Hóa ra, tâm lý con người ta xưa nay chẳng khác gì mấy. Ngày trước, lúc thời loạn lạc, ai cũng muốn thủ cho gia đình ít nhất vài ba chỉ vàng trong tay nhỡ khi có biến, nhà nghèo mấy cũng tìm cách “trữ”. Trừ các nhà kinh doanh, những tiệm vàng, đó là nghề sinh sống, cách làm giàu của họ, tùy theo cung cầu mà bán mua mua bán, âu là chuyện thường tình.
Cũng không nhất thiết đổ lỗi vì đại dịch Covid-19 mà thiên hạ đua nhau trữ vàng. Cũng chẳng nên hiểu theo cách có súng nổ mới gọi là loạn lạc. Không biết từ lúc nào vàng không chỉ là của phòng thân, mà còn là loại hàng hóa mua bán rất tự do. Với tư cách là hàng hóa, trừ đặc điểm giá trị cao và dễ chuyển đổi, thì vàng chẳng có gì khác với các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên, tính “liên thông” khủng khiếp giữa vàng với các thị trường tài chính-tiền tệ làm cho người trữ hay nói theo cách thời thượng “nhà đầu tư” và giới kinh doanh có nhiều cơ hội và cũng lắm rủi ro.
Từ đầu năm đến nay, cả thế giới cuồng loạn với vàng, giới tỷ phú đô la đua nhau mua, người triệu phú Việt Nam Đồng cũng tranh thủ. Ấy mới tạo nên cơn sốt giá. Từ đầu năm, ai “có gan” mua vàng trên sàn vàng phái sinh để đến hết tháng 7-2020, đã có lời đến gần 28%, mức lợi suất nằm mơ không thấy, nhất là giữa thời buổi lo lắng vì dịch bệnh và công ăn việc làm bấp bênh.
Cuồng loạn mua vào đã và đang tạo nên cơn sốt giá, chứ chưa chắc do thị trường thế giới và trong nước thiếu hàng. Sự bất an, bấn loạn tâm lý để người người ôm vàng – hàng thực (physicals) lẫn hàng giấy (papers) -, nhất là giới đầu tư tài chính, có lẽ xuất phát từ chuyện mất niềm tin vào vai trò và vị trí của đồng đô la Mỹ trên các thị trường. Mới đây, khi đồng đô la còn được giá, mọi tính toán thiệt hơn đều dựa trên giá trị của nó. Thế mà chỉ trong vòng ba tháng tính đến 31-7-2020, chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ trong rổ các đồng tiền mạnh giảm gần 6%, chỉ riêng trong tháng 7-2020 giảm hơn 4%. Niềm xác tín vào nơi mình hằng tin tưởng từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 bỗng giảm sút nhanh và trong thời gian ngắn phải chăng đã làm giới đầu tư cuống cuồng bán tài sản đã từng ôm ấp là đô la Mỹ để chọn vàng làm nơi trú ẩn. Nên khi hỏi giá vàng còn tăng hay không thì nên chăng cần theo dõi liệu giá trị đồng đô la Mỹ có phục hồi bền vững và ổn định hay chưa.
Khi yêu cuồng si, dù cha mẹ có cấm, bạn trẻ cũng vẫn xé rào mà chạy theo người mình yêu. Đúng thế. Mua vàng bây giờ cũng vậy, lợi nhuận quá hấp dẫn, dại gì không theo! Tuy vậy, trữ vàng ngày nay khác xa ngày xưa.
Từ những năm 1960 đến giữa thập niên 2000, giá vàng trong nhiều thời kỳ dài và tại từng phiên giao dịch trên sàn phái sinh, phải nói rằng biến động không đáng kể. Nhưng càng về sau và nhất là thời gian gần đây, giá vàng chao đảo theo từng giây đồng hồ. Nhiều người kinh doanh vàng trên sàn phái sinh có lúc phải thừ người không biết quyết định nên mua hay bán.
Các sàn giao dịch hàng giấy, nơi làm môi giới cho thị trường phái sinh vàng thương phẩm, nay đã mở rộng cửa cho bất kỳ ai muốn tham gia. Trong khi nhiều nước đang cấm ra đường, công ăn việc làm không ổn định giữa thời đại dịch Covid-19, ngồi gõ phím tại nhà, kết nối với thị trường và có ước mơ làm giàu…thì sàn vàng là chốn hấp dẫn nhất chứ còn gì. Tại các nước như Mỹ và một số nước phát triển khác, lãi suất gần bằng 0, chi phí giao dịch không đáng kể…thì kinh doanh vàng với sàn không chỉ làm thỏa mãn được nhiều thứ mà lại có thu nhập…dù đó có thể chỉ là kỳ vọng.
Dù bạn có là tỷ phú hay vốn liếng chừng vài trăm, thậm chí vài chục triệu đồng, ai cũng có cảm giác nhận các tín hiệu từ thị trường là ngang nhau, ai cũng “hành nghề” như một nhà chuyên nghiệp. Rất công bằng và minh bạch! Tuy nhiên, cần phải thấy quyền tiếp cận nguồn dữ liệu kinh doanh trên thị trường của các quỹ đầu tư tài chính khổng lồ và từng cá nhân kinh doanh là hoàn toàn khác biệt. Các quỹ tài chính bỏ ra tiền triệu đô la để mua các thông tin từ các nhà cung cấp dữ liệu lớn (big data) về các hoạt động đến từng chi tiết để chớp nhanh một thương vụ trước người khác, nhưng nhà kinh doanh nhỏ lẻ thì không có lợi thế này. Nên ai thích rủi ro, thì cũng phải chấp nhận chuyện thắng hoặc thua.
Đứng trước một người đang say sưa mua vàng, nếu như nghe ai bàn giá vàng phái sinh chắc sẽ lên 2.000 – 3.000 đô la Mỹ/ounce, thì giống như bạn trao cho họ một ly nước mát giữa cơn khát săn vàng. Chớ nói giá vàng sẽ rớt vì không chừng sẽ bị tuyệt giao!
Trong những ngày này, có nên thông tin cho người mua vàng rằng do cả thế giới đổ xô gom vàng, nên lượng hợp đồng dư mua (net long) của sàn Comex nay lên đến 117.136 lô hay tương đương với 364 tấn vàng chỉ riêng phía hàng giấy. Lượng hợp đồng mua khống quá nhiều đến nỗi nay một vài chỉ báo kỹ thuật của thị trường phái sinh đang vào vùng mua quá mức (overbought), tức cán cân kinh doanh đã quá thiên về phía mua và báo hiệu một đợt chỉnh giá xuống nếu như còn muốn tăng thêm.
Nhất là một khi chỉ số đồng đô la Mỹ phục hồi, dù ngắn hạn hay lâu dài, thì đó là lúc để giới đầu tư tài chính phải thả bớt hợp đồng mua để cân đối vị thế kinh doanh giữa mua và bán trên sàn của họ. Và nếu như giá trị đồng đô la vững dần cho đến tháng 11-2020, thì rủi ro giá vàng có lúc sẽ giảm càng nhanh và càng mạnh mà các nhà đầu tư riêng lẻ nên thấy trước ngay từ bây giờ.
Bài đã đăng trên TBKTSG bản in ngày 6/8/2020
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 86
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.