Bối cảnh thị trường
Nhìn lại thị trường cà phê trong và ngoài nước tháng 11/2020
Đợt giá cà phê tăng trên các sàn cà phê phái sinh trong tháng 11/2020 đã đưa giá cà phê nguyên liệu tại Việt Nam lên mức cao nhất trong năm 2020 tính đến nay. Nhưng đợt tăng không bền khi Covid-19 tái bùng phát mạnh tại nhiều nước tiêu thụ cà phê. Thấy gì trên thị trường cà phê trong tháng 11/2020?
-Riêng trên sàn cà phê robusta London, nếu như tháng đầu niên vụ còn “trầm luân” với giá thấp gồm đáy 1.241 và đỉnh 1.362, thì tháng 11/2020 có bước bứt phá mạnh mẽ. Ngay mấy ngày đầu, giá London đã nâng đáy lên 1.307 để đạt đỉnh 1.448 và phiên cuối tháng (30/11) chốt tại 1.401. Hiệu suất của cả tháng trên sàn London tăng 50 Usd/tấn hay 3,70% (1.401/1.351) dù tính từ đầu năm đến hết tháng báo cáo vẫn còn hụt 71 Usd hay giảm 4,82% (1.473/1.401).
-Trên sàn arabica New York, biên độ dao động mạnh hơn khi hiệu suất cả tháng tăng 15,40% hay 16.45 cts/lb tương đương với 363 Usd/tấn (123.30/106.85) dù từ đầu năm đến nay giá arabica vẫn còn giảm 16.75 cts/lb tương đương với âm 369 Usd/tấn hay giảm 11,96% (140.05/123.30).
Qua các con số trên, có thể nhận định rằng dù Brazil đang ở năm được mùa nhưng giá đầu niên vụ vẫn tăng. Tuy vậy chưa nên vội vàng khẳng định Brazil “được mùa được giá” theo thói quen trước đây thường chỉ nhìn hiện tượng “tĩnh”: sản lượng tăng và giá lên.
Nên chăng cần xem lại cách thị trường làm giá. Có thể đặt giả thiết rằng giá các sàn kỳ hạn thường phản ánh yếu tố cung-cầu cho thời gian từ 4 đến 6 tháng tiếp sau đối với giá niêm yết của ngày giao dịch thời điểm. Thị trường thường được làm giá ngay khi các dự báo sản lượng và một số dự báo về cán cân cung-cầu của một số đơn vị uy tín. Giá New York tăng mạnh trong tháng 11/2020 thật ra là phản ánh tình trạng thừa thiếu cà phê cho niên vụ sau (2021-2022) bắt đầu vào tháng 10/2021. Còn giá nhảy nhót hàng ngày chủ yếu được điều khiển bởi các quỹ đầu tư tài chính với mục đích giao dịch tài chính là chủ yếu.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ tại thị trường trong nước cả tháng dao động trong biên độ 32-35 triệu đồng/tấn, mức 35 triệu được cho là đỉnh tính từ đầu năm đến nay.
Cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ được bán mức từ +150 đến +115 Usd/tấn giao hàng qua lan can tàu (Fob) cao hơn giá kỳ hạn tháng 03/2021, càng về cuối giá càng thấp do áp lực hàng ra đầu vụ.
Tổng cục Thống kê ước trong tháng 11/2020, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ đạt 70.000 tấn, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tháng 11 giảm đã đưa tổng lượng xuất khẩu 11 tháng đầu năm của cả nước giảm 4% so với cùng kỳ 2019.
Diễn biến thị trường cà phê tuần 30/11-04/12/2020: Giá quay đầu giảm.
Tuy nhiên, qua tuần đầu tháng 12/2020, giá trên các thị trường đều giảm mạnh. Có thể nêu một số lý do sau:
-Dịch Covid-19 hoành hành trở lại (hình 3), nhất là tại các nước tiêu thụ và sản xuất cà phê lớn khi mùa lễ lạt cuối năm cũ và đầu năm mới gần kề. Thời điểm ấy là mùa tiêu thụ cà phê nhiều nhất trong năm.
-Tình trạng thiếu containers rỗng tại nhiều nước xuất khẩu khiến các nhà kinh doanh giảm mua do lo ngại hàng giao trễ, tạo rủi ro về giá cả đầu vào lẫn đầu ra, nhất là lúc thị trường rất nhạy cảm với các biến chuyển của chính sách tiền tệ các nước và tình hình bất ổn địa chính trị.
-Thời tiết thuận lợi tại hai nước xuất khẩu cà phê hàng đầu là Brazil và Việt Nam. Brazil dự báo có mưa trong những ngày tới sau một đợt khá dài ngày khô hạn. Vùng cà phê Việt Nam khô ráo, thuận lợi cho thu hái cà phê niên vụ mới.
Cho nên, dù chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) giảm về mức sâu nhất tính từ hai năm rưỡi, đồng nội tệ Brazil (Brl) tăng, thị trường cà phê vẫn quay đầu xuống. Dòng vốn trên thị trường tài chính tập trung chảy về các sàn chứng khoán, giá chỉ số chứng khoán nhiều sàn tại Mỹ và châu Âu lên mức cao kỷ lục lịch sử (hình 1).
Kết quả chung cuộc, sau một tuần tính đến 04/12/2020, giá đóng cửa trên các thị trường như sau:
-Robusta London giảm 74 Usd/tấn chốt ở 1.337 với biên độ dao động cả tuần là 1.423-1.326.
-Arabica New York mất 6.65 cts/lb hay giảm 147 Usd/tấn chốt tại 117.55 trong biên độ dao động 124.80-117.
