Giá nông sản đến thời “phục hưng”?

Đầu tuần này, Cơ quan Dịch vụ tổng hợp của Mỹ (GSA) đã thông báo đội ngũ của ông Joe Biden có thể bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực chính thức từ chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Trước đo, nhiều nhà kinh doanh nông sản thương phẩm có cảm giác chênh vênh vì phải kéo dài thời gian suy đoán khi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ thứ 46 bị khựng lại. Joe Biden, thuộc đảng Dân chủ, tên vị Tổng thống đắc cử đã được nhiều hãng truyền thông xướng lên, nhưng sau rất nhiều ngày vẫn chưa được công nhận, dẫn đến quá trình chuyển giao bị trì hoãn.

Điều mong đợi của nhiều nhà xuất khẩu nông sản thương phẩm không phải muốn vị nào thắng cử, cái quan trọng hơn đó là qua một đợt bầu cử, họ có thể “rà” trước được chính sách đối với ngành hàng mình sản xuất và kinh doanh để điều chỉnh chiến lược nhằm tìm đường tránh rủi ro một cách tối ưu nhất theo cái nhìn riêng của từng người.

Trái đất xoay vòng 365 ngày để lặp lại xuân, hạ, thu, đông. Còn rất nhiều vị theo nghề nông sản thì lại tin giá các sàn nông sản thương phẩm xoay vòng theo chu kỳ chừng mười năm, hết thời xuống thấp thì rồi phải lên cao, và ngược lại. Lướt qua đồ thị diễn biến giá các sàn nông sản, không khỏi giật mình.

Sẽ chẳng lạm bàn ai lên “chấp chính”, nhưng cần thấy chính sách kinh tế của mỗi tổng thống Mỹ đều có ảnh hưởng rõ ràng lên giá nông sản.

Nếu lấy mốc 2016 khi Mỹ có chính quyền và chính sách kinh tế mới, giá nhiều mặt hàng nông sản đua nhau trượt dài. Thật vậy, lấy khung thời gian khoảng 20 năm, đồ thị giá đậu nành cho thấy thời kỳ hoàng kim nhất nằm gọn trong hai mốc từ 2009 đến 2016, là thời kỳ mở đầu và kết thúc chính sách kinh tế của Tổng thống B. Obama. Còn hai thời kỳ trước và sau đó, giá mặt hàng này “ba chìm bảy nổi”, để tránh nói thẳng là “ba chìm bảy nghỉm”.

Năm ngoái, thị trường đậu nành thương phẩm có lúc xuống mức thấp nhất tính từ 2008. Mặt bằng giá gạo thương phẩm không khác gì lắm với đậu nành, trừ thời gian đầu khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng mạnh, đã giúp đưa giá gạo lên mức cao nhất gần bằng đỉnh năm lập năm 2008. Giá cà phê arabica chạm đáy sâu nhất trên 20 năm, còn robusta cũng giảm về điểm thấp nhất hơn cả chục năm.

Trong khi đó, so sánh thời điểm đóng cửa ngày 6-11-2020, sau mười năm tính từ 2010, chỉ số chứng khoáng S&P500 tăng 202%, nhưng chỉ số giá vàng SPDR chỉ tăng 34% trong khi giá dầu thô Brent giảm 56%. Giá nông sản thương phẩm thì sàn cà phê robusta giảm 26%, arabica giảm 47%, lúa gạo giảm 11%, đậu nành giảm 12%, lúa mì giảm 7%…

Phải chăng trong chục năm trở lại, mà nói đúng hơn từ đầu năm 2016 đến nay, giá chứng khoán Mỹ được nước tăng quá mức, các quỹ đầu tư tài chính chuyển dòng tiền mua mạnh, để lại các sàn nông sản đói vốn và thị trường trở nên hẩm hiu.

Cho đến khi viết bài này, ông D. Trump vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý, dù vậy, cũng đã xuất hiện những dấu hiệu thay đổi chính sách kinh tế kể từ khi Joe Biden tuyên bố là Tổng thống đắc cử. Trong khi đang chờ kết quả bầu cử cuối cùng, có thể tin rằng giá nông sản thương phẩm trong những ngày tháng tới có dịp “phục hưng”.

Có ba tác nhân chính ủng hộ đà tăng giá nông sản thương phẩm. Một là chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ (DXY) giảm, giúp giới đầu tư tài chính mạnh tay “xuống tiền” vào các mặt hàng nông sản do đồng bạc xanh là cơ chế định giá cho các loại hàng hóa thương phẩm.

Hai là các gói tài chính khổng lồ hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch Covid-19 giúp tăng thanh khoản. Dù lớn vậy, các gói kích thích vẫn chưa thấm vào đâu nên thị trường vẫn kỳ vọng các gói tài trợ mới. Cung ứng tiền càng nhiều, giới đầu tư sẽ không còn chọn đồng đô la Mỹ và các đồng tiền pháp định làm nơi trú ẩn an toàn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã từng lên tiếng chấp nhận tăng tỷ lệ lạm phát trên mức trung bình 2%.

Ba là tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc dưới chính sách mới sẽ khơi thông dòng chảy nông sản từ Mỹ sang Trung Quốc, mà dưới thời D. Trump được xem là “cục máu đông” làm nghẽn mạch thị trường nông sản không chỉ giữa hai nước tham chiến mà ảnh hưởng tiêu cực trên cả toàn cầu.

Nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng giá trị đồng đô la Mỹ mạnh lên trong thời kỳ bắt đầu đại dịch Covid-19 là do tâm lý tứ tán của các nhà đầu tư mà họ phải mua đồng đô la vào cất chỗ an toàn. Nhưng về đường dài, chỉ số đô la Mỹ sẽ giảm nếu không muốn nói là rớt rất trầm trọng do áp lực nợ lớn chưa từng có của chính phủ Mỹ.

Dường như thị trường tài chính và nhất là nông sản đã đoán định ai là người thắng cử. Một chính sách mới, cộng với các yếu tố hiện hữu như đã nói, thêm tin giới y học đã tìm ra vắc-xin chống dịch Covid-19 hữu hiệu, đang làm bật dậy giá nhiều mặt hàng nông sản.

Vắc-xin không chỉ chữa được bệnh dịch, nó còn là phương thuốc chữa lành các nền kinh tế, những chuỗi cung ứng đã chịu què quặc trong một thời gian dài từ đầu năm 2020 đến nay.

Thị trường nông sản không thể tách rời khỏi bối cảnh kinh tế và chính trị. Vì hầu hết các mặt hàng nông sản thương phẩm chịu chi phối rất lớn bởi đồng đô la Mỹ, nên những thay đổi về chính sách của một nhà lãnh đạo bất kỳ đều có ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc giá cả toàn cầu. Nói vậy để thấy rằng rủi ro trong sản xuất và kinh doanh nông sản không chỉ là cung cầu thừa thiếu, thời tiết… Nên đừng tưởng rằng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ không dính dáng gì đến hoạt động kinh doanh của mình.

Có thể thấy, chỉ mươi ngày sau ngày bầu cử Mỹ 2020 tính đến ngày 12-11-2020, giá cà phê robusta tăng 5,53%, arabica tăng 2,99%, đậu nành tăng 3,43%, đường ăn tăng 3%…

Đứng trên bình diện thị trường, giá nông sản như đoán trước có sự thay đổi trong chính sách nên mới phục hồi nhanh đến thế. Nếu dự đoán này đúng, thì chắc giá nông sản thương phẩm sắp tới thời phục hưng lâu dài hơn.

NGUYỄN QUANG BÌNH đăng trên TBKTSG bản in 26/11/2020

 

Hits: 39