(TBKTSG) – Thị trường cà phê đang rơi vào thế khó khăn. Giá trên sàn kỳ hạn cà phê London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham khảo, chạm mức thấp nhất tính từ hai năm rưỡi nay. Giá cà phê nhiều nơi ở Tây Nguyên “vỡ đập chắn” 33 triệu đồng, mức thấp nhất của niên vụ cũ, để xuống 32 triệu đồng mỗi tấn và không ai chắc chắn giá dừng ở đó. Nông dân lo sẽ ăn Tết tây và cả Tết ta đều không vui.
Người trồng cà phê không quyết định được giá bán sản phẩm của mình. Ảnh: T.L |
Nông dân hỏi, ai trả lời?
Trong khuôn khổ Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức vào đầu tháng 12 này tại tỉnh Đắk Nông, một anh nông dân không có cơ hội nêu thắc mắc của mình trên diễn đàn, bèn gạ chuyện với mấy vị đại biểu dự hội nghị trong thời gian giải lao bên lề hội thảo bàn chủ đề phát triển bền vững ngành cà phê diễn ra hôm 10-12. Anh đặt vấn đề: “Nói rằng các bên tham gia thị trường đòi hỏi cà phê sản xuất bền vững, sao giá không chịu bền vững?”.
Đương nhiên, anh nông dân đó hiểu sản xuất cà phê bền vững không phải vì mục tiêu cuối cùng là giá thị trường. Tăng năng suất và sản lượng cà phê bằng mọi giá như phung phí nguồn nước, không tính toán đến cân bằng sinh thái, tối đa hóa thành phẩm nông nghiệp bằng các chế phẩm kích thích tăng trưởng làm nghèo nhanh dinh dưỡng của đất… thì có thể chưa hết đời là anh đã chuốc bệnh tật, vườn cây chóng hoang hóa. Đâu còn chi để nói chuyện bền vững cho các đời con cháu của anh về sau muốn nối gót làm nghề trồng cà phê trên tài nguyên đất mà anh sử dụng để sản xuất. Những kiến thức và cách làm cà phê bền vững anh đã rõ, dù không đầy đủ nhưng cũng hiểu ít nhiều qua các bài giảng từ các nhà khoa học, trên sách vở, qua học hỏi lẫn nhau giữa những người cùng trồng cà phê…
Nhưng việc anh thắc mắc “vì sao giá không bền vững?” là bởi anh đã nhận được một câu trả lời mà anh đã được nghe không biết bao lần, kể cả nghe được từ nhiều đời các vị “tư lệnh ngành”, hầu hết đều giải thích ngắn gọn “do thị trường thế giới”!
Không thỏa mãn với câu trả lời “do thế giới” – đại ý là do các sàn giao dịch kỳ hạn cà phê ở London và New York quyết định – anh tỏ ra hoang mang lắm. “Thế thì giá ly cà phê ai quyết định? Thế giới quyết định thì sao ly cà phê đen nóng 5 đô la Mỹ ở các nước Âu Mỹ là cứ nguyên giá không đổi từ chục năm nay?”.
Thật vậy, câu trả lời “do thế giới quyết định” ấy không chỉ gây hoang mang cho người nông dân ở Đắk Nông mà nhiều nơi khác ở Việt Nam, và… cả thế giới nữa. Hóa ra bán cà phê được giá cao hay giá thấp, người làm ra chính sản phẩm không quyết định được gì, giống như trò chơi quay vòng “Ai là triệu phú”, sau một lần quay, rớt trúng ô nào, hưởng được giá trị được định sẵn nhiều hay ít ở ô đó một cách may rủi!
