Diễn biến thị trường cà phê tuần 21-25/09/2020: Vượt lên từ đáy mới.
Bối cảnh thị trường
Lo ngại đại dịch Covid-19 bùng phát đợt 2 ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu tuần qua. Ba ngày liên tiếp tính đến 25/09/2020, lượng ca mắc bệnh trên thế giới vượt khỏi 300 nghìn mỗi ngày, càng làm chính quyền Mỹ nôn nóng muốn đưa vắc-xin chống dịch ra lưu hành sớm. Tuy thế, giới chuyên môn y tế Mỹ không tỏ ra vội vã nếu như vắc xin được tìm ra chưa đảm bảo đủ độ an toàn và hiệu quả cho con người. Đến hết tuần trước, thế giới ghi nhận gần 32,8 triệu ca lây nhiễm Covid-19 và chuẩn bị cán mức 1 triệu ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo rằng lượng người chết có thể lên đến 2 triệu cho đến khi có một/nhiều loại vắc-xin hiệu quả và an toàn chính thức được lưu hành. Sự nôn nóng của một số lãnh đạo các nước gặp phải bức xúc vì trách nhiệm của giới chuyên môn về khả năng lưu hành vắc-xin đã làm thị trường tài chính thế giới có phần nghiêng về tâm lý tiêu cực.
Chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones và S&P500 trải qua tuần giảm thứ tư liên tiếp dù giá phiên ngày cuối tăng. Nasdaq chấm dứt đợt giảm sau ba tuần trước đó có kết quả âm.
Chỉ số giá trị đồng Usd (DXY) lên ngôi và có tuần tăng tốt nhất tính từ đầu tháng 04/2020 đến nay. DXY tăng mạnh không chỉ làm giá cổ phiếu Mỹ giảm, nó còn làm giá vàng, dầu thô và nhiều sàn nông sản phái sinh khác chao đảo. Sau một tuần, giá vàng giảm 4,99%, giá dầu thô giảm quanh mức 3%.
Đồng nội tệ Brazil (Brl) tuần qua cũng xuống mức thấp nhất tính từ cả tháng nay tạo áp lực bán từ nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới này.
Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần
- Lần đầu tiên Nhật Bản nhập khẩu cà phê Việt Nam cao hơn từ Brazil
Nhu cầu đối với cà phê hòa tan tại Nhật Bản tăng vọt do dịch Covid-19 buộc người dân Nhật ở nhà, phát ngôn viên của công ty chế biến thực phẩm Ajinomoto AGF cho biết. Doanh số bán các sản phẩm cà phê hòa tan trong quý 2/2020 đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Khủng hoảng y tế đã thay đổi trong phong cách tiêu dùng người Nhật và ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu cà phê nguyên liệu của nước này. Các số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn từ tháng 01-07/2020, Việt Nam là nước cung cấp cà phê hạt lớn nhất cho Nhật Bản. Nhật Bản đã nhập khẩu tổng cộng 67.392 tấn cà phê hạt từ Việt Nam, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, so với arabica Brazil chỉ 63.850 tấn, giảm 40%.
- Tồn kho cà phê khả dụng Bắc Mỹ giảm mạnh
Tồn kho cà phê khả dụng vùng Bắc Mỹ giảm mạnh tính đến hết tháng 08/2020. Hiệp hội Cà phê hạt GCA (Mỹ) cho biết lượng cà phê đếm trong các kho cảng thuộc quyền quản lý trong tháng 08/2020 giảm 309.013 bao hay -4,38% so với tháng 07/2020, còn tổng cộng 6.745.336 bao (bao=60 kgs). Đây là tháng có mức giảm nhiều nhất tính từ tháng 02/2020 và là tháng giảm sâu nhất trong thời gian đại dịch Covid-19. Tồn kho cà phê GCA lúc này vẫn chưa phải ở mức sâu nhất: so với năm 2011, bấy giờ chỉ 4 triệu bao. Tồn kho cà phê khả dụng được cung ứng đều cho các hãng rang xay. Số liệu tồn kho của GCA có ảnh hưởng nhất định đến thị trường.
- Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York đợt này được ghi nhận là 66.146 tấn so với tuần trước 66.560 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 109.480 tấn so với tuần trước là 109.820 tấn (1).
