28/06/2022 Giá giảm phiên thứ ba liên tiếp, nhưng mất không nhiều.

Cây cà phê robusta (29/11/2021) tại vườn Aeroca Buon Ma Thuot

Giá đóng cửa 2 sàn cà phê phái sinh 27/06/22

London tháng 09 và 11/22

2040-4(2055/2034)

2031-6(2046/2027)

New York tháng 09 và 12/22

222.1-1.15(226/220.1)

220.25-1.2(224/218.5)

Thông số ảnh hưởng giá cà phê

-Giá cách biệt 2 sàn arabica với robusta: 129.56 vs 130,53 cts/lb.

-Chỉ số DXY: 103,70 vs 103,89 điểm.

-Giá trị đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) trong cặp tỷ giá UsdBrl: 5,238 vs 5,24. Mức thấp kỷ lục 5,99 Brl lập 8/5/2020!

Lời bàn về thị trường:

-Đấy là phiên thứ 3 liên tiếp giá 2 sàn cà phê rớt. New York xuống mức thấp nhất tính từ 2 tuần nay còn London một tuần rưỡi. Ước báo sản lượng cà phê thế giới tăng trong năm nay đang ăn mòn dần giá trên 2 sàn kỳ hạn robusta và arabica. Dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 22/23 của Bộ nông nghiệp Mỹ tăng 4,7% so với năm ngoái đạt 174,95 triệu bao chủ yếu nhờ Brazil vào năm được mùa của chu kỳ hai năm một lần. USDA ước tồn kho cuối vụ toàn cầu cũng tăng 6,3% đạt 34,704 triệu bao.

-Giá trên các sàn hàng hóa bị phân hóa, vàng giảm nhưng dầu thô tăng. Người ta không tin chuyến thăm Ả Rập Saudi của TT Mỹ sẽ thuyết phục được nước này tăng khai thác.

-Đồng nội tệ Brazil tăng nhẹ so với cuối tuần trước nhưng vẫn ở mức thấp so với USD.

-Giá cà phê nội địa loại 2 tối đa 5% đen vỡ hôm nay ước quanh mức 43,1 triệu đồng tại Tây Nguyên, 43,6 triệu đồng/tấn giao về kho quanh TPHCM. Giá tiêu đen tại vùng nguyên liệu ở mức 73-75 triệu đồng/tấn.

Bối cảnh địa chính trị và kinh tế vĩ mô

-Cùng lúc dịch Covid-19 đang nóng trở lại tại Anh Quốc, Thâm Quyến (Trung Quốc) khóa cổng đối với Hongkong và cấm các hoạt động ăn uống như cà phê, bar…trong vòng 3 ngày để kiểm soát dịch.

-Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát trung bình ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ khoảng 6% và ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển gần 9% trong 2022.

IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, xuống còn 3,6% trong 2022 và 2023. IMF đang kêu gọi các chính phủ cần đưa ra các gói hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất để tránh gây ra suy thoái kinh tế. Dù vậy, tỷ lệ lạm phát trung bình trên là khá thấp khi xét đến mức tăng 8,6% tại Mỹ và 8,1% trong khối Eurozone ở cùng thời điểm. Tại Anh, tỉ lệ lạm phát đã tăng lên 9% trong tháng 4/22. Lạm phát toàn cầu dấy lên phong trào đòi tăng lương tại nhiều quốc gia làm tình hình chính trị xã hội càng lộn xộn th6m, chính phủ càng rối trí thêm.

– Ngày 24/06, Tòa án Tối cao Mỹ quyết định xóa bỏ cơ sở pháp lý ở cấp liên bang bảo vệ quyền phá thai đã tồn tại trong hơn 50 năm. Quyết định này có thể dẫn tới lệnh cấm phá thai ở khoảng một nửa số bang của Mỹ. Theo CNN, các nhà kinh tế cảnh báo điều này có thể khiến nền kinh tế phải trả giá đắt. Theo giới quan sát, việc chấm dứt quyền phá thai sẽ hạn chế khả năng học lên cao và phát triển sự nghiệp của phụ nữ, từ đó tác động tới nguồn lao động, sản lượng kinh tế và làm gia tăng nhu cầu nhận hỗ trợ từ chính phủ.

-Kim loại là hàng hoá bị ảnh hưởng lớn hơn so với các mặt hàng khác như cây trồng và năng lượng. Chỉ số Bloomberg Energy Spot Subindex đã tăng 10% kể từ cuối tháng 3, trong khi chỉ số theo dõi hàng hoá nông nghiệp giảm 9,7%. Giá đồng đã chạm mức cao nhất trong 16 tháng là 8.122,50 USD/tấn trên sàn LME vào thứ Sáu tuần trước, đưa mức giảm trong tháng 6 là 11% và chuẩn bị ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 30 năm. Các kim loại từ nhôm đến kẽm cũng lao dốc. Bloomberg Industrial Metals Spot Subindex sụt 26% trong quý này, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2008. Thiếc cũng giảm hơn 1 nửa so với mức đỉnh hồi tháng 3.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 218