Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 16-20/03/2020: Giá arabica tăng gấp 71 lần robusta!
A. Bối cảnh thị trường
Không còn nghi ngờ gì nữa dịch Covid-19 đang tạo nên một đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính phủ nhiều nước phải can thiệp bằng các công cụ tài chính-tiền tệ để phần nào ổn định tình hình: cung ứng vốn, hạ lãi suất, phá giá đồng nội tệ, kể cả kế hoạch kích cầu bằng cách phát tiền mặt và nhu yếu phẩm cho dân chúng như trường hợp của Mỹ tuần qua.
Tiếp theo hai lần giảm lãi suất bất ngờ và mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các nước khác cũng theo chân. Ngân hàng trung ương Anh Quốc hạ lãi suất cơ bản còn 0,1%/năm và tung 645 tỷ bảng Anh (tương đương 752 tỷ Usd) để mua lại trái phiếu.
Ngoài ra, Fed còn cung cấp tín dụng đến 60 tỷ Usd cho mỗi ngân hàng trung ương Australia, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Singapore, Anh Quốc, Thụy Điển…nhằm giải quyết nhu cầu Usd tại các “đầu cầu” giao dịch thương mại.
Giá trị đồng nội tệ nhiều nước sản xuất cà phê như Brazil, Colombia, Indonesia, Ấn Độ…đều giảm so với đồng Usd.
Đồng Reais Brazil (Brl) tuần qua có lúc xuống mức thấp kỷ lục lịch sử 1 Usd ăn 5,23 Brl (hình 2). Đồng Peso Colombia (Cop) giảm xuống mức sâu nhất ít nhất tính từ 1990 với 1 Usd ăn 4.124 Cop. Đồng Rupiah Indonesia như Cop cùng thời kỳ với mức 16.225 Idr ăn 1 Usd.
Lực bán hàng thực từ các nước xuất khẩu giảm do hạn chế các hoạt động vận tải và giao nhận giữa cơn đại dịch. Yếu tố tiền tệ thực sự trở thành lực mua bán với đầy rủi ro do tăng giảm thất thường.
Để ngăn chặn lây lan dịch Covid-19, nhiều nước đã tăng cường các biện pháp kiểm dịch nhưng số người lây nhiễm vẫn chưa giảm.
Tính đến sáng sớm 22/03/2020, dịch Covid-19 lan đến 188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số ca nhiễm bệnh trên thế giới được ghi nhận là 308.010, trong đó có trên 13 nghìn ca tử vong. Các nước nhập khẩu cà phê lớn của Việt Nam có con số lớn như Ý với 53.578, Mỹ 27.069, Tây Ban Nha 25.496, Đức 22.364, Pháp 14.459, Hàn Quốc 8.897, Thụy Sỹ 6.863, Anh Quốc 5.018, Hà Lan 3.631 ca…
B. Điểm mới về tình hình cung cầu cà phê
Dịch Covid-19 hoành hành làm hạn chế sức tiêu thụ cà phê tại nhiều nước nhập khẩu lớn của mặt hàng này. Mới trước ngày bùng phát dịch tại Trung Quốc cuối năm 2019, Tổ chức Cà phê Thế giới còn dự báo mức tiêu thụ cà phê toàn cầu năm 2020 có thể tăng 0,7%, thì đến tuần này Goldman Sachs ước tiêu thụ cà phê năm nay giảm 10%.
Để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, chính phủ các nước, nhất là châu Âu và Mỹ, đều yêu cầu các hàng quán cà phê đóng cửa. Dù tiêu thụ cà phê tại nhà có thể không giảm, nhưng nhiều chuỗi/hàng quán đóng cửa là một thiệt hại lớn cho ngành cà phê, nhất là người trồng.
Starbucks, một trong các chuỗi quán cà phê lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ trong tuần qua tuyên bố đóng cửa vô thời hạn một số địa điểm rang xay tại nhiều bang ở Mỹ.
Xuất khẩu cà phê Uganda tháng 2/2020 đạt 472.994 bao so với 469.951 bao của tháng 1/2020 nhưng tăng 46,4% so với cùng kỳ 2019 là 323.182 bao. Uganda là nước sản xuất robusta chính của châu Phi.
Ngoài ra, với tình hình phức tạp của dịch bệnh, công tác giao nhận, từ khâu vận chuyển đến kiểm tra chất lượng, thanh toán tiền hàng chậm hơn bình thường…gây lo ngại rất lớn cho các nhà kinh doanh.