- Sản lượng cà phê Brazil 2020-2021 được chỉnh tăng
Trong một động thái hiếm hoi, cơ quan định mức thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil (Conab) đã chỉnh ước báo sản lượng cà phê nước này năm nay tăng lên 61,62 triệu bao (bao=60 kgs) so với lần dự đoán trước là 57,15 triệu bao. Trong đó, arabica đạt 47,37 triệu bao tăng 38% và robusta 14,25 triệu bao giảm 5% so với năm 2019.
- Xuất khẩu cà phê arabica Honduras
Viện Cà phê Honduras ước rằng niên vụ 2019-2020, nước này xuất khẩu chừng 5,52 triệu bao. Viện này cũng dự báo rằng niên vụ mới bắt đầu từ 01/10/2020, Honduras có thể xuất khẩu chừng 6,28 triệu bao, tăng 14%. Honduras là nước xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt. Hiện có chừng 78,5% lượng tồn kho arabica thuộc sàn New York có xuất xứ từ nước này.
- Thời tiết vùng cà phê Việt Nam diễn biến phức tạp
Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn quốc gia nhận định thời tiết từ nay đến cuối năm 2020 tại vùng cà phê Việt Nam còn diễn biến phức tạp. Theo đó, từ nay đến hết năm 2020, còn xuất hiện chừng 6-8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung tại miền Trung và miền Nam. Ngoài ra, trạng thái La Nina (với xác suất 65%-70%) có thể kéo dài từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021. Khi có La Nina, mùa rét đến sớm, mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm. Tại Tây Nguyên, vùng sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước, khi mùa khô đến có thể xuất hiện mưa trái mùa nhiều. Nông dân cần chuẩn bị lò sấy và sân phơi nhà kính để bảo đảm số lượng và chất lượng cà phê cho mùa sau.
- Ngân hàng ngưng cho vay kinh doanh hàng hóa nguyên liệu
Tập đoàn ngân hàng BNP Paribas (Pháp) tuần qua chính thức tuyên bố đóng cửa cơ sở giao dịch cho vay tín dụng kinh doanh hàng hóa tại Geneva (Thụy Sỹ) sau khi ngưng hoạt động này tại Paris trong tháng 08/2020. Quyết định trên được đưa ra sau khi các chi nhánh trực thuộc chịu các khoản thua lỗ lớn đối với các công ty kinh doanh hàng hóa nguyên liệu như Phoenix Commodities (Các Tiểu vương quốc Ả Rập) và Coex Coffee (Mỹ). Tháng trước, ngân hàng ABN Amro (Hà Lan) cũng tuyên bố sẽ ngưng hoạt động cho vay kinh doanh hàng nguyên liệu. Thụy Sỹ là nơi tập trung đông nhất các tập đoàn kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới. Việc đóng cửa các chi nhánh cho vay được dự đoán giới kinh doanh cà phê sẽ hụt hẫng vì phải tìm nguồn tín dụng mới, ảnh hưởng không ít đến hoạt động mua bán của họ.
Giá cả (xem hình 1)
Đã qua ngày thông báo giao hàng cuối cùng (LND) của kỳ hạn tháng 09/2020, hiện tượng giá nghịch đảo (backwadation) tự động biến mất. Đợt vắt giá vừa qua, có lúc giá tháng giao ngay vượt tháng 11/2020 hơn 100 Usd/tấn. Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa đủ hấp dẫn để giao hàng. Điều này được thể hiện tồn kho đạt chuẩn sàn London vẫn không tăng.
Hết “vắt giá”, thị trường quay lại với hoạt động bình thường. Qua một tuần, giá phái sinh robusta tăng 2 Usd để chốt tại 1.358 Usd/tấn với biên độ dao động giữa cao/thấp nhất là 1.406/1.314. Sàn arabica dao động mạnh giữa mức cao/thấp nhất là 119.35/109.05 để đóng cửa 113.65 cts/lb, tăng khiêm nhường 0.30 cts/lb hay +6,6 Usd/tấn.
Giá cà phê nguyên liệu trong nước nhìn chung giảm. Có lúc xuống dưới 32 triệu đồng/tấn so với đầu tuần là 32,5 triệu đồng/tấn khi London chạm đáy 1.314. Tuy nhiên, giá cà phê nội địa đã chóng vánh lên khỏi mức 32 triệu để cuối tuần qua quanh mức 32,2 triệu đồng/tấn (hình 2).
