Chớ phụ chợ xưa

Hàng trăm tấn cà chua tươi rói và đỏ mọng của một vài huyện thuộc tỉnh Lâm đồng mới đây bị nông dân vội đổ bỏ vì không tìm ra người mua, vải thiều miền Bắc, khoai tím miền Nam, khoai lang miền Trung, hoa tết ngoại thành…và rất nhiều loại hàng nông sản nữa, năm nào cũng mang tiếng “được mùa mất giá”.

May mà một nhóm các bạn thanh niên đã nhanh trí xắn tay áo đưa một lượng lớn cà chua về tiêu thụ tại các đô thị, thậm chí họ chia hàng thành từng thúng nhỏ đem bán khắp mọi nẻo đường. Sau đó, một số hệ thống siêu thị tên tuổi tiếp vào “cứu nguy” nên tình hình bớt căng thẳng. Lại nghe rằng, nhu cầu tiêu thụ cà chua không nhỏ, giá tại vườn cũng đâu đến nỗi “bắt chẹt”, nhưng cớ sao hàng không lưu thông được, phải đổ bỏ?

Cứ tưởng một hệ thống phân phối hiện hữu được cho là rầm rộ có khả năng hóa giải đầu ra cho các mặt hàng nông sản: từ siêu thị lớn nhỏ, các chợ nông sản đầu mối, đến hệ thống cửa hàng phân phối chuyên, hệ thống cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thậm chí có nơi họp chợ đến thôn…Vậy mà cái bệnh “mãn tính” có tên “được mùa mất giá” của nhiều mặt hàng nông sản hàng năm chưa có thuốc ngừa chữa.

Thực tế là cà chua đưa về phố bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, vải thiều chở từ Bắc vào không bao lâu nhẵn thín…Như vậy, có chắc đấy là chuyện cung-cầu, giá cả, hay là cách tổ chức, thiếu tích cực tìm tòi cách đưa hàng vào kênh phân phối lưu thông?

Dù mục tiêu phát triển hệ thống phân phối có đi đến đâu, đối tượng phục vụ của ngành nông nghiệp và công thương trước tiên phải xuất phát từ tiểu nông và tiểu thương, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ…Bản thân nhà nông không thể chen chân đưa hàng vào siêu thị, các kênh phân phối hiện đại, ngay tại các chợ truyền thống…cũng đâu dễ có chỗ cho họ ngồi một khi sản phẩm họ làm ra lỡ không ai để mắt đến.

Đã đến lúc nông dân nên tìm cách tập hợp thành hợp tác xã, tự nguyện làm ăn chung, miễn là tổ chức cách nào cho minh bạch, hiệu quả, không hình thức như kiểu cũ…Có vậy mới hy vọng có tiếng nói, hàng nông sản mới “hóa” được, mới thành “hàng hóa”.

Thật ra, điểm yếu của nông sản rau hoa củ quả…rất dễ hư thối nên rất dễ bị ép giá. Vào cửa các đại gia ngành công nghiệp thực phẩm và siêu thị đâu phải dễ do lắm thứ ràng buộc chằng chịt…Dù đã có những cố gắng như liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân…Nhưng xem ra nông dân chưa “sờ” được hệ thống phân phối hiện đại. Nên chăng các địa phương cần mở thường xuyên hơn các chợ phiên bất thường tổ chức tại gần các trục giao thông chính, bằng mọi cách và mọi giá khơi thông nhiều đầu ra cho hàng nông sản được sản xuất nhỏ lẻ hết sức đặc thù của nước ta, đâu nhất thiết phải lụy vào hai tiếng “hiện đại”.

Tham gia vào chuỗi cung ứng là hết sức quan trọng, nhưng xin đừng bỏ phí những hình thức họp chợ, chợ phiên…đôi khi “cổ lỗ sĩ” nhưng là một hình thức đối trọng trên thị trường hàng hóa nông sản, có lợi cho nông dân và cả người tiêu dùng.

xem thêm:

-Chuối …đuối tìm đường ra chợ

Chuối …đuối tìm đường ra chợ

Nguyễn Quang Bình, đã đăng trên SGTT

Hits: 122