Giá cả (xem hình 1)
Tuần qua, giá cà phê robusta London được giữ vững trong khi sàn arabica tăng mạnh lên mức cao nhất tính từ 2 tuần nay. Kết thúc phiên 20/03/2020, giá robusta chốt tại 1.244 Usd/tấn cả tuần tăng 3 Usd nhưng giá arabica tăng 12,95 cts/lb hay 285 Usd/tấn. Như vậy, sàn New York tăng cao gấp hơn 71 lần nếu tính trên cơ sở giá trị mức đóng cửa cuối tuần.
Biên độ dao động cao/thấp cũng rất cực đoan với London giữa 1.272-1.191 và New York 120.05-101.40 hay 411 Usd/tấn.
Có thể nói rằng lượng tiền từ các ngân hàng được cấp vốn và dòng vốn bán tháo trên các sàn chứng khoán ít nhiều tìm về trú tại sàn cà phê arabica. Vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một tuần tồi tệ nhất tính từ cuộc khủng hoảng 2008. Chỉ số DJIA sau 5 ngày giao dịch mất trên 17% và tính từ 3 tháng nay đã giảm gần 34%. Đồ thị trên hình 1 bên trái cho thấy giá chỉ số DJIA (màu đỏ) giảm mạnh, giá arabica (màu xanh lá cây) tăng mạnh mẽ kéo giá robusta theo (màu xanh dương). Giá vàng và dầu thô sau nhiều ngày bán tháo, dòng vốn có thể được đưa về chia sẻ cho nhóm nông sản, đặc biệt ngũ cốc và cà phê arabica vốn đã từng lao đao nhiều năm nay, đặc biệt trong thời kỳ thương chiến Mỹ-TQ.
Những trở ngại như giao hàng cà phê ngưng hoạt động tại cảng Santos (Brazil) hay công tác kiểm định chất lượng tại nhiều kho cảng thuộc sàn arabica New York đã tạo nền cho đợt tăng giá cà phê tuần qua.
Thị trường cà phê trong nước có lúc xuống mức 30 triệu đồng/tấn nhưng không tồn tại lâu. Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ chủ yếu giao dịch trên 30,5 đến 31 triệu đồng/tấn tại Tây Nguyên, vùng sản xuất chính của Việt Nam.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 23-27/03/2020: Còn đi xa nếu vượt hai đầu cao/thấp.
Đứng tại vị trí đóng cửa sàn robusta cuối tuần trước là 1.244 với biên độ dao động 1.272/1.191, ta có thể nhận định:
-Cú chạm 1.272 là cú tăng đột biến để từ đó giá robusta chạy xuống 1.191.
-1.191 nay trở thành đáy tạm thời vì từ đó giá London tăng thêm 2 ngày liên tiếp mà không vi phạm 1.181.
-Dù chạm 1.272, nhưng do thiếu xung lực mua, gặp phải sức bán mạnh, London thụt lùi. Bao lâu chưa thoát khỏi khu vực 1.290-1.295, tiêu cực trên sàn này vẫn chưa được hóa giải (1).
-Như vậy, đỉnh và đáy trong tuần này là 1.295 và 1.191. Nếu vượt qua hai đầu cao/thấp đã nói, giá London còn đi thêm 30-40 Usd.
Các kịch bản trong tuần:
Hướng tăng: Hai nút quan trọng để có thể thấy tuần này có giá tăng là 1.272 và 1.295. Bất kỳ lúc nào, giá bật khỏi 1.264 (MA 20) rồi 1.272 (nếu đóng cửa càng tốt), giá có cơ hội tìm lên 1.290-1.295. Lực mua những ngày đầu tuần có lẽ vẫn còn vì đóng cửa ngày 20/03 tiệm cận với đỉnh trong ngày giao dịch 1.248.
Hướng giảm: Nằm tại 1.244 là khá ổn định để ít ra London thực hiện hướng giao dịch tích lũy. Chỉ đáng ngại khi sàn này mất 1.225-1.226 (đáy ngày 20/03 trùng với MA 5 ngày), thì khả năng về tìm 1.191/1.181 sẽ lớn dần.
