Nhận định giá cà phê thế giới từ 21-26/09/2020: Các quỹ đầu tư cà phê còn bán mạnh?

Thị trường thời 4.0

Diễn biến thị trường cà phê tuần 14-18/09/2020: Giá hai sàn cà phê rớt sâu.

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch tháng 11 trên sàn robusta và 12/2020 trên sàn arabica) 

Bối cảnh thị trường

Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) dự báo rằng dù nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi nhanh giữa đại dịch Covid-19, nó vẫn giảm mạnh đến 4,5% trong năm 2020. Đấy là mức giảm tồi tệ nhất tính từ Chiến tranh thế giới II. “Nếu chính phủ các nước ngừng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, làn sóng phá sản và thất nghiệp sẽ dâng cao hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân thời gian dài về sau”.

Các nước EU nay hình như đã chấp nhận “sống chung với dịch” như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lần phát biểu trong tuần qua. Cách ứng xử này có vẻ phù hợp với nhận định của Robert Redfield, giám đốc cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng như một quan chức cấp cao của WHO. “Cuộc sống của người dân khó trở lại bình thường trước năm 2022” (WHO). “Phải đến quý 1 hay quý 2-2021 mới có thể có vắc-xin chống Covid-19 nhưng lượng ra rất hạn chế” (Robert Redfield). Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ ý kiến của CDC Mỹ và cho rằng vắc-xin sẽ được lưu hành trong một thời gian rất ngắn nữa, trước bầu cử Tổng thống Mỹ. Dù sao thị trường nghĩ rằng nhận định của giới chuyên môn y khoa đáng tin cậy hơn.

Hội nghị thành viên Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc ngày 16/09/2020 sau 2 ngày làm việc. Đấy là lần họp cuối cùng của ngân hàng trung ương Mỹ cho đến khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11/2020. Fed vẫn giữ nguyên mức lãi suất cơ bản đồng Usd (từ 0%-0,25%) và có thể kéo dài trong vòng 3 năm nữa. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn đang cần các gói hỗ trợ tài chính và kích cầu để hạ dần lượng người thất nghiệp. Đến cuối tháng 08/2020 chừng 11 triệu người tương đương với 8,4% dân số trong tuổi lao động. Lượng người thất nghiệp được Fed ước cả năm nay chừng 7,6%. Cho đến nay, chỉ tiêu lạm phát của Mỹ vẫn còn dưới xa của mức 2%. Bao lâu tỷ lệ lạm phát chưa đạt 2% hay nhỉnh hơn đôi chút, Fed chưa có ý định tăng lãi suất. Tuy nhiên, nếu như có một nhận định ngược lại, lượng người thất nghiệp một lúc nào đó bất ngờ tăng cao và tỷ lệ lạm phát không cải thiện, Fed có lẽ phải đưa lãi suất đồng Usd xuống mức âm. Hiện nay, Fed thực hiện mua cổ/trái phiếu trị giá ước 120 tỷ Usd/tháng gồm 80 tỷ Usd trái phiếu và 40 tỷ Usd cổ phiếu cầm cố. Như vậy, có thể đoán  rằng cứ giá cổ phiếu giảm, Fed sẽ can thiệp. Suy luận này chắc không sai: giá cổ phiếu Mỹ đang tốt, về sau chỉ có thể tốt hơn.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) báo rằng thiệt hại của ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm 2020 lên đến 460 tỷ Usd với lượng khách du lịch giảm 440 triệu lượt người tương đương -65%. UNWTO cũng dự đoán rằng trong năm 2020, ngành kinh tế này còn chịu ảnh hưởng nặng vì dịch Covid-19, lượng khách du lịch cả năm có thể giảm 70%. Để quay lại như mức tăng trưởng của năm 2019 với 1,5 tỷ người đi du lịch, UNWTO cho rằng ngành du lịch phải mất từ 2-4 năm. Thiệt hại của ngành du lịch đã và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp cà phê khi sức tiêu thụ cà phê của các ngành vận tải hành khách, quán xá, khách sạn nhà hàng giảm.

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

  • Việt Nam xuất khẩu lô cà phê chế biến đầu tiên đi EU

Lô cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) đầu tiên của Việt Nam đã được nhập vào container 40’ xuất qua EU từ Công Ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai). Đây là lô hàng cà phê chế biến được ghi nhận chính thức mở màn cho hàng cà phê chế biến sang EU sau hiệp định EVFTA. EU là khối nước tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm, ước EU tiêu thụ 40% cà phê của Việt Nam, tuyệt đại bộ phận là cà phê nguyên liệu (hạt nguyên, chưa rang) trị giá bình quân chừng 1,3 tỷ Usd trong vòng từ 5 năm nay. Với hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu cà phê chế biến trở về 0% so với trước là 9%-12%.

