Hiệp hội ngành hàng nông sản ở đâu?

Hiệp hội ngành hàng nông sản ở đâu?

Cách đây không lâu, khi giá sữa tươi xuống mức cực thấp ảnh hưởng đến sinh kế người nông dân nuôi bò sữa, một chị thuộc hiệp hội bò sữa tận Uganda, một quốc gia nông nghiệp mới nổi ở châu Phi, bèn qua London (Vương quốc Anh) thăm dò tình hình nhằm tìm cách gỡ rối khó khăn mà hội viên của chị gặp phải. Nào ngờ nhiều mặt hàng nông sản thế giới cũng đều chung cảnh ngộ.

Bấy giờ, ngay tại châu Âu, nông dân sản xuất sữa ở nhiều nước cũng khốn khó không kém. Thế là chị quyết định chạy đến các nhà xuất khẩu đường ăn ở London để tìm các hợp đồng giá tốt, mua về chế biến các sản phẩm sữa có giá thành rẻ và cạnh tranh hơn. Chị cũng liên hệ các nơi chế biến ca cao và cà phê để tìm các hợp đồng trao đổi có lợi cho nông dân hội viên của mình.

Một vị giám đốc công ty kinh doanh nông sản xuất khẩu sau nhiều chuyến bôn ba bán hàng đã kể lại câu chuyện trên. Anh chua chát nói thêm: “Tìm cho được một vị có trách nhiệm trong hiệp hội ngành hàng ở nước ta như người phụ nữ châu Phi kia là quá hiếm”.

Việc đầu tư và sản xuất các mặt hàng nông sản tại không ít địa phương hiện nay vẫn gặp nhiều rủi ro và bấp bênh, có khi mất trắng vốn liếng và thị trường nhiều năm liền vì tình trạng cứ “cây gì, con gì bán có giá là xuất hiện khắp nơi”. Nhiều người thường quy trách nhiệm cho các ban ngành chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước đã không cung cấp thông tin đầy đủ và có những biện pháp cần thiết nên mới xảy ra hiện tượng sản xuất nông sản theo phong trào. Tuy nhiên, ít ai thấy rằng ở đây vai trò tham mưu và tư vấn của các hiệp hội ngành hàng hết sức quan trọng. Bản thân người nông dân không thể đơn độc phản ứng một khi mặt hàng của họ bị “bắt chước” sản xuất, nhất là khi phong trào tham gia hợp tác xã còn quá yếu.

Mức tăng trưởng tiêu thụ của một mặt hàng nông sản nào đó thường ít bất ngờ. Cho nên, một khi nguồn cung bị “đe dọa” tăng, gây mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến sinh kế của người trong hội, thì tiếng nói của hiệp hội – tổ chức bảo vệ quyền lợi cho hội viên – là không thể thiếu. Chính vì thiếu vai trò và trách nhiệm của hiệp hội trong việc giúp nông dân hội viên và các cấp quản lý lường trước để tránh được các rủi ro trong sản xuất và lưu thông phân phối, nên điệp khúc “giải cứu” nông sản mới xảy ra với nhiều mặt hàng như chuối, cà chua, dưa hấu, bí đỏ, trái vải… Nếu hiệp hội tham gia tích cực, gắn kết hội viên của mình với thị trường, giúp đưa họ vào chuỗi cung ứng… thì hội viên sẽ ổn định sản xuất và nhờ đó mà bảo đảm sinh kế của gia đình họ.

Khi tham gia một hiệp hội ngành hàng nào đó, hội viên thường hiểu rằng họ sẽ được bảo vệ để an tâm sản xuất hay cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, không ít người tham gia hiệp hội cho biết họ vẫn rất đơn độc, khi cần, không biết gửi gắm tâm tư cho ai.

Có dịp đi thăm vùng sản xuất cà phê ở một tỉnh Tây Nguyên, người viết bắt gặp một diện tích cà phê rất lớn nay đã trồng xen canh cây sầu riêng hay bơ. Do giá cà phê xuống mức thấp, nhiều hộ đã chuyển sang trồng các loại cây ăn trái. Một người tên Tân ở huyện Krông Năng, Daklak cho biết bây giờ ông sống nhờ cây bơ và sầu riêng vì lợi nhuận thu được cao gấp ba bốn lần so với cà phê.

Tuy nhiên, nạn bảo kê thu mua tận vườn lại hoành hành. Ông Tân kể đám bảo kê không để lọt trái nào ra ngoài. Đến kỳ thu hoạch, chủ vườn không được quyền quyết định mà phải cung cấp 100% cho thương lái dù họ không tin tưởng. Hội nông dân hay hiệp hội cây ăn trái của vùng này không hề biết (hoặc không muốn biết) chuyện tiêu cực ấy nên không can thiệp, không báo cáo với chính quyền để hỗ trợ hội viên của mình.

Nhớ lại đầu năm 2017, khi người sản xuất sữa tại một huyện ở TPHCM lao đao vì các công ty chế biến không mua sữa nguyên liệu, đáng ra hiệp hội hay hội nông dân phải cáng đáng phần lớn, thương lượng với nhà máy, điều tiết kế hoạch cung ứng… thì phải nhờ đến vị bí thư thành phố bấy giờ. Chuyện có đáng vậy không?

Hay như chuyện ở ngành hồ tiêu, cà phê, nếu như hiệp hội góp thêm một tiếng nói với ngân hàng, yêu cầu họ ngưng cấp vốn vay mở rộng sản xuất khi nguồn cung cao hơn cầu trên thị thường thế giới, thì nhiều nông dân đâu đến nỗi phải bỏ vườn, bỏ nhà trốn nợ, ngân hàng lại chất thêm gánh nặng nợ khó đòi.

Khi hiệp hội chưa biết đi cùng và quan tâm bảo vệ hội viên ngành hàng mình, thì nói chi đến chuyện cao xa hơn như là sản xuất bắt kịp thời đại công nghiệp 4.0!

NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG 15/12/18

Hits: 130