Những yếu tố cần tiên liệu:
-Cản trở cho hướng tăng: (1) Xu hướng tăng vẫn chưa rõ ràng do giá còn nằm dưới nhiều điểm gặp đường bình quân động (MA). (2) Từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay, chưa thấy khi nào chỉ số Usd (DX) có biên độ tăng mạnh như tuần qua (+3,3%). Có vậy là do đồng Usd được chọn làm nơi trú ẩn so với các đồng nội tệ khác. DX còn tăng nữa hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự can thiệp của Fed. Nếu như tăng, hướng lên của giá robusta vẫn bị hạn chế. (3) Đồng Brl và một số đồng nội tệ của các nước sản xuất cà phê đang bị phá giá hàng ngày so với Usd. Một khi giá trên sàn khớp với giá thành cộng lợi nhuận tính trên đồng nội tệ của các nước này, hướng tăng sẽ bị cản trở do sẽ gặp lực bán hàng thực.
–Thuận lợi cho hướng tăng: (1) Tiền mặt và dòng vốn đang quá dồi dào trên thị trường tài chính nhờ các chương trình hỗ trợ và “nới lỏng định lượng” (QE). Lượng tiền nhiều này sẽ tạo sức mua trên các sàn giao dịch phái sinh hơn là nhu cầu hàng thực. (2) Bao lâu giá vàng, dầu thô và cổ phiếu giảm, đó là cơ hội cho 2 sàn cà phê mà chủ yếu là sàn arabica sẽ được chia vốn để mua. (Nhưng cũng cần nhìn ở hướng ngược lại, khi giá cổ phiếu, các nhóm hàng năng lượng và kim loại lấy lại đà tăng, thì cần cẩn thận với rủi ro giảm của giá cà phê).
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Sá gì mức cao/thấp, cần thấy trước rủi ro
Mua bán cà phê hiện nay tách khỏi yếu tố cung-cầu của bản thân mặt hàng mà phụ thuộc nhiều hơn vào dòng vốn và lượng tiền mặt lưu chuyển trên thị trường. Rất có thể rằng có lúc nào đó, giao dịch hàng thực không thấy mấy, nhưng dao động trên 2 sàn cà phê sẽ rất cực đoan và tuổi thọ các đợt tăng/giảm rất chóng vánh.
Nếu như mua cà phê để kinh doanh hàng ngày, cần phải lưu ý đến các yếu tố tiền tệ và dòng vốn trên thị trường tài chính. Nếu như để đầu tư dài lâu, cần quan tâm đến chuyện “qua cầu rút ván”, nghĩa là một khi giá các sàn tài chính khác có điều kiện phục hồi, hai sàn cà phê mất bớt sự ưu ái mà thị trường quay lại yếu tố cung-cầu: Brazil được mùa lớn trong năm 2020 (2) và hàng dồn ứ trong thời kỳ đại dịch.
Dù sao, các chương trình cung ứng vốn từ ngân hàng trung ương của các nước tiêu thụ đang giúp cho giá nông sản nói chung và giá cà phê nói riêng có điều kiện từ vững đến tăng.
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ đầu tuần quanh mức 31 triệu đồng/tấn. Theo đà tăng, tuần này có thể kéo lên gần mức 32 triệu đồng nhưng cần thấy rằng giá tăng không xuất phát từ hiện tượng thiếu hàng “bền vững” mà do lượng tiền mặt dồi dào và lãi suất đồng Usd bằng 0.
Các nhà đầu tư tài chính lớn trên sàn đang chờ một lượng dư mua lớn đóng góp từ bán hàng thực treo chưa chốt giá (price-to-be-fixed), dư mua của giới kinh doanh nhỏ trên sàn, để tạo những cơn sóng lớn trên 2 thị trường cà phê phái sinh. Giá 2 sàn cà phê vẫn còn những đợt tăng giảm mạnh. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn theo hướng xấu đối với nhà kinh doanh cà phê nào bất chấp rủi ro.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nhận định giá cà phê thế giới từ 16-21/03/2020: Cà phê trôi nổi theo dòng vốn, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/CatNews.aspx?catid=274
- “Cà phê giao dịch lấp lững, đóng cửa yếu”, Nguyễn Quang Bình, tại https://thitruongcaphe.net/18-3-2020-tin-thi-truong-ca-phe-hang-ngay/
Ngoài ra, các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang “barchat.com”, “theice.com”, “ncif.gov.vn” và “thitruongcaphe.net”, “feedin.me” và “worldometers.info”
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 38