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 28/09-02/10/2020: Từ chối rớt sâu để đi lên.
Sàn phái sinh robusta London chứng kiến một đợt chỉnh xuống mạnh sau những cố gắng vượt các mức kháng cự không thành, nhất là thời gian cấu trúc vắt giá chuẩn bị tan rã.
Đứng từ mức đóng cửa 1.358 với biên độ dao động 1.406/1.314, nhìn theo đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, có mấy nhận xét như sau:
-London không vượt được đỉnh 1.406 và quay đầu. Sau đó mất luôn mức tâm lý quan trọng 1.400, sàn này chạy về đáy 1.314 khi liên tiếp mất 1.390 và 1.345 (xét theo Fibonacci tỷ lệ -38,2% và 50,0% của đỉnh 1.536 lập 10/12/19).
-Về cuối tuần, London phục hồi với 3 phiên có giá đóng cửa tăng liên tiếp. Như vậy sàn này đã tạo nên một vùng hỗ trợ mạnh tại khu vực đáy 1.314.
Nhìn theo hướng tăng: Phiên cuối tuần trước, giá đóng cửa đã vượt khỏi 1.349 (MA5) nên bức tranh kỹ thuật tích cực hơn. Mục tiêu chinh phục của tuần này là 1.381 (MA50) và 1.399 (MA20). Phải qua mức tâm lý quan trọng 1.400, bấy giờ London mới tạo được xung lực mua để có cơ hội thăm lại đỉnh cũ lập ngày 01/09/2020 là 1.471. Những phiên đầu tuần, London cần phải chinh phục lại đỉnh của ngày 25/09 là 1.370. Nếu như trong thời gian ấy, lúc nào đóng cửa 1.370+, khả năng vượt 1.400 càng lộ rõ.
Nhìn theo hướng giảm: Cứ chạm vùng 1.339-1.333, thì London trở nên yếu và rủi ro về lại vùng thấp càng lớn. Miễn đừng mất 1.320 (MA200) vì bấy giờ khả năng xuyên 1.314 là rất lớn để quay về dưới 1.300.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Vùng hỗ trợ giá cà phê trong nước ở mức nào?
Tuy theo giá London khá trung thành, thị trường cà phê nội địa hình như không muốn xuống dưới 32 triệu đồng/tấn dù London có rớt sâu đến mấy. Nên, hãy xem 32 triệu đồng/tấn như là mức hỗ trợ quan trọng cho thị trường cà phê trong nước hiện nay.
Trong những ngày gần đây, dù yếu tố tiền tệ như chỉ số DXY và giá trị đồng nội tệ Brl so với Usd tạo bất lợi cho giá cà phê, giá hai sàn này vẫn phục hồi khá tốt để giữ vững giá so với tuần kết thúc ngày 25/09/2020.
Lượng tồn kho đạt chuẩn trên 2 sàn cà phê tiếp tục nhỏ lại dù thị trường đã tạo điều kiện giao hàng (vắt giá), lượng tồn kho đạt chuẩn GCA cũng giảm, có thể tạo tác động tích cực lên thị trường cà phê trong những ngày tới, nhất là robusta, nhờ nhu cầu tiêu thụ tại nhà càng ngày càng tăng dù dịch Covid-19 ngày càng căng.
Như vậy, giá cà phê trong nước tuần này vẫn khó rớt xuống mức dưới 32 triệu đồng/tấn trừ khi London xuống dưới 1.300 Usd/tấn. Nhưng mức tăng của cả sàn phái sinh và thị trường cà phê nguyên liệu trong nước từ nay theo hướng mở (do tồn kho giảm và nhu cầu tiêu thụ robusta tăng).
Một khi chỉ số DXY chỉnh giảm, đó có thể là cơ hội cho giá cà phê phái sinh London tăng. Khả năng giá cà phê trong nước lên lại 33 triệu đồng/tấn chưa mất cơ hội trong tuần này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- “Nhận định giá cà phê thế giới từ 21-26/09/2020: Các quỹ đầu tư cà phê còn bán mạnh?”, Nguyễn Quang Bình, tại https://thitruongcaphe.net/nhan-dinh-gia-ca-phe-the-gioi-tu-21-26-09-2020-cac-quy-dau-tu-ca-phe-con-ban-manh/
- Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”, “thitruongcaphe.net”, “worldometers.info” và “feedin.me”.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 32