Tại phần bên kia của quả địa cầu, cũng thời gian ấy, Hiệp hội Cà phê Colombia lên tiếng cho rằng nếu giá cà phê kỳ hạn New York xuống mức 2.200 đô la Mỹ mỗi tấn, nông dân nước ấy cũng thua lỗ, sinh kế bị đe dọa và nhiều nhà vườn bỏ bê đồng áng. Giá cà phê kỳ hạn New York mới đây đã có lần chếch xuống dưới mức ấy. Nhiều người lo ngại trong những ngày tới giá hai sàn kỳ hạn cà phê còn tìm các đáy mới, sàn New York không còn quanh 2.200 đô la và sàn London không chịu dừng lại ở 1.443 đô la Mỹ mỗi tấn như hiện nay (tính đến ngày 15-12-2018).
Sàn kỳ hạn không phải là nơi để bán cà phê!
Chuyện nghe có vẻ lạ tai nhưng không thể nói khác hơn. Từ những ngày đầu tham gia vào thị trường cà phê thế giới, với tư cách là người cung ứng, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã bị dẫn dắt và bị cuốn hút vào guồng quay của các sàn kỳ hạn London (dành cho cà phê robusta) và New York (cà phê arabica).
Hai sàn kỳ hạn này, cũng như hầu hết các sàn giao dịch lấy tên những thứ hàng hóa khác như dầu thô, kim loại vàng, đậu nành, bông vải… càng về sau này không còn thuần túy kinh doanh hàng hóa như khi chúng mới ra đời nữa, mà đã trở thành nơi kinh doanh tài chính của các quỹ và tay chơi tài chính thế giới. Trong một hội nghị khách hàng giới thiệu các sản phẩm của các sàn giao dịch tài chính phái sinh được tổ chức vào tháng 11-2018 tại TPHCM, một diễn giả nói sự thật “trần trụi” với chừng 300 khách mời rằng khối lượng giao dịch của công ty ông trên sàn kỳ hạn cà phê hàng ngày có trên 99% vốn từ các tầng lớp đầu tư tài chính. Như vậy chỉ dưới 1% là những người sử dụng sàn này để làm công cụ tài chính trong mua bán cà phê thực. Nói là mua bán hàng thực (physical), nhưng các nhà kinh doanh mua bán chủ yếu trên giấy tờ với nhau chứ chẳng vì bất kỳ mục đích giao nhận cà phê nào cả.
Cứ thử đề nghị một số chuyên gia từ nước ngoài đến dự hội thảo “Cà phê bền vững” vừa qua xem họ có thể giúp cho ta tìm người mua hàng thực, người nhập khẩu… Chắc chắn họ không quan tâm, thậm chí không biết nữa là đàng khác, vì họ chỉ là nhà môi giới kinh doanh “hàng giấy” trên sàn kỳ hạn cà phê mà thôi. Mục đích của họ là đến để tiếp thị người vào “chơi hàng giấy” hơn là mua bán xuất khập khẩu.
Như vậy, không ít người bị nhầm lẫn giữa “thị trường cà phê thế giới” và sàn kỳ hạn cà phê là ở chỗ này.
Giá cà phê hàng thực (physical) đang bị điêu đứng và khuynh loát bởi các tay chơi hàng giấy và sàn kỳ hạn. Giá tăng giảm trên sàn là do các hoạt động và động tác di chuyển của vốn. Nông dân các nước sản xuất có rên xiết do giá thấp mấy chăng nữa thì họ cũng không nghe, có thể họ không hiểu vì đó không phải là kênh làm ăn của họ.
Rõ ràng, theo sàn kỳ hạn thì làm sao tìm được sự bền vững, không chỉ trên giá mà còn trong sản xuất. Bao lâu người nông dân và các nhà xuất khẩu cà phê của các nước sản xuất còn chạy theo guồng xoay của sàn kỳ hạn một cách quán tính, thì bấy lâu rủi ro càng lớn và chỉ làm mồi cho cá mập tài chính.
Giá cà phê thế giới không nằm ở trên sàn mà ở một chỗ khác!
Nguyễn Quang Bình, tbktsg 20/12/2018
Hits: 199
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.