Nhận định giá cà phê thế giới từ 09-14/09/2019: Quá nhiều yếu tố tiêu cực vây quanh.

nguyễn quang bình/thitruongcaphe.net

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 26-30/08/19: Giá kỳ hạn giảm, giá nội địa vững.

Hình 1

Tuần qua, giá kỳ hạn cà phê robusta London cơ sở giao dịch tháng 11/19 giảm 39 Usd khi đóng cửa tại 1.295 Usd/tấn. Nếu tính về lợi suất, đầu tư trên sàn London chỉ riêng tuần trước mất 2,92% (1.334/1.295) và từ đầu năm đến nay âm 18,91% (1.597/1.295).

Các yếu tố tiêu cực do tình hình kinh tế vĩ mô thế giới tác động như: thương chiến Mỹ-Trung Quốc càng lúc càng căng thẳng với các lần trả đũa áp thuế hàng nhập khẩu từ hai phía, mới đây lại rộ lên khả năng Vương Quốc Anh (VQA) rời EU (Brexit) mà chưa chắc sẽ có thỏa thuận nào, các đồng nội tệ của các nước sản xuất cà phê giảm giá thất thường…đã làm giá các sàn phái sinh hàng hóa nông sản rơi vào thế bị động. Nhất là khi sàn giao dịch phái sinh robusta – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường phải sử dụng để tham chiếu – nằm ngay tại London, thủ đô VQA. Tình hình lộn xộn của Brexit tạo nên tâm lý bất an cho các nhà đầu tư và giới kinh doanh mặt hàng cà phê này.

Ngoài ra, các yếu tố cung-cầu cũng chưa có gì mới mẽ. Cơ quan chuyên cung cấp thông tin thời tiết các vùng sản xuất nông nghiệp của Brazil là Rural Clima cho biết mưa về đều tại vùng cà phê trọng điểm Minas Gerais (Brazil) đã giúp cây cà phê nhiều nơi ở vùng này bung hoa đại trà.

Dù xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2019 từ Việt Nam giảm 10,3% chỉ đạt chừng 19,83 triệu bao (Tổng cục Thống kê), số thiếu hụt này được bù đắp bởi nguồn cung cấp từ các nước khác. Đơn cử như Brazil xuất khẩu arabica chế biến khô đạt 35,08 triệu bao tăng 27,6% (10/18-07/19) và arabica chế biến ướt Colombia đạt 12,77 triệu bao tăng 7,72% (10/18-08/19).

Đặc biệt, lượng cà phê robusta đạt chuẩn (certified) thuộc sàn kỳ hạn London tuần trước đã lên đến 153.360 tấn, tuyệt đại bộ phận trong số này là robusta của Brazil.

Tồn kho cà phê khả dụng tại các vùng tiêu thụ chính trên thế giới cũng tăng so với cùng kỳ 2018 như tại châu Âu 12,43 triệu bao (+3,33%), Bắc Mỹ 7,1 triệu bao (4,09%) và Nhật Bản 3,03 triệu bao.

Đứng trước các bất lợi trên, các quỹ đầu tư tài chính trên sàn phái sinh cà phê robusta đã nâng lượng dư bán của họ lên 428.888 tấn tính đến ngày kết sổ 03/09/19, tăng 13.010 tấn so với con số cao kỷ lục dư bán của sàn này là 438.180 tấn lập vào ngày 30/07/19.

Chính những yếu tố trên đã có lúc đưa giá kỳ hạn robusta London về mức 1.262 Usd/tấn, là vùng thấp nhất tính từ 9 năm 3 tháng.

Ở thị trường trong nước, dù lượng mua xuất khẩu yếu, giao dịch trao tay cho hàng cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ vẫn ở mức cao, chung quanh 33,5 đến 34,5 triệu đồng mỗi tấn. Tuy nhiên, giá bán cho các nhà rang xay cà phê thương mại thường dùng nội địa ở mức 35 triệu đồng. Riêng cà phê nguyên liệu được tuyển chọn loại sạch và hái chín của vụ cũ vẫn ở mức quanh 55-60 triệu đồng mỗi tấn.

Dự báo tuần từ 09-13/09/2019: Liệu có vượt khỏi mức 1.300 Usd/tấn?

