Những chùm cà phê đỏ mọng lúc la lúc lỉu như những quả châu xinh xắn vui đùa trong nắng mai. Sương sớm chưa kịp tan càng làm cho những nhánh quả cà phê lung linh như một rừng ánh sáng nhiều sắc màu giữa mùa Noël ở tại xã vùng cao này.
Dăkru là xã cuối cùng của tỉnh Dăk Nông giáp với Bình Phước. Chiếc xe bán tải chở chúng tôi rẽ từ Quốc Lộ 14 vào sâu chừng đâu chục cây số đường xây bằng xi măng, nhiều đoạn hư bể đầy đất đá, ổ gà đang được tu sửa. Ngồi trên xe mà cứ tưởng tượng như là những nhà thám hiểm xưa kia ngồi trên lưng ngựa đi tìm vùng đất lạ mấy thế kỷ trước.
Chút mơ màng cho ra vẻ lãng mạn giữa cái thời máy móc, công nghiệp thì có sao đâu! Một cộng đồng chừng mấy trăm nông hộ đến từ nhiều nơi như Nam Định, Phú Thọ, Đồng Nai, có cả nhóm gia đình đồng bào người Dao từ tận Cao Bằng vào đây lập nghiệp, rồi cả đồng bào người Hoa từ Bắc Giang…cùng qui tụ về đây dựng thành một cộng đồng đa sắc màu, đa văn hóa. Không chỉ vậy, người không theo đạo và người có đạo sống bên nhau chan hòa trên cùng mảnh đất mà qua bao nhiêu năm lao động cật lực, cùng chung sức làm thành một vùng trù phú như thế này.
Vui ngày mùa được giá
Rừng tít tắp, vườn cà phê lượn đèo hạ dốc. Từ xa, nếu không để ý kỹ, những tán cây nào sầu riêng, mít, bơ và những cây lưu niên chắn gió chắn nắng cho các vườn cà phê dễ làm ta lầm mình đang lạc vào cánh rừng nào đó.
Chưa đến Noël – một trong những ngày lễ trọng đại trong năm của người theo đạo Công giáo – mà nhiều gia đình trong giáo họ Thánh Ân đã rộn ràng xây máng cỏ, treo đèn nhấp nháy, có gia đình đã nhanh tay đặt sớm tượng Chúa Hài đồng bụ bẫm, lưng được sưởi ấm trên chùm ánh sáng đỏ hồng, càng làm ấm thêm không khí ngày mùa giữa cái khô lạnh nơi vùng cao này.
“Chưa lúc nào đầu mùa cà phê mà giá thị trường cao như lúc này. Nhớ năm 2021 chỉ 40-41 ngàn đồng một cân, năm ngoái 2022 lên được 47 ngàn, thì nay giá cà phê nguyên liệu tại chỗ đã lên đến 67-68 ngàn mỗi cân (ki-lô-gam)”, anh Phú báo thế với một giọng Bắc nhẹ nhàng của một nhà nông chân chất.
Không như các loại cây trồng khác, nhà vườn cà phê mỗi năm chỉ “ăn” có một mùa, bao nhiêu vốn liếng, công sức, thu nhập gia đình đều trông chờ vào ngày thu hoạch. Giá lên thì nhờ, giá xuống thì chịu. Năm nay, cả xóm đều rạng rỡ vì giá cà phê lên cao mức kỷ lục chưa hề thấy.
Cũng vì giá lên cao bất ngờ như một “phép lạ” ấy, nhiều bà con đã vội hái sớm kể cả khi trái chưa chín tới nhằm tranh thủ thời cơ được giá khi thương lái mới trả chỉ 55-60 ngàn đồng mỗi ki-lô-gam. Nhưng rất nhiều xã viên trong hợp tác xã Dakka, nơi anh Trần Phú chịu trách nhiệm điều hành, quyết tâm để cà phê chín mới hái, vừa lợi giá vừa được “thành” (sản lượng). Vì theo Phú, hái trái xanh, có khi phải mất đến hơn 10% sản lượng do dung trọng của hột cà phê nhẹ hơn, bán thiệt hơn vì mất trọng lượng.
Chọn an lành giữa thị trường bấn loạn
Khoảng mươi ngày là đến Noël, giá cà phê chấp chới. Có lúc trên sàn kỳ hạn robusta London nhảy tăng gần 350 đô la/tấn từ 2.520 lên đến 2.860 đô la Mỹ/tấn (15/12/2023). Nhiều đồng nghiệp cho đó là dịp may hiếm có nhưng Phú và ít bạn khác quyết giữ vườn cà phê đến chín đúng độ mới hái. Dù biết rằng thu hoạch khi trái còn xanh vẫn có thị trường do tin đồn rằng nhiều doanh nghiệp đã bán khống nhiều, nay cần thu gom với bất kỳ giá nào để kịp giao hàng đúng cam kết hợp đồng của họ.
