(SGTT) – Cà phê phẩm cấp trung bình ở các tỉnh Tây nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam, giao dịch quanh mức 36 triệu đồng vào ngày 9-4-2018, giảm so với vài ngày trước là 36,7 triệu đồng mỗi tấn.
Thị trường cà phê thế giới tỏ ra bấp bênh khi giá giao dịch trên sàn kỳ hạn tăng liên tục vào các ngày giữa tuần trước. Đến phiên cuối tuần ngày 6-4, giá rớt mạnh sau khi chạm đỉnh 1.763 đô la Mỹ/tấn, để xuống đóng cửa ở mức 1.730, mất 33 đô la. Cũng chính vì thế mà giá cà phê nguyên liệu đầu tuần này tại thị trường nội địa giảm 0,7 triệu đồng mỗi tấn.
Từ lâu, mua bán cà phê trong nước phụ thuộc rất nhiều vào sàn kỳ hạn robusta London: khi giá sàn này lên, giá nội địa lên, khi xuống thì phải xuống. Từ đầu niên vụ đến nay, giá cà phê trên sàn này mất gần 250 đô la Mỹ mỗi tấn, nên giá cà phê nội địa cũng giảm theo, từ 43 triệu đồng nay còn 36 triệu đồng mỗi tấn.
Sàn kỳ hạn cà phê (cũng như nhiều sàn kỳ hạn nông sản khác) như là một sàn kinh doanh chứng khoán khoác trên mình tên cà phê robusta để hoạt động. Một số người am hiểu cho rằng, đó thực chất là một sàn kinh doanh tài chính, nhạy cảm nhiều với các tin địa chính trị, tăng giảm của thị trường hối đoái xoay quanh đồng đô la Mỹ do sàn này dùng đồng tiền này làm phương tiện giao dịch và thanh toán. Thực ra, “yếu tố cung-cầu chỉ ảnh hưởng ít đến hoạt động tăng giảm giá kỳ hạn cà phê,” một chuyên gia ngành hàng cho biết.
Nhưng trong khi giá cà phê “hàng chợ” chỉ 36 triệu đồng/tấn dựa trên giá xuất khẩu trên cơ sở giá kỳ hạn London, thì nhiều lò rang xay trong nước lại có thể mua với giá 65 triệu đồng mỗi tấn.
“Với loại cà phê hái 100% chín đúng độ, phơi phóng nghiêm chỉnh để khỏi ẩm mốc và không mất hương vị, bảo quản thật tốt, công ty chúng tôi có thể trả từ 65-70 triệu đồng mỗi tấn”, chủ một lò rang cà phê tại thành phố Nha Trang khẳng định.
Đáng ra phần gia tăng giá trị ấy là chính do người nông dân hay chí ít do các cơ sở chế biến nguyên liệu tại chỗ làm để bán được giá cao hơn, một chuyên gia ngành hàng giải thích vì sao giá cà phê nguyên liệu trong nước có thể bán được giá hơn mức thế giới. |
Cũng vậy, cà phê arabica loại tốt như Bourbon, Moka trồng tại Đà Lạt, nhiều nhà rang xay tại chỗ thu mua với giá rất tốt, từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi tấn. Loại hàng này có thể thay thế cho hàng nhập khẩu từ Ethiopia, Kenya hay Colombia vì giá rất cao, có thể lên đến 150 triệu đồng mỗi tấn.
Như vậy, giá cà phê robusta nguyên liệu “hàng chợ” tức loại hàng “xa cạ” chỉ bán được bằng hơn một nửa giá đối với những người cần mua hàng rang xay nghiêm túc, dù các lò rang này rất nhỏ so với các đại gia công nghiệp thực phẩm trên thế giới.
“Tuy trả 65 triệu đồng mỗi tấn, vẫn không phải dễ tìm loại hàng đúng chất lượng phù hợp với nhu cầu lò rang của mình”, chủ doanh nghiệp rang xay nói.
Đó chính là nghịch lý của thị trường cà phê trong nước thời gian qua và nhiều năm tới vì mua bán xuất khẩu vẫn dựa theo giá do sàn kỳ hạn London áp đặt.
Tuyệt đại bộ phận cà phê từ lâu đã theo thói quen được thu hái đại trà gồm cả trái chín, trái non, hư hại do sâu bệnh hoặc côn trùng cắn phá… Chất lượng tốt và xấu đều vào chung một rổ, thì giá mua cũng chỉ phát cho rổ cà phê ấy. Nhiều hãng cà phê ở các nước tiêu thụ giàu có mua cà phê xa cạ với giá rẻ về, nhờ có máy móc tinh xảo đắt tiền, họ lựa lại tốt theo tốt, xấu theo xấu để chế biến ra cà phê ngon, chất lượng và bán giá ra thành phẩm cà phê với giá cao.
“Đáng ra phần gia tăng giá trị ấy là chính do người nông dân hay chí ít do các cơ sở chế biến nguyên liệu tại chỗ làm để bán được giá cao hơn”, một chuyên gia ngành hàng giải thích vì sao giá cà phê nguyên liệu trong nước có thể bán được giá hơn mức thế giới.
Dù khối lượng cà phê chất lượng tốt có giá cao chưa mua bán được nhiều nhưng qua thực tế trên xem ra phần nào đã có được hướng ra cho vấn đề bị ép bán giá rẻ mà lâu nay nhà vườn và doanh nghiệp cà phê thường than thở.
Vấn đề còn lại là khâu kết nối giữa nhà vườn với nhà rang xay trong nước. Đây chỉ có thể là vai trò của Hiệp hội Cà phê và Ca cao. Ngành hàng cà phê trong nước đang rất cần một chương trình kết nối giữa sản xuất và chế biến để nâng cao giá trị hạt cà phê nhằm hạn chế dần hoạt động các nhà môi giới mua bán “hàng giấy” trên sàn kỳ hạn, vốn gây nhiều rối loạn về giá cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
NGUYỄN QUANG BÌNH đăng trên SGTT 12-4-18
Hits: 146