Những năm đầu thập niên 1990, những chiếc điện thoại di động đầu tiên có mặt tại xứ “Hòn ngọc Viễn đông” này quả to phết. Bấy giờ, chưa ai dám gọi “con di động” vì chiếc điện thoại cầm tay dài, nặng và đen thui đen thủi. Nó to như “cục gạch” nên chẳng nữ doanh nhân nào dám cầm. Đối với cánh mày râu “xuất nhập khẩu” như bọn tôi, không có thì thôi, chứ có nó, bỏ vào một bên túi quần, vênh người một bên đi vào phòng họp, là cả một niềm tự hào.
Ngày xưa, bạn tôi học đại học khoa học ngành máy tính. Hắn nói cái máy IBM thời ấy hắn rờ được to bằng cả cái nhà, tôi không tin! Chỉ vì mình bây giờ xài toàn máy vi tính nhỏ, càng lúc càng nhỏ. Chỉ qua chưa đầy mươi năm, “cục gạch” ngày xưa đã biến nhanh thành những “cục cưng” bé xíu, nhẹ nhàng, thông minh và dễ bảo. Chà, có nhiều “cục cưng” thiệt tình chỉ nhỏ bằng ba ngón tay xếp lại. Nhưng chuyện gì cũng có trong đó. Từ lướt mạng, đến chít chát…ôi thôi phê hết biết.
Nghe đâu, “con di động” được nâng lên phẩm hàm “cục cưng” cũng do nhiều lẽ. Thầy cô đôi khi phải vò đầu vì các em học sinh của mình phát huy tính năng của chiếc điện thoại cầm tay trên cả ý đồ của nhà sản xuất. Đó là một trợ thủ, hay một người hướng dẫn “cóp pi” bài làm và bài thi tuyệt hảo.
Có nhiều công ty sử dụng nó để quảng cáo, lôi dụ thiên hạ đủ điều…, nào hãy nhắn tin vào số này để trúng được cái kia. Khi tức ai, lấy “cục cưng” ra hù dọa đối phương, thậm chí “khủng bố” bằng lời, bằng tin, bằng nhiều cuộc gọi đủ điều.
Tôi có chị bạn, là một doanh nhân khá thành đạt. Một hôm, chị vay tiền ngân hàng để làm ăn. Ngân hàng yêu cầu chị thế chấp nhà kho gì đấy. Ngân hàng bèn gửi tới cơ sở của chị một thanh niên kiểm tra nhà kho phải thế chấp. Cậu ta đến, làm đủ thứ thủ tục.
Trước khi về đòi tiền bỏ túi dăm triệu. Chị bạn tôi chẳng phải là người keo hẹp. Nhưng thái độ đòi hỏi quá đáng của cậu kiểm tra xem ra quá dày mặt. Bà doanh nhân không chấp nhận đưa tiền lót tay cho cậu ấy và nói sẽ báo với lãnh đạo ngân hàng. Thế là, chưa về kịp đến cơ quan, cậu ta đã gửi những tin nhắn chửi bới tục tĩu, mạt sát thậm tệ chị ấy. Chưa hết, cậu ta cứ từ giữa khuya đến 2 giờ sáng, dùng các số khác nhau gọi khống cho bà chủ doanh nghiệp không chịu lót tay ấy liên tục trong năm, sáu ngày liền sau đó. Nản lòng, mất ngủ, chị phải buông ngân hàng đó.
Nhờ “cục cưng” mà tôi thấy được thiên hạ ngày nay bận rộn thiệt. Có nhiều anh chị chạy xe máy giữa đường, thậm chí băng qua đường đang đông xe, vẫn bận nói chuyện với đầu bên kia. Họ chẳng cần biết nguy hiểm là gì, thôi thì chẳng sao đối với họ nhưng phải biết tránh cho những người khác đi chứ!
Có ông tổng giám đốc, suốt cả tháng đều ra Bắc vào Nam, bận họp quá cả mức tính chuyện làm ăn, tiền thầy lương thợ. Nhưng hết sức lạ, một khi tiếp khách, hai con mắt lạc điệu, hai tay cứ xoắn vào cái “cục cưng”, áp nó vào tai huyên thuyên như không hề biết lịch sự là gì.
Lắm người có tiền, không chịu lên xe buýt đến thăm bạn mà chỉ kháo nhau qua các “cục cưng”. Có khi huyên thuyên suốt nhiều tiếng đồng hồ không mệt mỏi. Họ không hề nghĩ đến chuyện trong khi họ tán phét, có người chỉ mong đường dây của họ ngắt ra để lẻn nhanh vào và gọi xe cấp cứu bệnh viện giúp một người thân đang trong cơn khốn khó.
Tuy chưa có một cuộc điều tra rõ ràng, tôi thấy có nhiều người không hề rời chiếc điện thoại di động của mình. Chỉ trừ những lúc ngủ, tuyệt đại bộ phận thời gian đều móc móc rờ rờ cái “cục cưng” quên cả học hành, quên cả làm việc.
Hóa ra, xài “cục cưng” cũng cần phải có văn hóa điện thoại.
NGUYỄN QUANG BÌNH
tháng 1-2012 trên TBKTSG online
Hits: 403