“Chiếm Phố Wall” đã trở thành phong trào chống lại tư bản tài chính toàn thế giới chứ không riêng gì Mỹ. Từ trên hai chục năm nay, họ đã tập hợp và biến thái thành những tập đoàn đầu cơ tài chính khổng lồ. Bằng nguồn lực tài chính của mình, các tay trùm các quỹ đầu cơ này đã từng bước khuynh loát, khống chế vai trò của ngân hàng trung ương để kiểm soát hệ thống tiền tệ theo ý mình.
Mặt khác, họ đã dùng các thị trường tài chính tức các thị trường chứng khoán và hàng hóa như những công cụ để bành trướng thế lực của mình. Nếu bạn theo dõi kỹ một số thị trường hàng hóa như dầu thô, kim loại cơ bản, kim loại quý, ca-cao, cà phê, tiêu, v.v…thì có thể thấy họ hám lợi bất chấp mọi thủ đoạn biết chừng nào.
Với một lượng tiền khổng lồ vài ba chục tỉ đô la cho một lượt, trong một thời gian ngắn, các quỹ đầu cơ tập trung “đánh” hết mặt hàng này sang mặt hàng kia, nhằm hốt bạc một cách hợp pháp. Để chuẩn bị cho một trận đánh trên thị trường, họ chuẩn bị rất kỹ kể cả từ khâu tuyên truyền như đặt tin đồn: chỗ này mất mùa, chỗ kia hạn hán, chỗ nọ chiến tranh…để kích thích lòng tham của những người nhẹ dạ và thích máu đỏ đen. Nhưng cái chính là để tạo thị trường nhằm kiếm lợi.
Với thị trường hàng hóa, từ mấy năm nay, rất nhiều lần chúng ta thấy cái mánh của họ thường là kích mua hay bán ở các thời điểm cuối của những ngày giao dịch trước khi đóng cửa. Tôi lấy thí dụ: đối với thị trường kỳ hạn (TTKH) cà phê chẳng hạn, để chiêu dụ người khác nhảy vào mua, trước hết họ đưa ra một lượng tiền và mua vào chừng 500-1.000 lô ở thời điểm 30 phút trước khi đóng cửa. Giá bị kích mua, ắt phải tăng. Sau đó, họ đưa ra một tin như nước X mất mùa, nước Y nước ngập…, cộng với một vài giải thích kỹ thuật chỉ hướng tăng. Lòng tham của người chơi trên các thị trường kỳ hạn khi thấy giá tăng, rủ nhau mua vào, đẩy giá tăng tiếp. Cũng cần nói thêm rằng, hầu hết các thị trường kỳ hạn đều được các quỹ đầu cơ “mua” và các quỹ này là khách hàng “ruột” của chính các TTKH. Khi các quỹ đầu cơ thấy đủ túc số với lượng mua cần thiết, để triệt hạn người khác kiếm lời, họ bán tháo thật nhanh, có thể trong tích tắc rớt 40-50 đô la, sập bẫy người chơi riêng lẻ.
Ở vị thế bán cũng vậy, họ cũng dùng mánh khóe ấy để chiêu dụ con bạc. Như vậy, giá các mặt hàng cứ thế mà tăng, từ dầu thô, gạo, bắp, tiêu hạt, nước cam, kim loại thường, kim loại quý…, đều vào vòng xoay tài chính của các quỹ đầu cơ tài chính này.
Một khi giá các mặt hàng trên TTKH tăng, buộc giá chén cơm, ổ bánh mì, lít xăng tăng…gây không ít khó khăn cho người lao động, người ăn lương…và gây khó khăn luôn cho các chính phủ. Vì, thay vì chính phủ khống chế đầu cơ tài chính, thì ngược lại bị các quỹ này khống chế lại.
Tôi nghĩ, khủng hoảng nợ và suy thoái kinh tế của thế giới hiện nay một phần rất lớn xuất phát từ sự vận hành hám lợi một cách vô nhân nghĩa của các quỹ đầu cơ tài chính. Một khi đã rơi vào vòng xoáy của đầu cơ tài chính, thì cung-cầu chỉ là những yếu tố rất phụ. Chính do tiền đầu cơ bỏ vào bao nhiêu trong một thị trường hàng hóa, trong một giai đoạn nhất định, quyết định giá của mặt hàng đó.
Một hôm lâu rồi, ngồi chơi với vài anh bạn là môi giới trên các thị trường tài chính từ nước ngoài sang đây “tiếp thị” dân ta chơi “chứng khoán vàng, cà phê, dầu thô…”, có anh buộc miệng nói: “chắc không bao lâu nữa, chúng ta sẽ uống ly rượu vang này với có khi giá trên trời, có khi chỉ vài xu vì đầu cơ đang muốn nhảy vào các hãng rượu vang để làm giá như cà phê, ca cao rồi ông ạ!”. Nếu như vậy, thì đáng lo thật. Lo là vì ta không thể tách khỏi hệ thống tài chính thế giới ở những khâu cần thiết, lo là vì càng theo khuôn của các thể chế tài chính thế giới bao nhiêu, nguy cơ rơi vào vòng xoáy của đầu cơ tài chính bấy nhiêu.
