Hiểu “siêu chu kỳ” để ứng phó thị trường nông sản

Bỗng nhiên giá trên các sàn hàng hóa thương phẩm mấy tháng nay tăng mạnh. Nhiều mặt hàng được dự báo sản lượng tăng như trường hợp cà phê arabica tại Brazil khiến tâm lý thị trường bi quan, nhưng rồi giá cũng lên ào ào.

Cái từ có vẻ lạ lẫm -“siêu chu kỳ” kinh tế- bắt đầu được nhiều nhà vườn tìm hiểu. Đối với các nhà nghiên cứu kinh tế, đấy không là thuật ngữ mới mẻ, nhưng với nhà vườn cày sâu cuốc bẫm thì cụm từ ấy nghe ngồ ngộ và gây nên một sự hiếu kỳ thực sự.

Giá hàng hóa thương phẩm đang tăng nóng khiến không khỏi nghi ngờ, nhất là thị trường hàng nông sản. Hơn nữa, dịch bệnh làm sản xuất đình đốn, vậy mà giá dầu thô lên 63 đô la Mỹ/thùng, mức cao nhất tính từ tháng 12-2019 thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Đại dịch hết thiệt rồi sao?

Nhưng các chuyên gia kinh tế nói rằng “siêu chu kỳ” kinh tế không giống như chu kỳ kinh doanh một mặt hàng riêng lẻ. Đó là một giai đoạn khá dài, có khi kéo dài thậm chí đến bốn chục năm. Và cái để phân biệt giữa hai siêu chu kỳ là các đáy sâu nhất của giá cả các nhóm hàng được cử làm đại diện gồm dầu thô, kim loại cơ bản, thịt/gia cầm và nông sản. Sau một giai đoạn thoái trào của thị trường và kinh tế thế giới, nếu như được kích bằng nhu cầu tiêu thụ, thì bấy giờ có thể đoán được đó là “bình minh” của một siêu chu kỳ. Như vậy, nó không giống như xu hướng tăng giảm của một thị trường hàng hóa riêng lẻ, thường được kích động bằng yếu tố cung-cầu hàng ngày của chính mặt hàng đó.

Bắt đầu từ 2008 đến nay, tình hình thế giới có quá nhiều biến động bất lợi cho tăng trưởng kinh tế, từ giá dầu thô hợp đồng WTI giảm xuống mức âm, đến bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, chiến tranh thương mại Mỹ với đối thủ cạnh tranh và cả đồng minh truyền thống, nền kinh tế Trung Quốc trì trệ…Rủi mà thành may! Vì đại dịch Covid-19 như giọt nước làm tràn ly.

Các nước bơm tiền ra mạnh với hàng chục ngàn tỷ đô la Mỹ. Cả thế giới tự tin có vaccin chống dịch, người lao động các nước chuẩn bị quay lại với công xưởng, nông trường. Các quốc gia đều chuẩn bị một cú “đại nhảy vọt” trong sản xuất để dứt khoát lấy lại những gì đã mất. Cũng cần nhắc rằng ngành vận tải biển sau một thời gian dài rảnh việc, nay không có containers đủ để vận chuyển hàng, nhiều nước đang tính chuyện tăng cường sản xuất containers để chủ động đưa hàng đi bán cho kịp…

Một khi các thị trường hàng hóa thuộc nhóm năng lượng và kim loại tăng giá thường kéo theo giá nông sản lên theo, như kiểu “thuyền lên nước lên”. Khi nhiều sàn hàng hóa rủ nhau tăng, thì đó chính là một trong những dấu hiệu cho thấy giá tăng trên một thị trường chung, được gọi là “siêu chu kỳ” của thị trường hàng hóa.

Kinh tế thế giới là tăng trưởng càng mạnh, nhu cầu tiêu thụ hàng nguyên liệu càng lớn, thế là đẩy giá càng cao lên nữa. Trong sản xuất nông nghiệp, khi xuất hiện nhu cầu lớn, không phải hàng hóa nông sản luôn có sẵn mà cần thời gian như phải chuẩn bị đất, thời gian gieo trồng, thu hoạch, chế biến…cho nên nhu cầu càng nóng hơn. Nhưng mặt khác, thấy giá cao, đua nhau nuôi trồng để tạo nên sản lượng lớn thì chỉ ‘tự mình lấy gậy đập lưng mình” về sau này.

Giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam tăng cao nhất tính từ cả chục năm nay. Đấy là dấu hiệu tốt. Mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đến năm 2025 đạt từ 51-55 ngàn tỷ đô la của Bộ Nông nghiệp và PTNT xem ra không khó nếu có cái nhìn từ “siêu chu kỳ”.

Mục tiêu chung của cả nước là vậy, nhưng cũng chỉ là đích đến kỳ vọng. Cho nên, người sản xuất nông nghiệp cần tìm hiểu kỹ về “siêu chu kỳ” của thị trường, lượng định trước xu hướng ngắn và dài hạn để đầu tư và kinh doanh đối với mặt hàng nông sản mình làm ra. Để làm gì? Để giúp cho chính mình kiểm soát được xu hướng giá cả, qua đó tranh thủ được lúc giá cao để bù lại những thiệt thòi mất mát trước đây khi thị trường khốn đốn.

Tuy nhiên, cũng đừng xem “siêu chu kỳ” là cái gì bất biến. Không vì giá một mặt hàng nào đó tăng mạnh mà đua nhau nuôi trồng và sản xuất. Mặt khác, tăng cường những mặt hàng mà thị trường trong nước thiếu, phải nhập khẩu…để chủ động ứng phó với những biến động thị trường sau này.

PHẠM KỲ ANH (bài đã đăng trên TBKTSG bản in số 10-2021 ngày 4-3-2021.

Hits: 67