Hình 2

Vị trí xem xét: trên ngày giao dịch 06/09/19 với kết quả đóng cửa 1.295, đóng cửa +23 Usd/tấn so với 05/09, biên độ dao động 1.299/1.263.

Đồ thị cho thấy tuy có kết quả tăng 23 Usd, nhưng chưa tạo được một cú đảo hướng từ thấp lên cao. Đợt tăng của ngày cuối tuần trước được cho là một đợt chỉnh sau khi không thoát khỏi vùng 1.261 và tạo đà cho giá sàn này lên đôi chút khi mở của lại vào ngày 09/09/19.

Xu hướng chung, London vẫn đang trong kênh giảm giá. Điều này chỉ được khẳng định rõ hơn khi một ngày nào đó sàn này có giá đóng cửa dưới 1.262. Nếu kịch bản xấu xảy ra, giá sàn này còn đi sâu thêm -50 Usd/tấn tính từ mức đáy hiện nay 1.262.

Như đã nói, không thoát khỏi 1.261 mà vượt lên, có thể London còn đà tăng lại cho thời gian đầu tính từ khi mở cửa lại vào ngày 09/09/19. Một yếu tố khác có vẽ tích cực nữa là lượng dư bán tổng hợp của các hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn của London nay đang tiệm cận mức kỷ lục 42.888 lô so với 43.818 lô. Nếu như tình hình kinh tế vĩ mô ổn định (dù chỉ tạm thời), điều kiện này cũng sẽ giúp cho các quỹ đầu tư mua lại để thoát bớt lượng dư bán.

Nói theo hướng tăng, sàn robusta chỉ hút được lực mua khi thoát khỏi khu tích lũy từ cả tháng nay và làm sao vượt khỏi các đỉnh trước là 1.359 và 1.368. Bao lâu qua khỏi và đóng cửa trên 1.368, giá còn có khả năng đi thêm 50 Usd.

Hiện nay, London đang còn nằm dưới 1.300, ngoài vùng tích lũy theo hướng xuống. Như vậy, chưa thể nói có đường lên nếu như các phiên đầu tuần này không vào lại vùng tích lũy 1.300-1.335 (hình 2).

Xu hướng giá tính trên kỹ thuật cho tuần này nhìn chung là yếu. Nếu may mắn lắm, giá sẽ tìm đường quay về vùng tích lũy 1.300-1.335.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Một cái nhìn trước về giá cho đầu niên vụ mới.

Dù giá kỳ hạn giảm, cà phê tại Tây Nguyên vẫn không thấy mất giá.

Giá cà phê trong nước hiện nay đang có mức cộng thêm so với giá niêm yết của sàn London ở mức +165/+200 Usd/tấn dựa trên giá đóng cửa kỳ hạn tháng 11/19.

Người mua nhập khẩu không mặn mà, người trong nước chỉ mua bán tay trao tay với nhau trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, do chuẩn bị vào niên vụ mới bắt đầu từ 01/10/19, sức mua của các nhà kinh doanh và rang xay cà phê quốc tế đã khởi động. Liệu mức bán cộng thêm so với giá niêm yết của sàn robusta còn kéo dài?

Càng tới cận niên vụ mới, có các khả năng như sau về giá: Do nhu cầu sản xuất, giới kinh doanh sẽ đẩy sức mua trên sàn tạo nên một đợt sóng tăng tại một thời điểm nào đó trước và đầu niên vụ mới để kéo giá bán tính theo chênh lệch (differential) giảm xuống như thay vì +165 Usd thì xuống bằng hay âm nhẹ chẳng hạn. Điều này sẽ khiến giá cà phê nội địa không tăng do giá xuất khẩu tính trên chênh lệch với giá sàn giảm.

Nên nếu như trước đây, giả sử rằng một khi giá London giảm 3, giá cà phê thị trường trong nước chỉ giảm 1. Khi hiện tượng nói trên xảy ra, giá London có thể tăng 3 và giá nội địa chỉ tăng 1 hay thạm chí có lúc đứng yên hay giảm. Đó là nói cho đường dài khi vào niên vụ mới 2019/2020.

Riêng tuần này, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ có lẽ quay chung quanh mức 33-34,5 triệu đồng mỗi tấn, giao dịch chỉ với người mua để chế biến hàng tiêu thụ trong nước là chủ yếu.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 655