Một số phản ứng của người tham gia phong trào như uất ức đối với một số người, tập đoàn tài chính hưởng được lương bỗng lớn như trong năm 2009, thu nhập cá nhân của một vài ông trùm các quỹ đầu cơ tài chính như sau: David Tepper (tập đoàn Appaloosa-Mỹ) với 4 tỉ đô la, George Soros (Quỹ Soros-Mỹ) 3,3 tỉ đô la, James Simons (Renaissance Technologies-Mỹ) 2,5 tỉ đô la…chỉ chừng 10 tập đoàn quỹ tài chính, thì lương bỗng, thu nhập các nhân của 10 tay trùm này hàng năm từ 25-30 tỉ đô la! Các tổng giám đốc ngân hàng thương mại tại các nước hàng năm thu nhập cũng không ít. Như 16 thành viên trong ban lãnh đạo của ngân hàng Credit Suisse nhận 160 triệu francs Thụy sĩ trong năm 2010 và 13 thành viên của UBS (Thụy sĩ) nhận 91 triệu…
Song cái uất ức ấy chỉ là sự trút giận tạm thời, rất bên ngoài, chỉ là tảng băng nổi. “Chiếm Phố Wall”, phong trào này có thể dịu dần và thất bại nay mai. Nhưng theo tôi, nó chính một sự chuyển mình của một thế giới cần công bằng và một đời sống tốt đẹp hơn.
NGUYỄN QUANG BÌNH đăng trên TBKTSG online ngày 24/10/2011
Comments của bạn đọc:
Hits: 47
Thưa chú Bình
Tình cờ vào blog của chú, đọc bài viết này cháu chợt nhớ tới những gì mình đã từng được đọc trong cuốn sách ” Chiến tranh tiền tệ ” của tác giả Song Hongbing. Sự lo lắng mơ hồ lâu nay lớn dần trong đầu, cháu tự hỏi liệu rằng Việt Nam ngày càng mở cửa: Gia nhập WTO, thành lập thị trường chứng khoán… chúng ta đang dần bị cuốn vào cuộc chơi không cân sức với các thế lực đầu cơ tài chính quốc tế. Thật sự việc mở cửa lả tất yếu, nhờ hội nhập kinh tế ,đất nước có điều kiện phát đời sống vật chất tăng lên rõ rệt…Nhưng liệu rằng chúng ta có đủ sức, đủ trí để lèo lái mà sống sót hay không?!
Những chuyện trên có có vẻ vĩ mô, nhưng chính những điều đó lại là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến từng chén cơm, lít xăng, cân thịt…đè nặng lên vai của mọi người dân chúng ta. Những kiến thức trong các sách giáo khoa về kinh tế luôn dạy rằng đó là do cung cầu thị trường, hãy để ” bàn tay vô hình ” điều tiết…trong khi chúng ta đang bị những thế lực với “bàn tay hữu hình” tham lam siết chặt, bóc lột tùng đồng tiền mồ hôi nước mắt bằng mọi thủ đoạn từ các cuộc suy thoái, khủng hoảng kinh tế, với quy mô ngày càng trầm trọng, lan tràn khắp nơi trên Thế Giới.
Theo số liệu thống kê lực lượng lao động trẻ của Việt Nam hơn 60% chưa qua đào tạo. Và ngay những người trẻ được coi là đã qua đào tạo như cháu, bước ra Xã Hội mà cứ thấy bở ngỡ, rồi nhiều người còn chưa hiểu lạm phát là cái gì, tiền trong túi đang bị đánh cắp mà không hay biết. Có một đoạn trong cuốn “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman, đại ý tác giả lo lắng rằng nếu Trung Quốc trở thành nước với mức sống bình quân tương đương các nước Tây Âu thì sẽ người dân Trung Quốc sẽ ăn tranh phần của người dân Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Thế Giới, còn Việt Nam lại lấy đất nông nghiệp ( đất tốt trồng cây lương thực, thực phẩm)?! Như vậy thì tới khi Trung Quốc tranh ăn được với Mỹ thì chúng ta có còn gì để ăn ko! Đúng là nước giàu ăn hết phần của các nước nghèovới quá nhiều điểm yếu như vậy sợ rằng một ngày không xa chúng ta sẽ thua ngay tại sân nhà, lại chịu cảnh bị xâm lược theo một hình thức khác!
Nghĩ tới đây, cháu thấy sao mình bất lực, hay nên buông xuôi, không quan tâm nữa !! Có nên xa lánh những suy nghĩ đó cho tâm hồn thoải mái??
Nhưng như thế lại thật hổ thẹn với bản thân, là một người trẻ, cháu tin rằng nhìn vào những điều tốt đẹp của cuộ sống để cố gắng làm việc tích cực tự lo cho mình ( còn rất chật vật) , ước mơ sẽ lo được cho gia đình, và cố gắng góp một phần nhỏ nhoi sức lực cho đất nước. 🙂
Vài dòng tâm sự của cháu, mong chú luôn khỏe mạnh.
Rất vui được biết chú!
Vương