Lâu rồi mới dự một tiệc mời đầy tháng. Cứ tưởng thời thế đổi thay, tiệc mừng đứa cháu ngoại của ông bạn già chỉ là dịp để bằng hữu bà con ngồi lại tụ tập vui chơi ăn uống, chén chúc chén mừng rồi về, thế thôi.
Nào ngờ, bữa tiệc giúp tôi lấy lại nhiều cảm xúc. Hóa ra bây giờ còn có gia đình xem lễ đầy tháng là một ngày trọng đại! Cúng trời đất, tổ tiên, chia quà đều cho hàng xóm cho người không tiện dự, đó là các thủ tục thông thường. Tiết mục bà ngoại ẵm đứa cháu gái kháu khỉnh ra trình khách mời, tháp tùng bà là mẹ của đứa nhỏ. Sau một màn giới thiệu khá trịnh trọng, cảm động đến nỗi cứ như họ chính thức báo cho bà con giòng tộc, bạn bè và nhân quần rằng gia đình vinh dự cống hiến một công dân cho xã hội, là đến màn ‘bốc thăm’. Người mẹ đưa ra một số vật dụng đơn giản như cái kéo, cuộn chỉ, cây bút, cuốn sách…Gia đình này còn tin rằng nếu đứa trẻ sơ sinh vớ được công cụ nào thì thiên hướng sau này theo nghề ấy. Giả sử như cháu chụp và nắm chặt lấy viên phấn, ông bà cha mẹ tin cháu sau này “khiếu” làm nghề giáo. Có vẻ hơi hình thức nhuốm chút dị đoan của người lớn, nhưng biết đâu rằng đấy có thể là biểu hiện của một niềm tin phảng phất thuyết tiền định, một định hướng nghề nghiệp dù chưa rõ ràng nhưng ít ra nói lên kỳ vọng của gia đình đối với trẻ.
Đấy có phải là một trường hợp hiếm hoi mừng đầy tháng còn sót lại? Một ý nghĩ tếu táo chạy quanh đầu: cũng một lễ mừng đầy tháng ở một khu giàu có chẳng hạn, không biết các đấng sinh thành đưa cho đứa trẻ thứ gì để chọn: cái điện thoại thông minh, máy tính bảng, một đống tiền, bằng tốt nghiệp cấp cao nhất mà cha mẹ nó giành được…?
Hai gia đình ở hai chỗ, hai cách sống, ‘mỗi người một cảnh’ nên mâu thuẫn xã hội dẫu có, rất khó phát hiện, khó tạo lửa nên không thấy khói. Nhưng cũng hai gia đình ấy đều đưa con đến trường, các cháu hưởng chung một nền giáo dục vì chúng được quyền bình đẳng để hưởng quyền lợi ấy, thì chỉ cần một khác biệt, phân biệt nhỏ trong nhà trường có thể làm thành đám cháy lớn trong dư luận.
Ngay tại thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, trên các mạng xã hội xảy ra tranh cãi sôi nổi về cách đánh vần, một cách dạy tiếng Việt dành cho lớp Một được một thầy giáo khởi xướng tại xã hội Việt Nam và ông cho là tiên tiến dù đã qua bốn chục năm thực nghiệm.
Nói riêng về cách dạy đánh vần tiếng Việt của ‘công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại (HNĐ)’, đó là cách ráp vần tiện dụng dựa trên âm vì ‘tiếng’ trước hết là âm. Nó có thể phù hợp cho người dùng tiếng Việt là ngôn ngữ hai, còn đối với người sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, thì bản thân trong tai và trên miệng và cả trong đầu đứa trẻ này trước khi đến trường đã được ‘cài’ âm một cách tự động rồi. Cái cần hơn của học sinh dùng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ là đọc để viết… một nhà ngôn ngữ học nói vậy.
Nhưng có phải chỉ vì không đồng tình với phương pháp dạy học kiểu ấy mà lò dư luận nóng lên như thế. Thậm chí, có nhiều người dùng mạng xã hội để chửi mắng vị thầy đã tám chục tuổi một cách…không còn gì để nói.