-Giá cà phê trong nước tại Tây Nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của cả nước, giảm xuống còn 32,7 triệu đồng/tấn trong biên độ 34-32,3 triệu đồng/tấn.
-Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào mua +115/+125 Usd/tấn cao hơn giá niêm yết tháng 03/2021 sàn London.
Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần
• Xuất khẩu cà phê Brazil tháng 11/2020 đạt kỷ lục.
Tháng 11/2020, Brazil xuất khẩu 4,6 triệu bao (bao = 60 kgs), tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức xuất khẩu cao nhất của Brazil trong các tháng 11 từ trước tới nay.
• Thặng dư cà phê toàn cầu niên vụ 2019-2020 giảm: ICO.
Tổ chức Cà phê thế giới ước thặng dư cà phê toàn cầu niên vụ 2019-2020 giảm so với dự báo trước, chỉ 0,96 triệu bao so với 1,24 triệu bao. ICO cũng ghi nhận trong niên vụ vừa qua, sản lượng arabica toàn cầu giảm 5,1% chỉ 95,73 triệu bao trong khi robusta lên 72,82 triệu bao tăng 2,2%.
• Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York đợt này được ghi nhận là 77.634 tấn so với tuần trước là 74.780 tấn, chủ yếu là arabica chế biến ướt từ các nước Trung và Nam Mỹ. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 133.780 tấn so với tuần trước là 133.390 tấn chủ yếu hàng từ Brazil nhất là xuất khẩu tháng 11/2020 của nước này tăng cao (1).
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 07-11/12/2020: Yếu nhưng vẫn còn đường ra.
Dựa trên giá đóng cửa sàn London ngày 04/12/2020 tại 1.337 với đỉnh và đáy trong tuần là 1.423/1.326 theo đồ thị của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh, có thể nhận định như sau:
-Giá càng về cuối tuần càng yếu và dừng lại ở vùng hỗ trợ 1.330.
-Nếu nhìn vào hoạt động hỗ tương với sàn arabica New York, một khi giá arabica mất mốc 120 cts/lb, sàn robusta London không đứng vững do lo ngại giá arabica về lại 115.
-Giá London đã mất thêm 50 Usd/tấn khi để mất 1.385 vì bấy giờ bức tranh kỹ thuật trở nên yếu đi nhiều.
Nhìn theo kỹ thuật trong tình hình mới, London đang yếu. Giá đóng cửa đang nằm cận vùng hỗ trợ mạnh 1.330. Nếu mất 1.326 (đáy tuần trước), London dễ phá luôn 1.315 (MA200) để tìm về đáy cũ 1.307 và có thể tiến hành dò đáy mới tại vùng này.
Tuy nhiên, hướng lên cũng không thiếu cơ hội nếu như sàn này chịu qua nhanh 1.339 (MA50). Một khi thu hút được sức mua tốt ở đây, khả năng tìm lại vùng 1.362-1.365 (MA100) là tương đối dễ dàng nhất là khi RSI9 đang có phần nặng về dư bán (37% so với tham chiếu 70%).
Tuần này, nếu lên được vùng 1.395/1.400 quả là một sự khó nhọc đối với London mà chỉ nên kỳ vọng đứng được tại 1.373-1.375. Được vậy đã là một cố gắng!
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Hứa hẹn tăng/giảm mạnh
Những đợt tái phát của dịch Covid-19 là nỗi lo thực sự của thị trường cà phê. Tuy nhiên, robusta thường được pha chế tại nhà nên nhu cầu tiêu thụ dù có giảm cũng không tệ như arabica. Chỉ lo rằng khi giá arabica suy sụp, London sẽ khó có cơ hội đứng vững.
Tồn kho đạt chuẩn hai sàn ngày mỗi tăng nhưng không có hàng từ Việt Nam mà chủ yếu từ Nam Mỹ và Brazil. Nói như thế để hy vọng rằng nhu cầu mua hàng robusta ngoài kho của sàn sẽ chủ yếu từ Việt Nam một khi hoàn cảnh hậu cần (logistics) cho phép.
Hiện nay, dòng vốn trên thị trường tài chính đang chịu hấp lực của các sàn chứng khoán, nhất là các cổ phiếu thuộc ngành dược phẩm (vắc-xin) và thương mại điện tử. Đóng cửa tuần trước, giá chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng lên mức cao kỷ lục lịch sử khi có tin các nhà lập pháp Mỹ hình như đã có những đồng thuận về gói hỗ trợ 908 tỷ Usd trong năm 2020.
Giá cà phê lại rất nhạy cảm với tình hình dịch Covid-19 và chính sách tiền tệ. Cần thấy trước rằng giá cà phê thời gian sắp tới còn khó khăn với những biến động hết sức thất thường.
Sức ép bán đầu vụ khi thu hoạch sẽ không mạnh như các năm trước như trong những năm giao thương còn suôn sẻ. Giả sử như có áp lực, lực mua đầu tư trên thị trường nội địa sẽ xuất hiện giúp cho giá trong nước không tuôn mạnh.
Còn nhìn về giá cà phê nội địa tuần này, mức dao động có thể trong vùng 31,5 đến 33,5 triệu đồng/tấn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) “Nhận định giá cà phê thế giới từ 30/11-05/12/2020: Giá tăng đón làn gió mới.”, Nguyễn Quang Bình trên “ncif.gov.vn”
(2) Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”, “thitruongcaphe.net”, “tradingeconomics.com”, “worldometers.info” và “feedin.me”
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 27