Đủ kiểu “xù” giao cà phê xuất khẩu”

Đây là lúc cần cứu nguy thương hiệu cà phê
Phạm Kỳ Anh

Vậy là quá rõ lý do “xù” giao hàng cà phê của các nhà xuất khẩu cà phê của ta. Không còn gì tỏ tường hơn khi ý kiến của ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Chủ tịch Hiệp Hội Cà phê Ca cao Việt Nam, một chuyên gia của ngành cà phê Việt Nam, nói rằng “xù” chẳng phải do yếu tố cung – cầu mà do, theo lời bài báo, các vấn đề xuất phát từ ngân hàng – tài chính: các nhà xuất khẩu không tiếp cận được nguồn vốn để mua hàng giao và phải sống trong bão lũ với đầu cơ tài chính lũng đoạn.

Từ mươi năm nay, ta hay dùng nhóm từ “sống chung với lũ”. Thế nhưng, hiểu hết được ý nghĩa của mấy chữ này không phải đơn giản: để sống với nó, anh phải đề phòng rủi ro, phải làm nhà nổi, phải có áo phao, phải biết dự trữ lương thực, chứ không chỉ biết bơi.

Vậy mà, đôi khi gặp bão dữ cuốn phăng hết mọi thứ nữa là. Kinh doanh cà phê từ nhiều năm nay đã “sống chung với lũ” nhưng đến đây xem ra có cơ hồ mất mạng. Hệ lụy xù hàng đến đây đã thành giọt nước tràn ly: không chỉ mình thiệt hại nặng, mà bạn hàng mình cũng sống dở chết dở theo mình. Chính vì vậy người ta mới lên tiếng. Chưa nói đến ai đúng ai sai, chỉ nói đến hiện tượng, người đọc bài báo này hiểu ngay được rằng trong kinh doanh xuất khẩu cà phê từ mấy năm nay có nhiều vấn đề. Và vấn đề ấy nay đã lộ ra một phần: chúng ta đánh đu với rủi ro quá “bạo”, hệ thống kinh doanh, mua bán có những trục trặc, bất cập ngay trong tự thân của nó.

Rõ ràng, bất luận là ai, khi muốn đánh đu với rủi ro với thị trường kỳ hạn hàng hóa, cũng đều phải ra đi trong “tang tóc”, không chỉ những công ty nhỏ trong nước mà còn có nhiều tên tuổi trên thương trường. Từ trên dưới chục năm nay, ta không còn thấy tên những cây đa cây đề ấy nữa.

Hệ thống, chuỗi cung ứng cà phê chúng ta đang yêu cầu thay đổi, nếu không sẽ “mất mạng”. Phải nói rằng các thông tin “râu ria” nay chẳng có ý nghĩa gì nữa như sản lượng 1,2 triệu tấn nhưng nhiều năm anh dũng nói chỉ 800.000 tấn; quyết tâm thực hiện tạm trữ nhưng hành động “bõ bèn”.

Giá cả, tính chuyên nghiệp, sự trường tồn của công ty và uy tín công ty, của ngành nay không còn nằm ở đó. Nó đang nằm ở nơi khác: nổ lực của Vicofa và các thành viên trong việc dám đổi mới cách kinh doanh không, dám loại bỏ đầu cơ và rủi ro do đầu cơ mang lại. Vì, “thà cắt một ngón tay bị hoại tử, còn hơn là tiếc nó, ngại cắt, sau này sẽ phải tháo khớp cả cánh tay”.

Dám hay không dám đều do Vicofa và các thành viên của mình quyết định. Chẳng ai thay được. Với những ai tham gia kinh doanh cà phê, không thể tính đường kinh doanh theo cách “ăn xổi ở thì”, “chụp giựt” được nữa.

Vì với bình quân sản lượng trên 1,2 triệu tấn từ mấy năm nay, sản lượng hàng năm như thế này có thể còn kéo dài đến hàng chục năm sau, tạo công ăn việc làm, các dịch vụ vệ tinh chung quanh cho hàng triệu người, tại các tỉnh sản xuất và các thành phố có kho cảng và kho bãi, thì trách nhiệm của Vicofa và các thành viên để giải quyết những tranh chấp hiện nay không còn đơn giản, và chính họ phải cứu nguy “thương hiệu” của mình vì đang bị thương tổn trầm trọng.

“Xù” giao hàng có phải do mua bán theo các loại hợp đồng?
Lâm Nguyên Thông

Trong ba hay bốn niên vụ vừa qua, Vicofa thường lên tiếng cảnh báo không nên mua bán theo hợp đồng “trừ lùi”. Có một vài lúc, lời cảnh báo này phát huy tác dụng nhưng rất nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu kinh doanh của người trong cuộc.

Tôi nhớ có đọc đâu đó một bài báo của Tiến sĩ Bảo Trung giải thích về hợp đồng trừ lùi. Theo ông ta, đó là một phương thức mua bán tiên tiến, nhưng do các nhà xuất khẩu của ta ứng dụng sai (tôi nghĩ ông ta tránh nói do các nhà xuất khẩu của ta “mê” đầu cơ, nên thất bại).

