Nhận định giá cà phê thế giới từ 18-25/07/2020: Giá lên mạnh, thị trường vào vùng mua quá mức

Nghiên cứu kỹ thuật giá cà phê qua đồ thị. Ảnh: thitruongcaphe.net

Diễn biến thị trường cà phê tuần 13-18/07/2020: Hai sàn cùng tăng

Hình 1   

Bối cảnh thị trường

Nếu cho tín hiệu nào là tích cực nhất trong tuần qua đối với thị trường tài chính nói chung và nông sản nói riêng đó chính là Trung Quốc đã bắt đầu mua một số lương thực thực phẩm Mỹ và đợt thử nghiệm vắc-xin chống dịch Covid-19 lần 3.

Thời gian gần đây, dù giá cà phê chưa đủ mạnh như kỳ vọng, một số dấu hiệu đáng mừng đối với thị trường nông sản nói chung. Trung Quốc đã bắt đầu mua một lượng rất lớn đậu tương (nành) từ Mỹ. Giữa tuần trước, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc ký ít nhất 5 hợp đồng mua ít nhất 300.000 tấn đậu tương, giao hàng chủ yếu trong tháng 10 và 11/2020. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết rằng Trung Quốc sẽ còn mua tiếp 3,26 triệu tấn ngô (bắp) cùng với 518.000 tấn đậu tương và 320.000 tấn lúa mì hạt. Dù còn lâu mới đạt chỉ tiêu của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai bên, theo đó Trung Quốc phải mua 36,5 tỷ Usd hàng nông sản Mỹ trong năm đầu tiên sau thỏa thuận ký vào tháng 01/2020, nhưng có dấu hiệu cho thấy phía Trung Quốc đã chủ động khởi động ký hợp đồng mua nông sản Mỹ đến 5 tỷ Usd tính đến hết tháng 05/2020 và nay vẫn tiếp tục giữa căng thẳng về quan hệ hai nước. Một khi nông sản Mỹ có đường ra, mặt bằng giá các sàn phái sinh nông sản có điều kiện nâng lên.

Đàng khác, ngóng đợi một loại vắc-xin chống virus SARS-CoV-2 đang kết dần một nền tảng khả dĩ đáng tin hơn. Giá chỉ số chứng khoán các châu lục đã được kích thích khi nghe tin vắc-xin ngửa Covid-19 của hãng Moderna sẽ được thử nghiệm lần 3 trên người mang nhiều hy vọng. Dù chuyện vắc-xin được tìm ra có thành công hay không đang còn ở phía trước, kỳ vọng về thuốc trị Covid-19 cũng được xem như một liều thuốc chống suy thoái kinh tế toàn cầu. Cứ mỗi khi nghe tin một loại vắc-xin được tìm ra có tiến triển, là một lần các thị trường chứng khoán nhận được hứng khởi vì bấy giờ hoạt động sản xuất khôi phục, giao thương gia tăng, lượng thất nghiệp giảm và thu nhập người dân quay lại bình thường.

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê khả dụng:

Khối lượng tồn kho cà phê khả dụng tại Bắc Mỹ trong tháng 06/2020 tăng 14.585 tấn hay tăng 3,57% so với tháng trước đó, đạt 423.672 tấn. Nhưng so với cùng kỳ năm 2019, lượng này cũng tăng 3,53% hay 14.465 tấn. Tồn kho khả dụng được hiểu là cà phê sẽ được lưu thông đến các xưởng sản xuất.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn:

Sàn London: Lượng cà phê robusta đã được sàn công nhận đạt chuẩn tại các kho thuộc sàn đến ngày 16/07/2020 đạt 113.610 tấn. Đây là mức thấp nhất tính từ một năm rưỡi nay. Nhờ tin này, giá London tăng mạnh phiên cuối tuần.

Sàn New York: Lượng cà phê arabica đã được sàn này công nhận đạt chuẩn tại các kho thuộc sàn đến ngày 17/07/2020 xuống mức thấp nhất tính từ 27 tháng, đạt 95.915 tấn, trong đó chừng 93% nằm tại các kho do sàn ICE US (New York) chỉ định tại châu Âu chiếm trên 93% đạt 90.724 tấn.

Cà phê đạt chuẩn là cà phê được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng do các sàn yêu cầu. Cà phê muốn được đấu giá trên sàn phải có giấy xác nhận đạt chuẩn của sàn liên quan.

Brazil: Kết quả xuất khẩu cà phê niên vụ 2019-2020.

Về nội bộ, niên vụ cà phê Brazil được tính từ đầu tháng bảy năm trước đến hết tháng sáu năm sau. Như vậy, vụ mùa cà phê Brazil 2019-2020 đã hoàn thành. Trong thời gian này, Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) cho biết cả nước xuất khẩu được 39,93 triệu bao (bao=60 kg). Dù lượng xất khẩu giảm 4% so với niên vụ 2018-2019 là 41,4 triệu bao, tổng lượng xuất khẩu niên vụ mới qua của Brazil chỉ đứng sau mức cao kỷ lục lịch sử. Năm vừa rồi là một niên vụ “thất” của chu kỳ năm được năm mất, nhưng lượng xuất khẩu cà phê Brazil vẫn không giảm nhiều.

Trong số 39,93 triệu bao, có 35,89 triệu bao là cà phê nhân thô, số còn lại là cà phê chế biến được qui tương đương với cà phê nhân. Về chủng loại, Cecafe báo gồm 31,5 triệu bao arabica, giảm 6,8% nhưng robusta đạt 4,4 triệu bao tăng 22,7%, là mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Xuất khẩu cà phê chế biến đạt tương đương 4 triệu bao, khá ổn định so với các năm trước.

