Chuối …đuối tìm đường ra chợ

(TBKTSG) – Điều chắc chắn là gia đình bên ngoại tôi trước đây sống nhờ trồng chuối. Ông ngoại tôi vốn là thầy thuốc, nhưng tới thời tôi bắt đầu hiểu chuyện thì bốc thuốc chữa bệnh chỉ là việc làm từ thiện của ông.

Hai sào đất vườn chủ yếu trồng toàn chuối, thế mà các cậu các dì ai cũng học hành nên danh nên phận, đều vào làm việc ở Sài Gòn, còn ông bà vẫn ung dung ngày tháng ở Huế một cách nhẹ nhàng.

Cúng có chuối mốc (chuối sứ), bệnh ăn chuối cau, lành nữa thì chuối tiêu, muốn no “ních” chuối bà hương, trộn rau có chuối đá (chuối hột)… Vài ba ngày lại thấy bà ngoại hạ một buồng đem ra chợ đổi lấy mắm muối rau tôm… Thế mà có khi bọn cháu lau hau như tôi đến ăn “khín” vài tuần, vẫn cảm nhận ông bà trụ khỏe chỉ với cái vườn chuối nho nhỏ xanh xanh bên dòng kênh An Cựu.

Chưa bao giờ thấy bà tôi than chuối ế. Hạ buồng chuối từ trên cây xuống, khi để nguyên, cũng có khi chiết thành từng nải, đặt gọn trong cái lu, dú kín bằng hơi nóng của nhúm lá sầu đâu… thế là vài hôm sau sản vật sẵn sàng ra chợ. Đến khi chuối hườm hườm, thoắt một cái, không chừng chỉ nửa đường chưa tới chợ Bến Ngự, đã có khách đòi mua sỉ cả buồng. Chợ búa thủa ấy sao mà khỏe thế!

Mấy bữa rày chuối Đồng Nai ế, chuyện khó tin ở xã hội tiêu thụ tân thời và giao thương nườm nượp như thế này. Bùi ngùi, vì tuổi thơ sống lạc trong vườn chuối, nghe là đồng cảm ngay.

Tích cực hơn, sinh viên nhiều trường đại học thành phố nhảy vào cuộc. Họ xắn tay áo giúp đồng bào mình. Như tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, các bạn trẻ lập nên cả một chiến dịch “Chuối nghĩa tình” hẳn hoi, kêu gọi bà con bạn bè mua chuối giúp nông dân, tìm người tiêu thụ để giải quyết khẩn cấp mấy chục ngàn tấn chuối già có nguy cơ cho trâu bò ăn hay quẳng bỏ ra đường. Nông sản làm ra không tìm được chợ, đâu phải chỉ trường hợp chuối đuối năm nay. Cà chua Đà Lạt, dưa hấu Quảng Ngãi, hành tím Sóc Trăng… nhiều khi chất thành núi, hàng ế, nông dân phá sản… chưa chắc sẽ không lặp lại.

Có vị giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn giải thích rất hợp lý rằng do thương lái Trung Quốc hứa mua chuối giá cao, bà con nghe bùi tai phá bỏ nhiều diện tích cây trồng khác chạy theo chuối, bây giờ đuối với chuối. Nhiều người đồng tình khi cán bộ chỉ ngón trỏ vào thương lái Trung Quốc như một cách thoái thác, thế là xong. Có dạo nghe được chuyện một số tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan đã từng phát tiền khuyến khích để nông dân xứ này chặt bỏ cà phê, cứ mỗi cây được nhận bao nhiêu tiền để họ hạ bỏ và không trồng mới cà phê nhằm tránh nạn phá rừng và đặc biệt… ổn định xã hội do nhiều người kinh doanh thua lỗ. Sao cán bộ nhà nước của họ can đảm thế, dám đề xuất kiểu như “hớt chén cơm” trên tay! Mà đúng thật, cái giá phải trả của hàng hóa chạy theo sau chợ quá mắc!

Nhớ một thời nhiều nông lâm trường đòi cho được quyền “mua tận gốc bán tận ngọn”, dứa, hồ tiêu, khoai sắn, cà phê, tôm cá, cao su… đều được nhà nước cởi trói cho các đơn vị tìm nơi “bán tận ngọn”, nhưng thử hỏi đến nay mấy đơn vị còn tồn tại nhờ tìm được ngọn?