Thực ra, trong phần trả lời bạn đọc của mình, tác giả bài báo :””Xù” giao cà phê khiến thị trường trầm lắng” đã dịch phần gốc của bài báo nói rằng các nhà xuất khẩu Việt Nam xù hợp đồng cả trừ lùi (price to be fixed) lẫn có giá mua bán ngay (outright). Nên, không thể đổ thừa phương thức mua bán như trong bài báo được. Vả lại, trong mùa vừa qua, ai mua bán theo giá mua bán ngay (outright) theo lời khuyên của Vicofa, đều có thể chuốt lấy thất bại.

Nhiều ngân hàng không chịu ứng tiền cho hợp đồng có giá giao ngay (outright) mà bắt các nhà xuất khẩu phải mua bán trên hợp đồng trừ lùi. Nên chăng, ở đây, nói kiểu hợp đồng làm các nhà xuất khẩu khó khăn như báo viết là không chuẩn. Vì chính họ quyết định phương thức bán với người mua chứ đâu ai bắt. Nhưng, một khi bán giá “tươi” (outright), nghĩa vụ giao hàng là cực lớn vì xem như các nhà xuất khẩu đã cân được đầu ra và đầu vào, thì nhiều người vừa qua “tẩu vi thượng sách”.

Cũng có người có hàng trong kho rồi, nhưng do giá tăng cao đột biến, hám lợi, xù khách mua giá “tươi” đã chốt, bán cho người khác giá cao hơn. Đó là sự thực mà các hãng thông tấn nước ngoài đã đưa lên đầy trên các phương tiện thông tin đạ chúng. Cũng có dạng rủ nhau “xù” để yêu sách khách hàng tăng giá.

Có công ty nhập khẩu chấp nhận tăng để hỗ trợ nhưng rồi các nhà xuất khẩu nội địa vẫn xù, phớt lờ làm nghĩa vụ giao hàng và bồi thường với đủ dư luận, v.v…

Có người đổ thừa cho ngân hàng không cung cấp tín dụng, ngân hàng yêu cầu này nọ. Ôi, đủ thứ tứ chứng. Tôi nghĩ, Vicofa nên nhìn thẳng vấn đề, lọc các thông tin, đưa danh sách các người xù hàng lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, để thị trường biết đâu là thực, đâu là giả, còn nếu bưng bít như thế này, thiệt hại sẽ lớn hơn vì thị trường sẽ không biết đâu là thật đâu là giả.

Và biết đâu giá xuất khẩu giảm như hiện nay là hậu quả cả ngành phải gánh chịu: khách mua giảm giá để phòng rủi ro xù hàng.

 

Khách hàng neo lại tiền là sai
Gã cà phê

Trong bài báo, tác giả có nói một số khách hàng neo tiền hàng cà phê đã giao của hợp đồng trước để ép giao hợp đồng sau. Khách hàng sai. Đây là cái mà Vicofa phải bảo vệ cho được thành viên của mình. Người mua nào giữ tiền lại, thì chính họ đã thực hiện sai hợp đồng.

Theo thông lệ quốc tế về mua bán cà phê, khi bên bán xuất trình bộ chứng từ giao hàng, theo điều kiện thanh toán của hợp đồng bình thường, bên mua phải thanh toán đầy đủ số tiền dựa trên bộ chứng từ đòi tiền ấy trong vòng 3 ngày hay theo điều kiện riêng biệt của hợp đồng.

Bên mua không trả tiền, xin nhắc lại họ sai và ta có quyền kiện. Cũng xin nói rõ rằng khách hàng trả cho bộ chứng từ giao hàng. Còn các khoản nợ giữa 2 bên, ngoài hay trong bộ chứng từ giao hàng (original shipping documents), thì khách hàng xấu có thể neo mà ta không kiện được nếu như ta còn nợ họ.

Tôi lấy thí dụ: công ty A giao 100 tấn hàng giá 2.000 đô la/tấn, tức tổng giá trị hóa đơn là 200.000 đô la. Nếu có giá giao ngay (outright), bên mua không thể neo tiền lại vì bất cứ lý do gì mà phải trả theo giá trị hóa đơn. Nếu như có giá 70% vì hợp đồng ấy bán theo giá trừ lùi và giả sử ngày giao hàng hai bên nhất trí với giá tạm tính bằng 200.000 x 70% tức 140.000 đô la. Khách hàng bấy giờ phải trả 140.000 đô la. Tiền hợp đồng chưa chốt 30%, khách hàng có thể viện dẫn lý do này nọ để giữ tiền.

Điều này, ta phải thương lượng với họ. Còn bồi thường như trong bài báo đưa, nếu như hợp đồng cà phê tham chiếu theo ECC tức Hợp đồng Cà phê Châu Âu (European Contract for Coffee), thì dựa trên các điều khoản qui định trong hợp đồng ấy mà thực hiện bồi thường chứ không nhất thiết là 8 hay 10%. Còn nếu hợp đồng 2 bên ký có qui định riêng về bồi thường, thì thực hiện theo hợp đồng đã ký.

Trên đây là trao đổi của 3 người viết với bài đăng trên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 11/9/2011 có tựa đề ”Đủ kiểu “xù” giao cà phê xuất khẩu”

Hits: 102