Hết thời nông sản làm ăn nhỏ lẻ

(TBKTSG) – Cho đến giờ, vẫn cần phải công nhận rằng vai trò thương lái trong tiêu thụ nông sản ở Việt Nam cực kỳ quan trọng. Không có họ, một lượng lớn của nhiều loại nông sản hàng hóa các tỉnh khó lòng tìm ra “chợ”.

Bán thô qua thương lái thì làm sao không bị trả “giá thô”. Ảnh minh họa Thành Hoa

Khỏi kể chuyện xa xôi, mới cuối tháng 1-2019, hơn 550 héc ta với gần 25.000 tấn cà rốt già lứa thu hoạch vẫn nằm chỏng chơ ngoài đồng chờ thương lái đến mua, cuối cùng nhà vườn tỉnh Hải Dương đành bán lỗ lấy tiền tiêu Tết (1). Ngay như vụ lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long, vào mùa thu hoạch, vắng thương lái, sau Tết vừa qua Chính phủ phải tìm cách giải cứu.

Thương lái nông sản, như đúng tên gọi, là những nhà buôn “ăn hàng” lớn, được xếp ở cấp trung gian trong dây chuyền cung ứng của một mặt hàng hay nhóm mặt hàng. Công lớn của họ là thu mua nông sản, như mua gạo chẳng hạn, với số lượng nhiều, rồi “lái” qua nơi khác để bán. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, hoạt động cần thiết ấy đã giảm, đặc biệt là các thương lái người Trung Quốc, trong khi Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nhiều loại nông sản Việt Nam.

Thương lái rất nhanh nhạy, thấy “chỗ nào trũng là rẽ đường cho nước chảy về” ngay, mua và bốc hàng đem bán liền tay tới nơi có nhu cầu. Do vậy, họ chỉ mua hàng sỉ, hàng xá, còn về vấn đề chất lượng thì chỉ cần “thấy được” là được; vấn đề bao bì đóng gói cũng dễ cho qua, miễn không rách nát để khỏi rơi vãi hao hụt.

Thu mua kiểu ấy buộc họ phải trả giá thấp nhất có thể, vì thế họ thường bị mang tiếng là người ép giá, nhưng làm sao khác đi được! Điều này cũng dễ hiểu vì thương lái còn chịu nhiều rủi ro như bị từ chối nhận hàng do không đạt chất lượng theo yêu cầu cụ thể của nhà máy chế biến thực phẩm (nông sản thường là loại hàng hóa dễ hư hỏng, xuống cấp).

Hàng hóa khi qua tay thương lái thực tế thường không có địa chỉ rõ ràng, dù có thể thấy một lô nông sản nào đó của mình cung ứng đi Trung Quốc, châu Âu, Mỹ… Cho nên, khi bán hàng cho thương lái, ta chỉ biết thị trường là một vùng lãnh thổ, một nước chứ ít khi nghe được người mua cụ thể là những nhà công nghiệp chế biến hay các siêu thị, là những người tiêu thụ cuối cùng khối lượng lớn trong chuỗi cung ứng hàng nông sản.

Đến nay, nhiều nước đã thay đổi cách mua hàng nông sản nhập khẩu. Trong cách làm thị trường mới, người mua đặt những yêu cầu nghiêm ngặt hơn như truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi gắt gao hơn các quy định về kiểm dịch thực vật để tránh và phòng ngừa dịch hại, yêu cầu chặt chẽ về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra gắt gao dư lượng thuốc trừ sâu… Những thứ này được các nhà kinh doanh nông sản gọi là “hàng rào kỹ thuật”.

Khi các điều kiện ấy ra đời thì đương nhiên hoạt động của thương lái hàng nông sản co dần và không chừng tiến tới sẽ không còn lý do tồn tại. Cũng nên thấy trước rằng nghề lái buôn nay mai chỉ chờ “đánh quả” như có một lúc nào đó may mắn nhận một cú điện thoại từ nhà máy chế biến thực phẩm A chẳng hạn, do một trục trặc kỹ thuật nào đó, họ đang cần hàng gấp để sản xuất.

Nói vậy để thấy rằng sản xuất và kinh doanh hàng nông sản, muốn bán hàng ra thị trường thì hoàn cảnh mới đòi hỏi và ép mình phải “chơi đúng luật”, tuân thủ các điều kiện người mua đặt ra như nói trên.

Ở đây cần thấy vai trò của sự liên kết hay tích tụ ruộng đất, theo đó người nông dân nhỏ lẻ phải gom lại thành nhóm sản xuất hay hợp tác xã mới có đủ trí lực, tài lực và cơ hội tiếp cận thị trường. Đặc biệt, khi mối liên kết không đủ lớn, khâu thu thập và trao đổi thông tin về thị trường như lịch sử người mua hàng, tìm thị trường tiềm năng… chắc chắn sẽ rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật cũng chỉ có thể phát huy tác dụng một cách tích cực và hữu hiệu khi cùng nhau “góp vốn làm ăn chung”.

Không nên nhìn đơn giản rằng chỉ cần sản xuất nông sản sạch thì đương nhiên người mua đến với mình. Điều đó có thể tạm thời đúng, nhưng nay mai chỉ bó hẹp trong môi trường tự cung tự cấp. Những đòi hỏi của thị trường nông sản mới nay đã phổ biến trên thế giới, kể cả Trung Quốc được cho là thị trường mua hàng thoải mái nhất, cũng đã và đang áp dụng những hàng rào kỹ thuật cho hàng nhập khẩu vào nước họ.

Thị trường nông sản trong hoàn cảnh mới còn đòi hỏi người xuất khẩu phải có vùng sản xuất cụ thể, thậm chí có loại cây trái phải đạt bao nhiêu héc ta tối thiểu, hệ thống kho hàng tươm tất, sạch sẽ, hợp vệ sinh, an toàn lao động… mới được nước nhập khẩu cấp phép bán hàng vào. Mỗi kho phải được sử dụng theo một chức năng riêng như kho nguyên liệu, kho thành phẩm, kho trung chuyển…

Lâu nay, nhiều người hay than rằng nông sản xuất khẩu Việt Nam thường bán thô. Bán thô qua thương lái thì làm sao không bị trả “giá thô”. Một khi chuẩn bị hàng hóa đàng hoàng, làm ăn bài bản… bấy giờ mới tạo được giá trị gia tăng cho nông sản do đơn vị, vùng miền mình làm ra. Chưa thực hiện được điều này theo yêu cầu mới của thị trường nông sản thế giới nói chung mà chỉ mong vừa thu hái xong, đưa sản phẩm ra bán ngay và cầu sao cho được giá, thì đó chỉ là chờ thời.

Trước đây chờ thời là chờ giá tăng, chờ thương lái đến để bán. Trong môi trường mới, chờ thời rất dễ… hết thời.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG 11/4/19

(1) http://www.tintucnongnghiep.com/2019/01/hang-ngan-ha-ca-rot-van-phoi-ong-vang.html

Hits: 67