“Cam quýt bưởi bòng…hái sống hái xanh thì ai ăn cho. Cà phê xã tôi chỉ cần hái chín, phơi phóng thật kỹ, là đủ thơm đủ ngon chứ chưa dám nói là vô địch thiên hạ về chất lượng và mùi vị”. Không hiểu vì sướng do giá bùng lên mà anh đồng bào Dao Bàn Văn Nhất nói quá đi chăng, nhưng tôi tin anh nói đúng với lòng mình và thật tâm với người tiêu thụ.
“Ở tận nơi quê tẻ như thế này, cứ sáng sáng chiều chiều anh em kinh doanh cà phê đều chằm chằm điện báo cho biết giá kỳ hạn London bây giờ đang mức này, chút sau tăng, rồi giảm vài chục đô la, mình nghe mà loạn cả lên, thậm chí đang hái cà phê cũng phải rối trí. Nghe riết mới nhận ra rằng sàn kỳ hạn chẳng theo một quy luật cung cầu nào cả, theo “tiếng gọi của sàn” cho nên mới hái cà xanh đem bán, vì thế bao nhiêu năm hàng mình làm tốt đều bị đánh giá “cá mè một lứa”. Thương trường thì khắc nghiệt, nên thương nhân có thể rày còn mai mất. Còn làm nông nếu thật thương nghề, làm ăn đàng hoàng, sản xuất bền vững thì có cuộc sống bền, gia đình bền vững”. Đó là cái lý sống và làm ăn nông nghiệp của Trần Phú.
Một số anh em xã viên Dakka cùng theo cách của Phú, thu hái túc tắc cà phê chín, phơi, chế biến nghiêm túc, cả nhóm đồng tâm xây dựng thương hiệu FRD cho vùng cà phê xã Dăkru. Cứ mỗi mùa, trong 500 tấn sản xuất, FRD cung cấp chừng 200 tấn cà phê chất lượng cao trong đó có một ít cà phê đặc sản. Cà phê ngon được giao đều đặn hàng tháng cho các quán cà phê trong nước và bán cho bạn hàng xuất khẩu có nhu cầu mua loại hàng đặc biệt này. Một trong các đối tác thân tín của FRD như anh Hoàng Lê Nhật Minh chủ quán Phin Xanh tại Sài Gòn thấy “yên tâm khi ngồi giữa vườn cây xem bà con thu hái và chứng kiến các công đoạn chế biến bài bản để có hột và ly cà phê thơm ngon bảo đảm để phục vụ khách tiêu thụ”.
Tuy chẳng quan tâm đến “dao động rất không đều hòa” của sàn kỳ hạn cà phê, nhưng Phú tin giá cà phê sẽ vững vì, theo anh, một khi ngân hàng các nước nhập khẩu hạ lãi suất cho vay, thì đó là lúc thị trường tiêu thụ mua vào dự trữ do tồn kho các nơi ấy đã giảm nhiều. Chuỗi cung ứng cà phê nay vẫn chưa ổn vì thuyền bè qua một kênh đào nào đó bị khô hạn (ý anh nói kênh đào Panama).
Không đeo theo sự bấp bênh của giá trên sàn kỳ hạn, nhưng Phú vẫn cảm thấy sống khỏe, chẳng có chi tư lự vì giá thành sản xuất một cân cà phê anh nắm trong tay, công cán, chi phí chế biến, chi phí tài chính và cộng với tiền nuôi vợ con có dư một ít để phòng khi có chuyện phát sinh trong năm… “Hàng ngày dùng đủ” (1) là đủ.
Đó mới là làm nghề cà phê đích thực với tư cách là một nhà nông. Nghe chi tin đồn này nọ để trong lòng luôn bán tín bán nghi, bán hàng thì khi được khi mất, nhất là chạy theo giá để hy sinh chất lượng. Phú vững một niềm tin vào cách sản xuất cà phê bền vững của minh, của hợp tác xã, như một sinh kế đã tạo lập không dễ bỏ đi.
Một đoạn nhạc Noël réo rắt từ nhà ai vang lên kéo đến thả trên đám cây cà phê đang được thu hái…Một giọng nữ trong trẻo đưa thông điệp thánh lành…”Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (2)…. Phú cảm thấy yêu người và yêu đời, để hết tấm lòng với vườn cà phê nhà hơn lúc nào hết.
==
(1) và (2) theo lời kinh trong các kinh cầu đạo Công giáo.
NGUYỄN QUANG BÌNH
(bài đã được đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn bản in số 51-2023 ngày 21/12/2023
Hits: 540
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.