Cà phê cứt chồn – nay chỉ là huyền thoại!

Cà phê cứt chồn – nay chỉ là huyền thoại!
Ông Già Ban mê
Ngày xưa, tôi có mười mấy năm công tác tại Daklak. Thỉnh thoảng, tôi đến rẫy cà phê của ông bạn tôi chơi, rẫy của ông tiếp nối với các rẫy khác, hết thảy cả 10 hecta. Một hôm, tôi thấy ông bạn tôi nhặt được một khoanh cứt chồn đã khô, toàn là hạt cà phê dính nhau, màu bạc bạc. Ổng quý lắm. Nhưng bấy giờ, chưa kịp rang, nên tôi không thưởng thức được bằng mắt thấy tai nghe.Các lần sau, tôi có uống một vài lần cà phê chồn nhưng chỉ nghe nói ấy là nó. Nhưng ngon! Sau đó, khoảng năm 1990, tôi về TPHCM, trên một chuyến công tác, tại một góc đường lớn ở quận 3, tôi thấy một tiệm rang xay cà phê bán cả một “thẩu” cà phê chồn, giật mình! Sau đó, tôi tậu một rẫy cà phê chừng 4 hec ta, chung quanh cũng rẫy hàng xóm, cả 20 hec ta, suốt đời không còn thấy khoanh cứt chồn nào cả!Nhưng, cái này thì có! Vỏ thịt trái cà phê khi chín đỏ có bọc đường, rất đẹp và hấp dẫn đối với các loài chim. Nếu trái nào có chim mổ, rụng, lượm vào bỏ riêng với các trái chim ăn rụng như thế, rang xay uống cũng tuyệt. Chỉ tôi mất thì giờ, chứ rang xay cà phê không có gì kỳ công. Bạn chọn cà phê nhân nguyên hạt sống, độ ẩm chừng 12-13%, làm thật sạch, đừng có tạp chất, đừng có hạt mốc vì hạt mốc nhiều gây ung thư do chất độc ochratoxin và có mùi thối ngay khi rang, hạt có độ lớn đều thì tốt, đem lên rang, trộn đều mãi cho đến khi cà phê nhân xanh chuyển qua màu cánh dán (ngã qua nâu đậm), nó chuyển qua mùi thơm dịu chứ không gắt như hiện nay đi ngang qua các chỗ rang xay, ngửi toàn là mùi hương liệu, đang nóng, hạ xuống, phun một ít rượu rhum nhưng vẫn đủ nóng, trộn một ít bơ Pháp hay mỡ gà ta, vẫn trộn đều rồi để nguội, cất vào lọ, đóng kín.

Muốn uống, chỉ cần đem ra xay đủ cho mình. Nhớ cà phê xịn nên cất vào tủ lạnh để mùi thơm khỏi thăng hoa. Nếu muốn uống vị chua, tỉ lệ arabica nhiều; muốn uống vị đắng tỉ lệ robusta nhiều; muốn nước sánh, đẹp, bỏ một ít rất ít cà phê mít. Thế là cà phê ngon hơn cả cà phê gọi là chồn hiện nay.

Đáng ra, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn nên cấp không cho Hiệp hội cà phê (VICOFA) chừng 10 tấn cà phê đúng chất lượng, VICOFA đưa rang xay đàng hoàng, không trộn lẫn, để giúp người tiêu thụ thử uống cà phê chính hiệu, sạch sẽ và khuyến khích tiêu thụ trong nước, hiệu chỉnh lại vị giác đã bị nhiều hãng rang xay nội địa làm sai lệch.

Tôi thật ngại khi đến thăm các cơ quan chuyên kinh doanh – dịch vụ trà cà phê, thỉnh thoảng được mời uống ly cà phê, nhưng lại cũng gặp phải cà phê bị pha hương liệu khó uống. Cho nên, khi nghe nói cà phê chồn và mua thì chỉ là uống bằng lỗ tai và trí nhớ, chứ rất hại. Từ khi các chợ hương liệu mua bán tự do, cà phê chồn xuất hiện quá nhiều và giới rang xay dùng tên gọi ấy để…đa dạng hóa sản phẩm…và tạo siêu lợi nhuận.

Đăng trên TBKTSG Online ngày 17/06/11
Cà phê cứt chồn có chứ sao lại không?
Pleiku Robusta
Cà phê chồn có chứ. Ai bảo không có? Song, nó là món khoái cho dân sành điệu, cực kỳ sành điệu. Mà đã là dân sành điệu thì chỉ cần nhắp một miếng là biết thiệt hay giả. Pleiku Robusta tôi có xem một số tranh ảnh quảng cáo cho loại cà phê chồn này (đừng tránh dùng từ “cứt” vì dân chơi gọi đúng tên của nó, chứ không ai gọi cà phê phân chồn cả), trong ảnh, thấy con chồn leo trên cành toàn là trái chưa chín, thì rõ ràng “phản tác dụng”.Còn nói như ông Trung Chính, rất hay và có lý nhiều bề. Nhưng, chỉ có một điều bạn đọc như chúng tôi, người ở trên núi…tôi thắc mắc vì biết là không có cơ sở: cà phê cứt chồn phải qua quá trình chế biến 300 ngày thì rõ ràng là “lòi” đuôi cáo rồi. Xin thưa, cà phê robusta một khi qua quá trình lên men thì nó cũng như chế biến ướt hay nửa ướt, vì đã thành “cứt chồn” thì đã qua thời gian lên men, mà bây giờ nói phải qua chế biến 300 ngày thì chỉ có mà “hoai thành phân”. Vấn đề là, lượng của nó cũng không nhiều, 40-50 kg là nhiều lắm đấy. Vấn đề là, thiệt thiệt giả giả. Nếu thiệt 100% thì Pleiku Robusta xin Nhà nước nâng nó lên thành “cà phê quốc hồn, quốc túy” như quốc hoa, quốc tửu…chứ để vậy nó tủi chết!

Đăng trên TBKTSG Online ngày 21/06/11

Hits: 550