6/5/2019 Thị trường cà phê: Nhìn tuần cũ nói về tuần mới

Giá kỳ hạn rớt mạnh

Hình 1

Hai sàn kỳ hạn cà phê cơ sở giao dịch tháng 07/19 có một tuần kết thúc ngày 03/05/19 cùng giảm: sàn arabica New York xuống mức thấp nhất tính từ hai tuần trở lại với mức đóng cửa tại 90.60, cận đáy cả tuần là 90.50 cts/lb (xem hình 1 – phía trái); robusta London chốt tại 1.345 Usd/tấn sau khi chạm đáy vừa trong ngày vừa của cả tuần là 1.341, đây cũng là mức thấp nhất tính từ cuối tháng 02/2016 của sàn này. Như vậy, sau một tuần giao dịch, sàn London mất 65 Usd và New York giảm 3.50 cts/lb tương đương với 77 Usd/tấn.

Trong kỳ, dù sàn kỳ hạn rớt mạnh, giá cà phê nội địa tại các vùng sản xuất trọng điểm ở Tây Nguyên vẫn ‘’cố thủ’’ ở khu vực 30,5-31,3 triệu đồng mỗi tấn, chỉ giảm đôi chút so với tuần kết thúc ngày 28/04/19.

Thông tin trên thị trường cho rằng giá cà phê toàn cầu mất giá mạnh một phần do các vùng tiêu thụ chính trên thế giới vào mùa hè, thường lượng sử dụng cà phê mùa nóng giảm, phần khác cung ứng cà phê trên thị trường vẫn tiếp tục tăng. 

Báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) phát hành đầu tháng 05/19 nói rằng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2018/19 bắt đầu từ 01/10/18 đạt 63,15 triệu bao (60kg x bao), tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê arabica chiếm 41,08 triệu bao, tăng 7,1% và robusta 22,07 triệu bao, giảm 0,9%.

Giá giao ngay trên thị trường xuất khẩu khó xuống sâu.

Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ đầu tuần được chỉnh trong biên độ 30,3-31,2 triệu đồng mỗi tấn sau khi giá cuối tuần giảm bất ngờ, giảm thêm 0,2 triệu đồng mỗi tấn.

Tuần trước cho thấy giá kỳ hạn biến động mạnh nhưng giá nội địa hầu như không thay đổi. Chỉ lo cho những hợp đồng đã giao nhưng chưa chốt bán. Nếu giá kỳ hạn sụp xuống, giá nội địa có ảnh hưởng xấu nhưng không quá tệ, mà chỉ ảnh hưởng đến người bán giao kho với mục đích đầu cơ giá lên. Bấy giờ, giá hàng đã giao sẽ bị bắt chặn lỗ trong khu vực 28-29 triệu đồng mỗi tấn, nhưng giá ngoài thị trường giao ngay trong nước có thể vẫn quanh mức 30 triệu đồng trở lên.

Để có thêm so sánh giá thành sản xuất cà phê giữa Việt Nam và Brazil, tuần qua Brazil đã đưa ra tham khảo giá sàn ‘’hỗ trợ’’nếu thị trường kỳ hạn giảm sâu. Các mức hỗ trợ có thể là với arabica 1.522 Usd/tấn và robusta 880 Usd/tấn (Reuters). Nếu thực sự giá sàn là như thế để thực hiện chương trình tạm trữ của họ, thì xem ra giá hiện nay trên 2 sàn arabica và robusta còn quá lý tưởng với cà phê Brazil!

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 455