Khi Zola kể chuyện bạo hành phụ nữ

nguyễn quang bình

Khi Zola kể chuyện bạo hành phụ nữ
Laurent Sagalovitschhttp://www.slate.fr/…/sagalovitsch-zola-violences-faites-au…

Nguyễn Quang Bình dịch

Ngay mấy trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Quái vật người [La Bête humaine], Zola tả đến tận từng chi tiết trận cãi vã của cặp vợ chồng chỉ đi từ tệ đến tệ. Đọc mà lạnh cả sống lưng.

Chuyện được kể trong Quái vật người. Ngay luôn đầu truyện. Vừa lật ra vài trang của cuốn tiểu thuyết là tác giả kể thẳng. Hắn đợi cô vợ chưa cưới, cô vừa đi đâu ra chợ kiếm vài món thức ăn. Cuối cùng cô cũng về tới nơi, nhưng trễ. Đôi trai gái cùng ăn tối. Cà rỡn. Mở chai vang trắng. Tha hồ rảnh vì còn cả tiếng đồng hồ nữa tàu lửa mới khởi hành. Thằng đàn ông đòi cô; cô nàng chẳng ham lắm. Cô vừa mới chạy tới nhà một tay đàn ông đòi tiền “phục dịch” vì trước kia hắn đã nhiều lần lạm dụng cô khi còn là một cô bé. Tay ấy quyền cao chức trọng lắm. Cô có lẽ mới bị một trận đấm đá túi bụi nhưng chỉ biết co người lại thủ thế để chịu đòn. Hèn chi về trễ.

Thằng (chồng) chẳng biết quái gì cả. Hắn cứ đòi, con mụ càng né. Cô không hứng: ở đây không được mà, bây giờ thôi đi mà, đừng như thế mà anh. Thằng đàn ông không hiểu ý. Con mụ cự nự đẩy hắn ra. Khi thấy ông chồng không chịu nghe, cô buông một câu với ý này kia rằng từ thời còn vị thành niên cho đến đoạn son trẻ nàng đã chơi nhởi với tay đàn ông nọ. Thế là thằng chồng đứng khựng, hắn thấy mình bị cắm sừng.

Zola nói thẳng, chẳng nể nang ai

Thế là cãi nhau, phải nói rằng cảnh bạo lực đến ghê rợn. Tác giả truyện Germinal tả trận cãi vã chẳng nể nang ai, viết đến cả chục trang.

“Tởm quá. Chỉ chừng ấy là hắn hết kiềm chế được liền vung nắm đấm hung hãn nện ngay vào cô nàng, không chi ngăn nổi, không thua gì quái thú. Hắn quẳng cô vợ cái thịch thân rớt vắt ngang giường, hai nắm đấm của hắn nện cô tới tấp, cứ nện trúng đâu thì trúng… Nhưng rán tránh đòn, cô chạy ra phía cửa. Phóng một phát, hắn đè cô ra, hăm he nắm đấm; rồi tức như điên, hắn nện cô một cú, làm cô khuỵu xuống bên thân bàn. Hắn nắm đầu cô, tộng cô vào cái chân bàn. Cô giãy giụa, nhưng hắn cứ kéo tóc cô, kéo cô qua ngang phòng, mấy cái ghế lật nhào. Mỗi lần cô cố gượng đứng dậy, hắn lại đấm cô một phát dụi vào cửa kính. Cứ thế, hắn thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến lại, kịch liệt dã man và không gì ghìm nổi… Tóc và máu dính trên góc cái tủ con.”

Phía nàng, không một lời. Không cựa quậy. Nàng để chuyện nguôi đi. Nàng thấy cảm thương hắn:

“Ngồi trên giường, Séverine lồ lộ đưa hai con mắt nhìn theo hắn. Trong mối ân ái dịu dàng nàng có được với hắn, thì nàng cảm thấy chắc hắn phải đau khổ lắm, hắn yêu cô không hết mà. Chửi rủa, đấm đá, nàng như muốn tha hết, cho đó là bất ngờ với cái tính khí điên rồ ấy của hắn, đó mới là sự lạ, nếu có ngạc nhiên chăng là cảnh hành tình hành tội ấy không xảy ra nữa.”

Hắn dịu lại – nhờ chi mà dịu! – thế rồi cả hai đưa cắp nhau đi cho kịp chuyến tàu lửa.

Vậy thôi.

Và phải thấy rằng đấy là chuyện thường, thấy hoài. Là rằng trên toàn cõi nước Pháp này cuối thế kỷ XIX, đánh đập hành hạ vợ, thượng cẳng tay hạ cẳng chân với vợ cho đến khi các bà muốn chết, chuyện nhan nhản, không đâu không xảy ra. Là rằng đó giống như quy luật rồi. Là rằng nhiệm vụ của cánh đàn bà là ăn bợp tai của các đức ông chồng mà không được cục cựa. Là rằng các bà không có cửa để tức bực. Là rằng đó là những hiện tượng xảy ra như cơm bữa.

Chẳng có gì thay đổi

Đột nhiên, đóng cuốn sách lại, chút cảm xúc rờn rợn về vụ cãi vã ấy làm tôi bóp chặt nắm tay lại – mình phải đọc trọn cuốn truyện này mới được, phải thế mới được –, tôi tự hỏi liệu từ trong sâu thẳm, các thứ đã thực sự thay đổi chưa. Nếu như hôm nay có cách nào để Zola thuật được một cảnh đời tương tự bằng những chữ nghĩa như thế.

Tôi sực nghĩ đến những biến cố trong thời gian qua, đến chuyện cho chị em quyền được phát biểu, được nói, nghĩ đến chuyện cho họ được quyền đưa ra các chứng cớ kể về đoạn đường làm vợ “ai có qua cầu mới hay” của phụ nữ ngày nay. Tôi nghĩ đến những câu chuyện thương tâm của chị em bị đánh đập. Nghĩ đến những chị em hàng ngày bị bạn ăn nằm chung đá đấm. Nghĩ đến các chị em đã chết trong sự thờ ơ “toàn tập”. Nạn nhân của một ông chồng, người yêu, một bạn trai không ghìm được mình.

Rồi tôi tự mình kết luận rằng chắc chắn không thể làm gì được. Không thể, biết rằng có bao nhiêu bài diễn văn mỹ miều, đếm không hết chiến dịch thông tin này kia, thu thập biết bao nhiêu mẩu chuyện không chịu nổi, chẳng thay đổi được gì. Nhan nhản khắp mọi miền trên đất nước Pháp này, cảnh tàn bạo ấy vẫn cứ thế, trong cái thời mà bạo lực được đề cao khủng khiếp như thế này, cảnh éo le hung bạo này cứ lặp đi lặp lại mà mấy ai trong chúng ta để ý đến. Zola ơi, ông phải hồi sinh, lấy ngôn từ chữ nghĩa ông đã dùng ngày xưa để mô tả cho hết cái tình trạng bạo hành trong gia đình để làm sao tung hê rộng rãi như sinh thời của nhà văn.

Nhân thế thời nay làm con người ta tuyệt vọng ghê!

==

Laurent Sagalovitsch nhà văn, sinh năm 1967, tiểu thuyết mới nhất “Vera Kaplan”, nxb Buchet-Chastel

Hits: 284