Tôi không bênh vực nhưng rất thông cảm với phương pháp ấy. Bấy giờ các phương tiện nghe nhìn và truyền thông, internet…đâu được phổ biến như bây giờ.
Nhưng phụ huynh có con đến trường ngày nay có lý để đặt lại vấn đề (chỉ tiếc nhiều vị quá nóng nảy lên mạng nói không chừa lời): bây giờ mà dạy ráp vần thì e quá lạc hậu vì rõ ràng gia đình và nhà trường không tận dụng hết các phương tiện nghe nhìn như dàn nhạc karaoke chẳng hạn, để giúp các em vừa vui hát vừa đọc được ngay các con chữ. Một thầy dạy ngoại ngữ nhiều năm đào tạo nhiều học sinh giỏi toàn quốc nói rằng cứ lấy giàn karaoke ra, chọn cho các cháu bài hát thiếu nhi như trong ‘một con vịt xòe ra hai cái cánh…’ (Một con vịt) hay ‘Bắt kim thang cà lang bí rợ…” (Bắt kim thang), thì chỉ trong vòng vài tuần các cháu đánh vần và đọc chữ được ráo. Ông còn nói thêm cách dạy học vui cũng được ông áp dụng trong dạy ngoại ngữ như vừa bày cho học sinh hát nhạc tiếng bản ngữ vừa dạy tiếng…Kết quả học sinh thu nạp tốt gấp nhiều lần so với những giờ tập luyện tiếng và giảng kiến thức ngôn ngữ.
Nhà trường là nơi phản ánh tất cả các yếu tố cấu thành xã hội. Đưa con đi học, cha mẹ nào cũng muốn điều tốt cho con mình trong học tập, đó là ước ao hợp tình và hợp pháp. Nhưng nay phải đứng trước một rừng chọn lựa để quyết định đưa con mình đến chỗ nào, trường công hay trường tư, trường chuyên hay lớp thường, trường học phí cao hay trường học phí thấp, trường quốc tế hay theo chương trình trong nước…cộng với những thay đổi về cách thi lịch nghỉ, thu học phí, sách giáo khoa…mà ngành giáo dục từ mươi năm nay thay đổi nhanh không thua một nhà máy sản xuất ra các sản phẩm có tuổi thọ…quá ngắn với mục đích thu nhiều, thu nhanh, thu đủ…Trong khi người lao động tìm việc khó khăn, làm ăn chật vật, ra đường là gặp đủ các thứ phí, chính thức và phi chính thức…Thì cuộc tranh luận chắc không nằm ở phương pháp của vị thầy già nữa.
Nếu nhìn từ chiều kích này, cơn thịnh nộ của dư luận lên cách dạy theo công nghệ HNĐ chỉ là một vế, vế kia ở đâu đó xuất hiện chính là sự bất an, không dám tín nhiệm từ phía phụ huynh vào khả năng và trách nhiệm của nhà trường.
Nhưng sâu xa hơn, phụ huynh tuyệt đại bộ phận là những người lao động ăn lương rất cần một sự an tâm: đưa con đến trường, trả học phí cho chúng, mua sách giáo khoa từng năm cho từng đứa, học xong rồi cân bán cho ve chai…cũng được đi!
Cái khủng hoảng hiện nay do nhà trường tạo ra trong xã hội là chỉ tạo điều kiện cho các cháu đi học để rồi…đi học tiếp mà chưa tìm thấy mục tiêu giáo dục ở đâu. Chúng rất cần định hướng nghề nghiệp, một khi ra trường có được cái nghề để kiếm sống, để chứng tỏ nhân phẩm của mình như lúc ông bà cha mẹ chúng kỳ vọng khi mừng lễ đầy tháng của chúng.
Nhiều người bực mình nên cuộc tranh cãi về cách dạy đánh vần hiện nay biến thành khủng hoảng truyền thông. Xem ra chuyện công nghệ giáo dục HNĐ chỉ là cái cớ…
Nguyễn Quang Bình
Hits: 84