Thời buổi bây giờ sao lắm thầy quá! Đứng trước con số ly dị và đổ bể gia đình, không thể nào đếm xiết. Thầy bà, diễn giả lên ti-vi, truyền hình, in sách bày vẽ đủ điều nhưng vẫn không làm giảm số lần ly dị và rạn nứt gia đình.
Thậm chí còn nhiều hơn. Càng văn minh, càng tăng tợn!
Họ giải thích nào là vợ chồng con cái phải ý thức, nào là phải làm gương, nhịn nhục, chia sẻ, ga-lăng, chiều chuộng…ôi thôi đủ điều. Tôi vẫn thấy các cách giải thích, nhiều điều cũng có lý, nhưng khó mà giải quyết được vấn đề này một cách hợp lý. Và không chắc các diễn giả lại có một gia đình êm ấm để dạy thiên hạ làm sao tạo được gia đình ấm êm!
Thỉnh thoảng tôi cũng được đi đây đi kia. Có dịp may, tôi ghé được vài nơi tại châu Âu sang trọng và Hoa Kỳ tráng lệ. Đặc biệt, có lần tôi đến Pháp. Tôi ngạc nhiên vì không chỉ ngoài đường mà trong nhà họ cãi nhau quá xá! Trên thế giới này, có ai ga-lăng bằng dân Pháp? Có ai chiều chuộng vợ con như dân Mỹ? Còn chia sẻ, nhịn nhục lẫn nhau thì Anh, Thụy Sĩ, khắp nơi …đều có. Nhưng tỉ lệ vợ chồng rã đám để gia đình tan hoang vẫn đếm không xuể.
Tôi có ông bạn già người Ý. Hai vợ chồng họ sống với nhau dễ đã 35 năm, không hề mảy may đòi chia tay, họ càng ngày càng khăng khít. Được mấy hôm lưu lại nước người, tôi lưu ý thử xem liệu ông bạn già tôi có sợ vợ. Vì cái từ gia đình êm ấm hiện nay dễ quàng theo tiếng “sợ vợ, nể chồng”! Cũng không, anh ta lại một mực hết sức chuẩn. Có sai nói sai, có đúng khen đúng.
Thế mới hay, ông bà ta nói: “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” hóa không ngoa.
Thỉnh thoảng tôi cũng mạnh dạn hỏi anh ấy: “Ớ, chứ sao ông cũng người châu Âu, mà vợ chồng con cái khăng khít nhau dữ thế! Đã 35 năm chung sống, không ngán à?” Anh ta cười và không thể hiểu được tại sao. Vì tôi nghe những người khác nói rằng ở xứ Tây, một cặp vợ chồng ở được với nhau chừng mươi năm là đã “oải”.
Hóa ra như thế này. Dịp tôi sang làm việc, anh em trong cơ quan chia nhau tiếp tôi, người bữa tối, kẻ đưa đi ăn trưa. Riêng anh bạn tôi, đến phiên mình, quyết định vời tôi đến nhà ăn cơm vì vợ anh đợi anh về cơm nhà trong khi 3 đứa con đều đi học và ăn trưa tại trường cả. Anh thố lộ rằng anh bao giờ cũng ăn cơm chung với vợ mình, trừ những lần (rất hiếm) anh phải đi tiếp khách. Tôi như ngộ ra! Ở giữa châu Âu bộn bề này mà có tay quái lạ thế kia ư?
Ngày nay, đâu phải con người ta thiếu suy nghĩ, thiếu yêu thương, thiếu chiều chuộng… Có khi các cặp vợ chồng còn ga-lăng nhau trên cả tuyệt vời nữa kia chứ!
Chính cái họ thiếu là bữa cơm chung. Chính bữa cơm chung! Tại các nước Âu-Mỹ, do bận rộn công việc, họ thường không chú ý đến bữa ăn chung gia đình. Trưa đôi khi chồng ăn pizza, vợ xơi cơm Ấn, hai người hai tiệm… Ngay tại nhiều nơi ở trên đất nước ta, nhan nhãn nào quán nhậu, cơm văn phòng, anh làm ở quận một, chọn tôm chọn cá, vợ công tác quận Tân Bình chọn canh chọn quả. Con cái thì thây kệ, cứ đưa cục tiền, chúng mày ăn gì đấy tự do. Hết sức tiện lợi!
Tôi có cô em ở Đà Nẵng, bình gaz mua về để 6 tháng vẫn còn đầy! Tôi lo cho cô ấy quá! Cũng vậy, có nhiều gia đình quanh năm suốt tháng, bếp lạnh nồi niêu trống trải…không hề được sử dụng.
Họ không biết rằng, khi ngồi ăn chung, gắp chung món ăn trên mâm, chính là cơ sở hòa chung tạo chung dòng máu. Ăn chung với nhau 6 tháng, một năm, liên tục, tôi tin một cách tự nhiên các thành viên ăn cùng mâm cơm ấy sẽ dung hòa được với nhau, người này thích nghe người kia nói hơn, dễ thông cảm nhau hơn, dễ đồng điệu hơn.
Hãy nghĩ lại, ngày xưa, khi bữa cơm gia đình bố mẹ vẫn còn thường xuyên, sao cha mẹ anh chị em trong nhà hạnh phúc thế! Bấy giờ, cũng chẳng cần lời khuyên “anh em như thể tay chân” vì thực ra, nhờ bữa ăn chung năm này qua tháng khác, máu trong gia đình gần như đã hòa vào nhau làm một.
Tôi mới nhớ ngày xưa quê mình đầu làng cuối xóm chỉ có cái giếng, ăn uống giặt giũ của cả làng đều nhờ nước giếng ấy. Nhờ uống chung giếng nước, cứ xóm trên có chuyện, là xóm dưới chạy đến bênh vực như anh em trong một nhà!
Cho nên, đừng xem nhẹ bữa cơm gia đình. Chính bữa cơm gia đình là vòng tay ôm lấy hạnh phúc của chính mình vậy!
NGUYỄN QUANG BÌNH, với TBKTSG ngày 19/10/2011
Hits: 260