Trong năm 2011, giá trị đồng USD giảm, giá hàng hóa tăng. Nay theo chiều nghịch lại, bài viết dưới đây vẫn còn tính thời sự.
Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc đã gửi email hoặc phản hồi trong từng tin bài cụ thể của chuyên trang Nông sản, thắc mắc rằng tại sao giá hàng hóa trên thị trường thế giới và trong nước thường chịu tác động nhiều bởi giá đô la Mỹ. Tòa soạn xin giới thiệu bài viết sau, như một cách giải đáp thắc mắc cho bạn đọc hiểu sâu hơn tác động của đô la Mỹ tới giá hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng.
Khỏi cần phải nói, đô la Mỹ là một trong những ngoại tệ mạnh nhất thế giới. Rất nhiều thị trường tài chính, trong đó, đặc biệt là các thị trường hàng hóa, các thị trường kỳ hạn và phái sinh đã phải sử dụng đồng đô la làm đồng tiền thanh toán.
Đô la Mỹ trên đà mất giá
Thế mà, từ mười năm nay, trên thị trường hối đoái quốc tế, đồng đô la không ngừng chịu sức ép mất giá. Nếu như ta lấy tháng 7/2001 làm mốc cho sự huy hoàng của chỉ số đồng đô la với trên 120 điểm, thì ngay trong những ngày này, đồng bạc “xanh” đang ở một trong những mức thấp nhất từ bấy đến nay (xin xem biểu đồ 1 bên dưới).
Biểu đồ 1: Biến đổi chỉ số đô la Mỹ qua thời gian (nguồn: http://futures.tradingcharts.com/chart/US/M |
Đồng đô la mất giá! Tại sao? Đơn giản chỉ vì Mỹ ngày càng in thêm tiền, phát hành thêm nhiều đô la! Dù Mỹ đang cố gắng vực dậy nền kinh tế và mơ đưa chỉ số đồng đô la trở về những ngày hoàng kim của năm 2001, giấc mộng đó hiện nay xem ra khá hão huyền. Như ta thấy: khủng hoảng đi liền khủng hoảng. Nên, chỉ số đồng đô la nay cũng chỉ giao dịch trong khu vực 75 điểm. (Xin xem biểu đồ 2: chỉ số đồng đô la Mỹ giao dịch trong những ngày gần đây). Dựa trên giao động dài hạn cũng như ngắn hạn, ta thấy chỉ số đồng đô la chủ yếu đi xuống từ năm 2001 đến nay (biểu đồ 1) và từ đầu năm 2010 đến nay.
Biểu đồ 2: Biến đổi chỉ số đồng đô la Mỹ từ 3 tháng nay (Reuters) |
Đô la yếu, hàng hóa tăng giá
Có thể nói khuynh hướng chung là như thế nhưng không nhất thiết từng mặt hàng, từng ngày giao dịch phải nhất mực tuân theo. Vì các quỹ đầu cơ tài chính trên các thị trường hàng hóa có đủ tiềm lực bao phủ và quản lý hết lượng tiền họ đưa ra. Hơn nữa, họ có thể chu chuyển lượng vốn từ thị trường này sang thị trường khác một cách thiện nghệ và nhanh chóng như một bình thông nhau.
Thế là, thường thường, nếu chỉ số đồng đô la tăng thì hầu như thị trường hàng hóa giảm; nếu chỉ số đồng đô la giảm thì khả năng giá hàng hóa tăng. Chỉ số CRB là một chỉ số giá giao dịch một rổ gồm nhiều loại hàng hóa trong đó có cà phê. Tuy có lúc này lúc khác, nhưng hầu như khuynh hướng tăng giảm của cà phê đều nằm trong lòng chỉ số CRB. (Xin xem biểu đồ 3 và 4).
Nhìn vào biểu đồ ta thấy nếu như vào giai đoạn tháng 2-3/2010, lúc bấy giờ chỉ số đô la chừng 88 điểm thì chỉ số CRB ở mức 250 điểm và giá arabica Ice New York bấy giờ chỉ đạt mức 140 cts/lb hay chừng 3.100 đô la/tấn. Đến hiện nay, chỉ số đô la giảm xuống chừng 75 điểm thì chỉ sô CRB đi nghịch chiều, lên chừng 330 điểm và giá arabica New York cũng lên mức 5.530 đô la/tấn (Xin xem biểu đồ 3 và 4). Như thế, chỉ số đô la Mỹ thường đi nghịch chiều với giá các TTKH hàng hóa, trong đó cà phê là dễ nhìn thấy nhất.
Biểu đồ 3: Biến đổi chỉ số CRB từ 3 tháng nay (Reuters) |
Biểu đồ 4: Biến đổi giá cà phê arabica Ice từ 3 tháng nay (Reuters) |
Tóm lại, tùy loại hàng hóa, thị trường nào lấy “đồng bạc xanh” làm đồng tiền thanh toán, thường sẽ phải chịu quy luật này. Một khi đồng đô la mất giá, các lực lượng tham gia thị trường cà phê như rang xay, kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu cơ…sẽ có nhiều tiền đô la hơn để mua vào, hay nói đúng hơn đồng đô la Mỹ mất giá sẽ tạo thêm sức mua cho những người tham gia thị trường. Một khi thị trường được kích mua, giá phải tăng.
Như đã nói, không nhất thiết chiều nghịch đảo này giữa hàng hóa và đồng đô la luôn luôn phải như thế, song khuynh hướng chung cuộc sẽ như vậy.
NGUYỄN QUANG BÌNH
3-7-2011
bài được trích lại từ http://www.thesaigontimes.vn/56422/Do-la-My-va-gia-hang-hoa.html
Hits: 292
27 Trackbacks / Pingbacks
Comments are closed.