Giá cả (xem hình 1)

Hai sàn cà phê phái sinh tuần trước có kết quả tăng. Giá robusta lên mức cao nhất tính từ ba tháng rưỡi và arabica chạm mức cao nhất từ một tuần rưỡi nay. Đến 17/07/2020, kết quả chung cuộc như sau:

-Sàn robusta London tăng 96 Usd chốt tại 1.293 Usd/tấn trong biên độ dao động cao/thấp 1.297/1.187.

-Sàn arabica New York tăng 4.90 cts/lb hay +108 Usd/tấn đứng tại 102.30 cts/lb với biên độ 102.30/96.30.

Chỉ số giá trị đồng Usd (DX) giảm tạo điều kiện cho giá trên các sàn hàng hóa tăng. Một khi đồng Usd rẻ, các quỹ đầu tư tài chính trên sàn thường có khuynh hướng giảm bán, tăng mua nhờ chi phí tài chính rẻ.

Tính đến ngày khóa sổ vị thế kinh doanh (14/07) của nhóm đầu tư tài chính, hai sàn đều ở vị thế dư bán trong đó sàn robusta đạt 41.654 hợp đồng, giảm gần 3.000 và arabica còn 24.776 hợp đồng.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 20-24/07/2020: Thị trường vào vùng mua quá mức!

Hình 2 (nguồn: Phan Trọng Anh)

Trong 9 ngày giao dịch gần nhất, giá London đã có đến 8 phiên tăng giá khi đóng cửa mà đỉnh điểm là ngày 17/07 tăng 50 Usd/tấn đạt 1.293 Usd. Còn trong 15 ngày tính từ 29/06/2020, London chỉ chứng kiến 3 phiên giá giảm.

Chia tay đáy 1.157 lập ngày 07/07/2020, giá robusta đầy tự tin và đáy được nâng lên 1.187 để rồi chạm đỉnh gần mức tâm lý quan trọng 1.300 Usd.

Nhìn theo kỹ thuật, tuần trước London chọn hướng tăng rất rõ một khi qua khỏi mức tâm lý 1.200 rồi phá 1.209 để vươn lên 1.234. Một khi mức 1.234 (MA100) của tuần trước vỡ ra, lực mua được kích thích mạnh để sàn này bung lên 1.267 và chạy thẳng lên 1.297 (1).

Các kịch bản cho giá robusta London trong tuần này:

-Hướng tích cực: Chốt phiên cuối tuần tại 1.293 sau khi với lên 1.297, về kỹ thuật giá London tỏ ra rất tích cực vì đóng cửa nằm tại vị trí rất cao so với các điểm gặp bình quân động MA10/20/50/100. Chỉ còn MA200 tại 1.315 đang trông chờ được bứt phá. Ở giai đoạn này, cần lưu ý đến khu vực kháng cự mạnh nằm tại 1.307, là đáy lập ngày 22/02/2016. Một khi phá được mức này có lẽ giá London không ngần ngại vươn cao hơn như 1.339/1.360.

-Hướng tiêu cực: Điều đáng lo nhất là sau một loạt ngày có giá tăng, sàn London đang trong tình trạng mua quá mức (overbought), tức thị trường đang chờ một đợt chỉnh xuống để cân bằng vị thế. Chỉ báo RSI 9/14 ngày cho thấy ở 80,10% và 71,52% so với mức tham chiếu 70%.

Cần cẩn thận ở giai đoạn này vì giá có thể đổ xuống bất thình lình một khi không vượt 1.307 đồng thời thị trường đang tình trạng mua quá mức, nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh đưa nhận định riêng như thế.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá cà phê phái sinh tăng mạnh, giá nội địa lên cầm chừng.  

Điều trông thấy trong tuần qua là giá sàn phái sinh robusta London tăng gần 100 Usd/tấn nhưng giá nội địa bị ghìm lại, chỉ tăng chưa đến 50 Usd/tấn (tỷ giá 1 Usd = 23.100 Vnd). Đến đầu tuần này, giá tại vùng cà phê trọng điểm chỉ quanh mức 32,5-32,6 triệu đồng/tấn.

Sở dĩ có hiện tượng trên là do giá xuất khẩu tính trên mức chênh lệch giữa giá giao hàng lên tàu (FOB) với giá niêm yết thời gian qua có mức cộng khá cao (+200/+220 Usd/tấn cao hơn giá London). Dịp giá tăng là lúc để người mua kéo giá xuất khẩu xuống. Giá chào xuất khẩu của người mua cho cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ nay còn +150/+170 Usd/tấn FOB.

Giá cà phê nội địa (như đã nói) hiện nay chỉ tương đương với +115 Usd/tấn. Nếu như cộng thêm chi phí làm hàng và tài chính, mức +170 Usd là vừa đủ.

Dự kiến giá cà phê nội địa tuần này dao động trong khu vực 31,7 đến 32,8 triệu đồng/tấn.

Thị trường tuần này đang chờ một đợt chỉnh xuống nếu như muốn tăng tiếp. Điều đáng lo nhất là sợ người chơi hàng giấy (mua bán khống trên sàn kỳ hạn) tham gia mua, động thái này có thể gây bất lợi cho hướng tăng cả trên sàn phái sinh lẫn giá nội địa vì các quỹ đầu tư có thể bắt bán chặn lỗ một khi phát hiện lượng mua khống trên sàn nhiều.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Nhận định giá cà phê thế giới từ 11-18/07/2020: Điều kiện nào để giá cà phê robusta tăng?”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22115

Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang: “ncif.gov.vn”, “thesaigontimes.vn”, “barchart.com”, “theice.com”, “thitruongcaphe.net”, ”tradingeconomics.com”.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 21