  • Thu hoạch cà phê arabica tại các nước châu Mỹ-La tinh

Tại Brazil, thu hoạch cà phê niên vụ 2020-2021 đã hoàn tất. Trong khi đó, thu hoạch cà phê mùa phụ (mitaca) của Colombia cũng đã xong. Hiện nay, cà phê arabica tại các nước chế biến ướt như Mexico, Colombia và vùng Nam Mỹ dự kiến vào mùa thu hoạch chính đúng tiến độ trong những tháng tới. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh cho rằng nông dân vùng cà phê quan trọng này sẽ bỏ bê một phần vườn tược vì hái xuống ít ai mua giữa tình hình tài chính khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

  • Được mùa, Brazil thiếu sức chứa cà phê thành phẩm 2020

Năm nay, mùa cà phê Brazil bội thu. Hiện tượng chưa hề xảy ra được hãng tin Bloomberg báo rằng do khối lượng cà phê quá lớn, sức chứa trong nước tỏ ra không xuể. Ngay cả tại Mỹ, nước tiêu thụ cà phê số 1 thê giới, kho chứa tư nhân cũng ắp. Bộ Nông nghiệp Mỹ quả nói không quá lời: “Tồn kho toàn cầu chắc sẽ tăng 18% trong niên vụ 2020-2021, là mức cao nhất tính từ 6 năm nay.”(1)

  • Xuất khẩu cà phê Bờ biển Ngà giảm

Bờ biển Ngà, nước sản xuất robusta ở Tây Phi, cho biết xuất khẩu cà phê tháng 07/2020 giảm 24,11% so với cùng kỳ 2019 chỉ đạt 132 nghìn bao. Bảy tháng đầu năm 2020, nước này xuất khẩu tổng cộng 764 nghìn bao, giảm 16% so với cùng kỳ 2019.

  • Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn New York đợt này được ghi nhận là 66.560 tấn so với tuần trước 67.690 tấn, là mức thấp nhất tính từ 20 năm rưỡi nay. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London là 109.820 tấn so với tuần trước là 110.260 tấn (2).

Giá cả (xem hình 1)

Cấu trúc giá nghịch đảo trên sàn robusta vẫn tồn tại với giá tháng 09 cao hơn tháng 11/2020 đến 100 Usd/tấn (1456/1356). Dù nhu cầu giao hàng qua sàn vẫn mạnh, giá phái sinh robusta vẫn không trụ nổi, thậm chí còn rớt đậm tuần qua.

Chỉ còn 8 ngày giao dịch nữa là đến thời điểm chấm dứt niên vụ cũ 2019-2020. Thu hoạch tại Brazil hoàn tất, một số nước sản xuất arabica tại Nam Mỹ cũng lần lượt thu hoạch, tiếp theo đến Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới.

Thông tin hàng bán chậm, tồn kho tại các nước sản xuất nhiều do dịch Covid-19 không đi được, đã kích các quỹ đầu tư tài chính trên sàn arabica thanh lý một lượng lớn hợp đồng dư mua trong tuần qua. Vì vậy, giá chao đảo mạnh trên cả hai sàn theo hướng xấu. Điều này được thể hiện lên hoạt động giá trên các sàn.

Thật vậy, chỉ sau một tuần, lợi suất đầu tư trên 2 sàn giảm. Cụ thể như sau: sàn arabica giảm 18.95 cts/lb hay 418 Usd/tấn tương đương với giảm 14,36% để chốt tại 113.50 cts/lb và robusta giảm 77 Usd/tấn hay giảm 5,37% đứng tại 1.356 Usd/tấn.

Hình 2 (nguồn: feedin.me)

Thị trường cà phê trong nước có giá đầu tuần với mức cao nhất ở 33,5 triệu đồng/tấn nhưng càng về cuối tuần giá thấp dần. Đến sáng 21/09, giá bình quân cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên nằm trên mức 32 triệu đồng/tấn nhưng không vượt được 32,5 triệu đồng/tấn (hình 2).

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 21-25/09/2020: Coi chừng cấu trúc “vắt giá” tạo nên “bẫy” mua!

