Chưa kịp họp mặt chia tay, ông bạn già U70 đã lên Facebook chào tạm biệt anh em để về lại Quảng Trị. Dù đã hứa với nhau sẽ có một bữa ‘chén thù chén tạc” để kể cho đã đời chuyện phá phách thủa học trò cách nay năm sáu chục năm, nhưng ổng bỏ về quê giữa chừng quả là không ngờ.
Giấc mơ của nhiều thanh niên miền Trung khi mới vào đời, ai mà không ước được vào Sài Gòn cơ chứ! Hễ ai trong nhóm bạn học cùng chúng tôi ở Huế vào đây tìm ra công ăn việc làm, rồi định cư lâu dài, đều được cho là “oách”. Hải thông minh, nhưng không may mắn được gọi vào đại học. Những năm đầu mới giải phóng, nhiều nơi vẫn còn gây khó khăn vì chuyện thành phần gia đình này nọ…thế nên ông đành ở quê, lấy vợ và làm kinh tế vườn nuôi con…Thời gian qua nhanh đến phải giật mình. Cả nhóm bạn nay đều được xếp vào lớp U70. Đứa con gái của ổng vào Sài Gòn học ngành y, ra trường, lấy chồng và lập nghiệp luôn ở thành phố năng động này. Âu phần nào giúp ổng cảm thấy giấc mơ không thành được bù trừ bớt tiếc thời son trẻ.
Chẳng phải đoán, tôi biết Hải không thể ngồi yên một chỗ trong phòng. Nhiều lúc chúng tôi thay nhau đến chở đi chơi, ổng ừ ngay mà không cần hỏi đi đâu. Không phải rể con đối xử tệ với ông, ngược lại là đằng khác.
“Mấy ôn răng tui không biết, còn tui mỗi ngày phải ra khỏi nhà đi quanh đi quất chỗ ni chỗ tê mới thấy khỏe trong người. Ngồi bó rọ một bữa đã muốn phát bệnh”, ông Hải khảng khái “tự phê” như thế. Nói cho ngay, người cao tuổi ở nhiều thành phố của ta hiện nay đâu có mấy cơ may để tham gia đời sống cộng đồng. Vỉa hè bị lấn chiếm thành chỗ để xe, nơi buôn bán, thích thì dựng rạp, hứng thì che chắn…ngay cả con nít mắt sáng như sao, chân nhảy như chim…chẳng dám ra chơi nói chi đến người già. Xe cộ qua lại lộn xộn muốn ngợp rồi, qua đường không khéo gặp tai nạn làm khổ thêm cho người tinh tường đi đứng “tự do”. May đâu đó có không gian thoáng rộng một chút, mỏi gối chẳng tìm được chỗ nghỉ đặng đủ sức về lại nhà. Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người cao tuổi thì có đó, nhưng hình như vẫn nằm lì trong suy nghĩ của mấy nhà quy hoạch thành phố.
Với người cao tuổi, đời sống văn hóa tinh thần đôi khi còn ích hơn thuốc bổ. Thời báo chí trực tuyến lên ngôi, mắt mũi lèm nhèm, chẳng mấy ai đủ khả năng chọc ngoáy được điện thoại để đọc. Thế mà ngay tại các chung cư lớn nhất tại thành phố, đố tìm ra được một sạp báo để người già sáng sáng đứng quanh bàn với nhau “tào lao” chuyện thời sự, bù cho suốt ngày hết ngồi rồi nằm im thít trong phòng. Có mấy đâu nà nhà đầu tư căn hộ chịu khó tính đến chuyện tạo một phòng, dù nhỏ thôi, để mấy ông bà già được sống cuộc sống tín ngưỡng của mình. Khi còn trẻ, nơi an cư thường là “nhất cận thị nhị cận giang” nhưng người cao tuổi sẽ thấy thiếu thốn nếu như không đi được nhà thờ hay chùa chiền để tìm chút tĩnh lặng, an yên cuối đời. Ra đường không ổn, chùa chiền đền đạo cách mấy cây số…làm cho người cao tuổi cảm thấy như bị cô lập với chính niềm tin và tín ngưỡng của mình và cả chính mình. Mong người già an yên tự tại…nhưng cơ hội và phương tiện tiếp cận không tạo ra thì không chừng có cụ phải trầm cảm, gây khó khăn và tốn kém thêm cho xã hội và con cháu.
Tuổi già nay không nên dừng lại ở quan niệm sống lâu mà còn sống khỏe. Xã hội, thông qua các chính sách phát triển đô thị, chưa thấy cụ thể mấy trong việc tính đến chuyện giúp các cụ có điều kiện tốt hơn để tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, tàu điện trên cao…thì làm sao yêu cầu các cụ sống năng động, độc lập và thảnh thơi?
Một nghiên cứu mới ra cuối năm 2021 cho biết Việt Nam hiện có 7,4 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 7,7% tổng dân số. Thế nhưng, dự báo cho thấy đến năm 2050 con số này sẽ tăng 20,4% hay chừng 22,3 triệu người. Cứ tưởng tượng dân số nước ta bấy giờ trong 5 người thì có một người trên 65 tuổi, cái tuổi mà trong dịch Covid-19 được cho là “rủi ro cao”, bệnh nền nhiều. Dù tuổi thọ bình quân của người Việt nay lên 73 tuổi, nhưng nhìn chung sống khỏe chỉ 64 năm, trong đó có đến 96% các cụ của ta mắc bình quân 3 bệnh nền, nghiên cứu ấy nói thế.
Đối với người kinh doanh trong nghề liên quan nhìn đó là một thị trường béo bỡ. Bấy giờ, chắc chắn phong trào xã hội hóa để phục vụ cho người cao tuổi như trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi sẽ rầm rộ không thua gì cách mở trường đại học, trường quốc tế, bệnh viện tư, khu vui chơi giải trí, du lịch tâm lính…như hiện nay.
Không chuẩn bị cho người cao tuổi có cuộc sống khỏe ngay từ các chính sách phát triển đô thị hiện tại một cách dứt khoát và tích cực, thấy được và sờ được…thì có thể tưởng tượng rằng nguồn lực đất nước bỏ ra trong tương lai vì người già là rất lớn.
Bỏ bút đi ra đường, bất chợt thấy một cụ trong ban chấp hành hội người cao tuổi của khu phố tôi đang ở ngồi dưới hiên nhà phe phẩy cái quạt giấy giữa cơn nóng giữa mùa hè…, thấy có chút chột dạ khi mình vẫn tin cụ là “cây cao bóng cả”. Danh thì có, thực thì…ước gì cụ tự mình ra đến được công viên có cây to bóng mát để hưởng chút gió lành.
Cho nên chẳng còn dám trách chi ông bạn U70 của mình về quê đột ngột. Và thầm nghĩ ở được quanh cái “ao làng” nay suy ra còn sướng chán.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Bài đã được đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài gòn bản in số 18-2022 ra ngày 12/5/22
Hits: 295