Đầu năm tán chuyện giàu nghèo

(TBKTSG Xuân AL) – Tiếng Việt quả là thâm thúy nhưng không vì thế mà thiếu tính thực tế. Biết nghèo chẳng phải là tội lỗi, thế mà cha ông ta vẫn cho nghèo là “khổ”, còn giàu thì “sang”.

Nhưng xã hội ngày nay phân biệt thành nhiều tầng, nhiều loại “sang”: sang như công tử Bạc Liêu, sang như Tây, rồi lại có khi “thấy người sang bắt quàng làm họ” để sao cho được tiếng dù còn xa mới đạt cấp độ. Sang trọng là tốt, nay sinh thêm sang chảnh… nên sang mang nhiều nghĩa. Khi nghe ai nói “nghèo mà sang”, đó không phải là lời khen mà phiếm chỉ châm biếm, chê là chủ yếu. Nên chăng nói giàu thì sướng cho phù hợp với hoàn cảnh thay đổi hiện đại.

nguyễn quang bình/thitruongcaphe.net

Đúng vậy, nhiều người vẫn tin dân tại một nước giàu sướng hơn ở một quốc gia nghèo, ít ra là về các tiện nghi, dịch vụ công cộng. Còn trong từng gia đình, thật khó phát hiện cha mẹ nào nghèo mà đàn con được sướng. Sợ phản ứng thì đây là minh chứng: chỉ một tháng sau ngày khai giảng năm học 2018, một trường mầm non ở Hà Nội bắt các cháu nghỉ học do cha mẹ nghèo chưa kịp đóng học phí, còn nhiều bạn sinh viên bị cấm thi do không trả tiền học, năm nào báo chí cũng đưa tin. Con cái đâu có khổ nếu cha mẹ có tiền!

Gần đây, không đếm xuể số lượng các khóa học được tổ chức dưới tên “học làm giàu”. Chưa biết chất lượng các lớp ấy ra sao, chẳng rõ liệu các thầy giảng có giàu thật sự chưa để đứng lớp (trừ những tay lợi dụng tâm lý ham giàu nhanh của một số bà con học viên để lừa bịp kiếm tiền), nhưng phải công nhận cứ nghe nơi nào có lớp học làm giàu là bà con ghi danh nườm nượp. Ai đi học lớp làm nghèo cơ chứ?

Như vậy, trong chừng mực của các nhà kinh tế, giàu là tích cực và nghèo đương nhiên là tiêu cực. Cả thế giới hiện nay, các vị lãnh đạo từ tầm cỡ thế giới đến từng quốc gia, khi GDP của vùng nào tăng lên một “giem” (-ième- tiếng Pháp), hay nay ta quen nghe rằng chỉ cần GDP dương một điểm phần trăm, ai cũng phấn khởi, vì đó là chỉ dấu của hiện tượng giảm nghèo khổ mà tăng giàu có.

Đừng tưởng giàu mà dễ! Tài sản giàu có do mình dựng nên, thuế má minh bạch đàng hoàng… leo lên hàng triệu phú được kê tên trong danh sách, trừ vài người đếm trên đầu ngón tay, còn trên 96 triệu người ở xứ ta đấy như là chuyện hoang đường. Toàn cầu nay ước có 5 tỉ người trưởng thành trong tổng dân số chừng 7,5 tỉ. Nhưng theo Global Wealth Report 2018, chưa đến 2,15 triệu người được xếp vào hàng triệu phú nhờ có trên 1 triệu đô la. Con số tỉ phú đô la lại càng hiếm, mới gần 2.500 người. Nhưng cũng nên biết rằng trong số chừng ấy tỉ/triệu phú thế giới, có đến trên 60% là người tự gầy dựng sự nghiệp, số còn lại là hưởng thừa kế, trúng số độc đắc hoặc nhận được tiền hay tài sản bất ngờ.

Người tin thuyết tiền định cho nhà giàu là người được phước báu. Nhưng không lẽ cứ ai có phước là trở giàu và sung sướng? Điều này không chắc vì cũng từng có nhiều người đầy phước lộc hưởng nhiều tiền của, nhưng do phung phí, lười biếng, ham hưởng thụ hơn là làm việc mà có khi khánh kiệt. Đã có nhiều người trúng số tiền tỉ, hưởng lộc bất ngờ, nhưng sướng quá không muốn làm ăn, cuối cùng phải đi ở thuê, làm mướn…

Chỉ có phước thôi, chưa chắc thành nhà giàu. Vậy thì họ phải làm cái gì khác người mới nên sự nghiệp lớn. Chứ như tôi đây chỉ biết làm công ăn lương, sao mà thành nhà giàu được. Đúng thế, bằng lòng với đồng lương, may ra chỉ để nuôi đủ bản thân và gia đình, mua căn hộ, chút lương hưu hay tiền lời từ sổ tiết kiệm cuối đời… thế thì sao gọi là giàu?

Thói đời cứ thấy ai hơn mình là ganh ghét, không chịu nỗ lực bằng người, cũng kiếm cách tỵ nạnh. Tôi có người bạn thường rất hay khinh kỵ người giàu kể cả bạn bè, tất nhiên chỉ ở cấp độ phường chứ chưa nói đến cấp quận hay cao hơn. Mỗi lần nhắc đến người có tiền, anh ta tìm cách chê ghét như giàu là một cái tội hay người giàu là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Anh ta quên rằng khi bạn mình làm ăn khấm khá, ít nhất khỏi đến rầy rà mượn hay xin tiền, “gây rối” chi tiêu của anh. Thế thì sao không khuyến khích chòm xóm, bà con mình phất lên để họ sung sướng, mình khỏi phiền, có khi còn sướng lây, vì thỉnh thoảng được mời đi “kéo ghế” không chừng.

Nghèo thì khó mà chia sẻ, giàu mới có điều kiện làm từ thiện, giúp người túng bấn. Rủa người giàu hay tìm cách hại họ, không tạo cơ hội cho người có năng lực làm giàu giàu lên nữa, chẳng qua là muốn kéo họ về với tình trạng khổ với phận nghèo chung.

Chuyện cho vui, ở xứ nọ, sau khi đổ tiền ra làm các dự án chống ngập, chống kẹt xe… mãi không thành công, quần thần hết kế, vị tiểu vương kia mới nhờ một tay nhà giàu giỏi giang tham mưu. Nhìn sổ lương của quan chức, lập tức tay nhà giàu xuất chiêu hiến kế cho tiểu vương rằng ngài cứ ban phép cho các quan thuộc hạ được sắm riêng ô tô, càng sang càng tốt. Tiểu vương trợn mắt ngạc nhiên sao có chuyện ngược đời: đường ngập, xe nhích không nổi mỗi lần đến giờ cao điểm… cho quan sắm xe riêng làm gì. “Xin hãy nghe thần, quan tự lái xe sang đi làm, va quẹt khi kẹt xe, chết máy khi ngập nước, quý quan phải mạnh dạn đề xuất kế hoạch tu sửa cống rãnh và dọn dẹp đường phố, thì đường sá không thông mới lạ”.

Hóa ra thế, quan sướng thì dân mới sướng…

NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG XUÂN 2019

Hits: 56