Có lẽ nào “chợ” bây giờ hẹp thế sao? Chợ của bất kỳ hàng hóa, sản vật nào vẫn còn rộng cửa, sân chơi còn lớn lắm. Nhưng hình như để chơi được thì phải biết cách và phải theo luật! Có người cho là cay nghiệt nhưng suy cho cùng chính họ là người dị ứng với cách sản xuất theo chuỗi cung ứng.

Hô hào sản xuất theo chuỗi cung ứng, nhưng bao lâu vẫn muốn tự mình “bán tận ngọn”, tự mình chọn thương lái vì sợ các khâu trung gian khác “ngồi mát ăn bát vàng”, thì vẫn còn cảnh hàng sản xuất ra một là tiêu thụ được chăng hay chớ, hai là khi thị trường đi ngược với mình, rủ nhau tích trữ vừa chờ giá tăng không chịu bán vừa chảnh để cho “bõ ghét bọn bay”.

Vẫn còn quan niệm cho rằng cứ sản xuất thật nhiều, khối lượng hàng hóa thương phẩm lớn nhất nhì thế giới, thì ắt làm chủ được giá, được thị trường. Thật ra đó là một kiểu suy nghĩ hoang tưởng của những tay đầu cơ tích trữ.

Sản xuất hàng loạt mà đi nghe mấy anh thương lái, chiều theo mấy anh cò rủ rê cám dỗ giá cao nhưng chất lượng bình bình… không chịu gò đơn vị, cơ sở mình vào trong một hệ thống có xếp đặt thứ tự lớp lang của tổ chức thị trường thì trước sau gì cũng xách hàng rao như chị bán hàng xén.

Chuối bây giờ cũng đã thành một nền công nghiệp lớn trên thế giới. Thời bà tôi muốn bán sản phẩm, được hiểu bà chỉ bán cái mình có hơn cái thị trường cần, nên cứ phải lo từ A đến Z. Chuối trồng đại trà chưa có thị trường và hợp đồng bao tiêu một cách chắc chắn để biết yêu cầu người tiêu thụ sản phẩm thế nào… thì chỉ có hên xui hay vỡ nợ. Quan niệm người tiêu thụ ở đây cũng khác: họ chính là người trả tiền cho nhà vườn để rồi họ lấy sản phẩm của chính nhà vườn đưa ra thị trường.

Người làm thị trường sẽ chọn chủng loại chuối họ cần, quy trình ươm trồng, thu hái, bảo quản sau thu hoạch đều theo những quy định nghiêm ngặt do chính họ yêu cầu, hay nói đúng hơn đối tác hay người tiêu thụ trong chuỗi cung ứng của họ yêu cầu.

Tại nhiều nước, người trồng chuối đại trà không phải lo toan thị trường, không phải lo chuyện dú chín chuối, chẳng cần phải quan tâm chuyện vận tải chứ không thể đòi bán tận ngọn…mỗi khâu mỗi người mỗi phận sự. Việc của nhà sản xuất là lo chăm sóc vườn, bảo đảm thu hái đạt kỹ thuật và ký hợp đồng cung ứng, tính toán thế nào bảo đảm hàng thu hoạch đúng yêu cầu kỹ thuật và thu đủ tiền để tái sản xuất mở rộng cho vụ sau. Nghe thương lái “cù bơ cù bất” nói mua tận gốc bán tận ngọn, chẳng qua nếu may mắn chỉ được giá một mùa còn sau đó thường đem con bỏ chợ.

Nghĩa cử giúp nông dân của các bạn sinh viên là đáng trân trọng. Biết đâu rằng trong những bạn trẻ ra tay nghĩa hiệp ấy, có bạn sẽ chọn nghề kinh doanh chuối để khởi nghiệp. Chỉ sợ các bạn ngại cái cơ cực của nhà vườn, bấp bênh của thị trường nông sản hiện thời, mà dừng lại ở tham gia “cứu chuối”. Không, hãy cứ tin qua khuân vác, rao bán khản hơi, vài người trong bọn họ sẽ đề xuất giải pháp bền vững cho kinh doanh chuối với tư cách là một hàng hóa thương phẩm.

Nguyễn Quang Bình

http://www.thesaigontimes.vn/157457/Chuoi-duoi-tim-duong-ra-cho.html

Hits: 110



1 Trackback / Pingback

  1. Chớ phụ chợ xưa – THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ

Comments are closed.