Sau mấy lần “rắp tâm” vượt 1.471 (01/09/2020) không thành (3), giá London kỳ này tỏ ra yếu hẳn. Giá London đã về nằm sâu dưới mức tâm lý quan trọng 1.400 lại càng tạo thêm tâm lý tiêu cực các nhà kinh doanh. Cộng thêm với kinh nghiệm thả lượng hợp đồng dư mua xối xả trên sàn New York trước khi tiêu hủy cấu trúc “vắt giá” trên sàn này, lại càng làm các nhà đầu tư lo lắng vì sợ xảy ra trường hợp tương tự cho sàn London trong tuần này. Ngày thông báo giao hàng cuối cùng cho tháng 09/2020 được ấn định là 24/09/2020.

Nhìn từ vị trí hiện tại của giá robusta London tháng 11/2020 với mức đóng cửa 1.356 trong biên độ dao động cả tuần là 1.441/1.352, dựa trên đồ thị do nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, có thể đưa ra nhận định như sau:

-Sau khi lập đỉnh 1.471, từ bấy đến nay giá London không tài nào qua mức 1.470 (Fibo +238,2% của gốc 1.286), tuần qua mất luôn cả loạt để còn cự lại quanh 1.353 hay Fibo +150% và chạm 1.352 rồi chốt đóng cửa ở 1.356. Đà xuống thắng thế.

London đã để trượt các điểm MA5/20/50 ngày là 1.383/1.415/1.369 một cách dễ dàng và do mất các điểm ấy, các quỹ đầu tư bán ra mạnh.

Để lội ngược dòng, giá robusta cần vượt nhanh khỏi 1.369 (MA50) cũng gặp đúng tỷ lệ +161,8% tại 1.368. Khi qua khỏi các mức ấy, hướng lên mới còn hy vọng.

Nếu không cưỡng được đà xuống, khi mất khu vực 1.337, London dễ về 1.322. Kịch bản xấu nhất cho tuần này nếu như London không giữ được 1.295 (MA100), dễ quay lại vạch xuất phát 1.286.

Điều cần cẩn trọng nhất là: với cấu trúc “vắt giá”, thị trường cà phê 2 sàn tạo nên cái “bẫy” mua. Sau khi dẫn dụ người khác vào mua, sàn New York đã bán ra cực mạnh và áp lực bán trên sàn này tỏ ra chưa ngừng nghỉ. Liệu tình hình ấy có xảy ra trên sàn London trong tuần này khi mà ngày thông báo giao hàng cuối cùng tháng 09/2020 đã quá cận kề?

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: “Vắt giá”, lợi và hại.

Lượng tồn kho đạt chuẩn trên 2 sàn cà phê giảm mạnh đã làm xuất hiện hiện tượng giá nghịch đảo nhằm mục đích thu hút hàng giao nhanh nhờ giá tháng giao ngay cao hơn các kỳ hạn sau. “Nước lên thuyền lên” đã giúp cho giá các sàn phái sinh tăng mạnh trong một thời gian khá dài. Đó cũng là mặt tích cực của “vắt giá”. Nhưng trong một hoàn cảnh mà các quỹ đầu tư cà phê chỉ dùng nó như phương tiện lôi kéo người mua để giải quyết các vấn đề tài chính và thu lợi, thì đó lại là mặt tiêu cực của hiện tượng này. Chỉ trong một vài tuần nay, giá cà phê rớt thảm, thì người tham gia sàn với tư cách nhà đầu tư nhỏ lẻ cần nắm rõ cách chơi, chỉ nên mua nhanh và bán nhanh, không ghim hàng lâu dài (dù là hàng giấy hay hàng thực) vì tính “ăn xổi ở thì” của hiện tượng này.

Lần vắt giá hiện nay trên sàn London rất may không nằm vào thời kỳ kinh doanh hàng thực mạnh như những tháng đầu vụ mới (từ tháng 10 trở đi). Chính vì thế, thiệt hại do ghim hàng để đầu cơ giá lên không nhiều.

Tuy vậy, nhờ giá tăng trong đợt vắt giá vừa qua, nhiều người cũng lợi dụng được và chốt giá bán ở mức cao cho hàng giao ngay và cả các hợp đồng mới giao từ tháng 11 trở đi.

Còn giá cà phê trong nước cho tuần này, sẽ khó thấy lại mức 33,5 triệu đồng/tấn mà chỉ có thể trong khu vực 33-32 triệu đồng/tấn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. “Brazil Is Running Out of Space to Store Its Coffee”, 15/09/2020 tại https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-09-15/brazil-is-awash-with-coffee-and-running-out-of-space-to-store-it
  2. “Nhận định giá cà phê thế giới từ 14-19/09/2020: Liệu giá cà phê tìm đường tăng lại.”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22187
  3.  -id-
  4. Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”,  “thitruongcaphe.net” và “feedin.me”.
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 213