lb trong biên độ dao động 140.45/126.75.
Giá arabica tăng mạnh hơn robusta để chung cuộc nâng giá cách biệt giữa 2 sàn từ 67,04 lên 70,67 cts/lb.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ tại vùng nguyên liệu trong tuần quanh mức 32,5-33,9 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, giá mức cao nhất chỉ đạt nhờ các nhà xuất khẩu chốt được hợp đồng bán trước khi London tăng cao. Còn giá trên thị trường nội địa chỉ quanh mức 33-33,5 triệu đồng/tấn, dịp cuối tuần trước quanh 33,3 triệu đồng/tấn.
Giá chào bán xuất khẩu cùng loại ở quanh mức +30/+40 Usd/tấn FOB cao hơn sàn London, giảm 60-70 Usd/tấn so với tuần trước..
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 01-06/03/2021: Hướng chỉnh giảm hoặc tích lũy?
Sau hơn chục phiên giao dịch tích lũy tính đến 19/02/2021, London đã vượt nhanh khỏi đáy 1.345 rồi 1.362 để bùng phát lên chạm đỉnh 1.484 cuối tuần trước khi phá được các vùng kháng cự 1.377 và 1.385.
Đồ thị của nhà phân tích kỹ thuật độc lập Phan Trọng Anh cho thấy rằng trước khi bất ngờ chạm đỉnh 1.484, London đã rất khó nhọc để qua 1.479 (đỉnh 2 lần) nhưng đóng cửa cuối tuần trước không thể nằm trên 1.479 mà thụt về 1.473.
Chỉ báo RSI (phần dưới đồ thị) cho thấy rất rõ rằng khi lập đỉnh 1.463 ngày 17/11/2020, London vào vùng mua quá mức. Từ đó giá chỉnh xuống đến 1.300 (29/01/2021) nhưng cũng từ đó đã quay đầu. Nay lên 1.484, London hình như đang muốn lặp lại hiện tượng như trước với đỉnh mua quá mức đang gãy đầu.
Xu hướng chỉnh giảm đang xuất hiện sau mấy ngày tăng nhanh nhờ các quỹ đầu tư mua mạnh nếu nhìn vào đường kẽ từ 1.498 (07/09/2020). Vùng trong phạm vi điều chỉnh là từ khu vực 1.480 đến 1.410.
Nếu như mất 1.409, các yếu tố tích cực hiện nay có thể bị hóa giải để khả năng đi đến 1.375.
Trong những ngày đầu tuần, nếu London cầm cự được để đứng vững trên 1.469, và nếu yếu nữa về khu vực 1.455-1.458 (MA5), khả năng chỉnh theo hướng xuống sẽ nhẹ đi và hoạt động tích lũy trong vùng 1.480-1.455.
Nhìn chung, tuần này giá London khó vượt khỏi 1.484 nhưng một khi nếu băng qua được khi đóng cửa, sẽ tìm 1.498 và đi lên. Khả năng này xem ra hạn chế nếu thị trường không quá bị kích động bởi các yếu tố bên ngoài như thời tiết thất lợi tại các nước sản xuất hay gói tài trợ của Mỹ.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Tại sao giá cà phê nội địa khó tăng?
Như đã thấy, tuần trước, giá London tăng trên 100 Usd/tấn nhưng giá xuất khẩu chỉ được hỏi mua +30/+40 Usd/tấn cao hơn giá niêm yết sàn London. Không cần giải thích lý do, thì cũng biết tại sao giá cà phê nội địa không chạy theo giá niêm yết.
Nếu sòng phẳng, giá nội địa tuần qua phải tăng ít nhất 2,5 triệu đồng/tấn tức đạt 35 triệu đồng/tấn. Điều này không xảy ra dù sức ép bán không mạnh (được chứng minh bằng hiện tượng giá tăng trên sàn London trong những phiên trước và sau ngày thông báo giao hàng đầu tiên của tháng giao dịch 03/2021).
Giá thị trường hàng thực bên ngoài chỉ quanh 33 triệu, thậm chí 32,7 triệu đồng/tấn. Nhiều người lấy cớ rằng do chi phí cước vận tải biển cao nên người bán (tức nông dân) phải chia sẻ một phần chi phí ấy, do giá cộng thêm quá mạnh nên phải hạ giá!
Tuần này, thị trường cũng sẽ lặp lại tình trạng ấy. Nhưng điều đáng ngại là khi giá London tăng, giá trong nước không chịu lên theo. Khi giá niêm yết xuống, giá bị đẩy xuống nhiều hơn.
Dự kiến giá cà phê nội địa tuần này ở mức 32-33,5 triệu đồng/tấn nhưng nếu London để mất 1.409 Usd/tấn, khả năng còn xuống sâu hơn như 31,5 triệu đồng/tấn.
Nguyễn Quang Bình đăng trên trang TRUNG TÂM DỰ BÁO KINH TẾ&XÃ HỘI QUỐC GIA (BỘ KH&ĐT)
Hits: 43