15/11/2021 Thị trường cà phê: yếu tố tích cực và tiêu cực.

Hầu như thị trường không còn tin lạm phát chỉ có tính “quá độ” và “nhất thời” nữa. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng vừa qua của nhiều nước đều đưa ra con số lớn đến nỗi giới đầu tư và kinh doanh đang rất “nóng ruột” với tỷ lệ lạm phát tăng: ở Đức tăng lên mức cao lịch sử với 4,6%, Mỹ tăng 6,2% là mức cao nhất tính từ 1990. Ngay tại Việt Nam, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 12/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng mức lạm phát năm nay chừng 4% còn thể giữ được nhưng “áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn” (1).

Giá hàng hóa thương phẩm và tiêu dùng tăng từ xăng dầu, phân bón, lương thực-thực phẩm, kể cả phí vận tải đều tăng. Giá vàng bùng mạnh lên chạm mức cao nhất tính từ tháng 06/2021 tại 1.871 Usd/ounce để đóng cửa ở mức cao 1.867,85 Usd/ounce cuối tuần trước. Dù chỉ số giá trị đồng Usd là DXY đạt đỉnh cao nhất tính từ tháng 07/2020 tại 95,11 điểm khi đóng cửa 12/11/21, giá nhiều sàn hàng hóa thương phẩm trong đó có cà phê băng băng tăng.

Trong khi đó, chính phủ nhiều nước Tây Âu đang tính chuyện phong tỏa khi dịch Covid-19 quay trở lại. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tuần qua số ca tử vong do Covid-19 tại châu Âu tăng 10% và được WHO cho là đang trở thành “tâm dịch của thế giới”.

Nếu như vì lạm phát, giá tiêu dùng tăng buộc các hãng rang xay cà phê tăng giá cà phê trên kệ các siêu thị như một số tập đoàn đã tăng giá cà phê bán lẻ thêm từ 8%-9%, sẽ kích giá cà phê phái sinh tăng như là một yếu tố “tích cực” thì rủi ro phong tỏa tại các nước tiêu dùng Đông và Tây Âu kể cả Nga, vùng tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, có nguy cơ bẽ hướng giá cà phê phái sinh trong những ngày qua một khi có một nước công bố chính thức thực hiện lại chế độ giãn cách.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 413