31/12/2022 Giá cà phê 2023 sẽ ra sao?

(KTSG) – Có gì ngạc nhiên không khi giá cà phê thương phẩm trên hai sàn hàng hóa robusta London và arabica New York tăng mạnh từ cuối năm ngoái đến đầu năm 2022, rồi từ đó chưa thấy quay lại đỉnh cũ? Thị trường kỳ hạn mất điểm đậm nhưng giá cà phê nguyên liệu trong nước không xuống. Thật là một năm kinh doanh có nhiều hiện tượng trái nghịch đầy thú vị.

Một năm đầy nghịch lý

Khó khăn do hoàn cảnh đếm không xuể. Kinh doanh thời hậu Covid-19 vẫn còn nhiều hệ lụy do đợt đại dịch mang lại. (Vì nói là “hậu” nhưng nhiều nước vẫn chưa xác định được khi nào mới là “hậu”). Giá cước vận tải biển bằng container hành hạ người mua bán “ra xương”.

Chiến tranh Đông Âu kềm sức bán, lạm phát tràn lan, ngân hàng trung ương nhiều nơi siết tín dụng và tăng lãi suất, lương người tiêu thụ không theo kịp giá lương thực-thực phẩm…

Vậy mà niên vụ 2021-2022, toàn ngành cà phê Việt Nam xuất được chừng 1,7 triệu tấn với tổng kim ngạch 3,9 tỷ đô la Mỹ, “Đây là niên vụ đạt giá trị kim ngạch cao nhất trong các niên vụ vừa qua”, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê và ca cao (Vicofa) xác nhận trong Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2021-2022 vào giữa tháng 12-2022 tại Hà Nội.

Hình 1: Diễn biến giá robusta London qua hai năm. Nguồn: TradingView

Vượt qua được các trở lực ấy để đạt được thành tích trên, cũng không thể quên sức gồng gánh và chống chịu của nhà vườn suốt cả năm. Giá đầu vào tăng cao: xăng dầu, vận tải đường bộ từ vùng sản xuất về cảng và phân bón lên liên hồi (phân urea từ 0,6 triệu đồng lên 0,9 triệu đồng/bao), lương công nhật trả cho người thu hái cao từ 250.000 đồng lên 300.000 đồng/ngày…

Đó là chưa tính đến giá sinh hoạt, học phí cho con em, lãi vay ngân hàng nặng để đầu tư sản xuất… làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nông dân trồng cà phê khắp cả nước.

Thế mà, một năm trở lại đây, hiệu suất đầu tư trên hai sàn cà phê phái sinh giảm rất mạnh. Giá robusta mất 390 đô la Mỹ hay giảm 17,20% (1.877-2.267) và arabica mất 63,85 cts/lb hay 1.408 đô la/tấn (168.15/232 cts/lb) tính trên giá đóng cửa cơ sở giao dịch tháng 3-2023 hôm 14-12.

Dù giá kỳ hạn rớt mạnh như vậy, giá cà phê nguyên liệu trong nước vẫn đứng yên, quanh 41-41,5 triệu đồng/tấn. Nghịch lý này có thể được giải thích do sự trượt giá của đồng nội tệ đã giúp giá nội địa đứng lại một cách “cơ học”.

Suốt ba quí đầu đến cuối tháng 9-2022 nằm trọn trong niên vụ cũ, là thời kỳ cà phê Brazil rơi trong mùa “thất” theo chu kỳ hai năm một lần, nhưng giá cà phê cả hai sàn cứ tuột không phanh (xem hình 1 và 2). Vậy mà các quỹ quản lý vốn trên hai sàn lại quay sang bán khống cực mạnh.

Đến ngày khóa sổ vị thế kinh doanh 6-12-2022, các quỹ trên sàn robusta giữ 20.743 hợp đồng bán khống so với 11-12-2021 họ có 33.465 hợp đồng mua khống. Mỗi hợp đồng 10 tấn như vậy trong kỳ họ đã bán hết hợp đồng mua đã có và bán mới thêm gần 210.000 tấn.

Trên sàn arabica, các quỹ đầu tư “làm dữ” hơn nhiều khi đầu kỳ họ còn 58.314 hợp đồng mua hay 993.670 tấn mua khống thì cuối kỳ lên 22.491 hợp đồng bán khống tức 383.247 tấn, một cú chuyển vị thế với hai đầu lên đến 1,376 triệu tấn.

Hình 2: Diễn biến giá arabica New York qua hai năm. Nguồn: TradingView

Đã vậy, tồn kho cà phê đạt chuẩn tức loại hàng được phép đấu giá lên sàn rớt sâu. Có lúc vào tầm tháng 11-22, tồn kho arabica thuộc sàn New York chỉ còn dưới 400.000 bao (bao=60 ki lô gam), là mức thấp nhất tính từ trên hai chục năm nay, còn robusta ngày 13-12 đếm được 74.712 tấn, so với cách nay một năm là 103.230 tấn.

Nếu như tồn kho đạt chuẩn thường được giới kinh doanh trên sàn sử dụng để làm giá, lẽ ra khi lớp tồn kho này giảm, giá phải tăng rất tốt, nhưng trường hợp năm 2022 không phải vậy. Lại thêm một nghịch lý nữa!

Có thể nói rằng vừa qua, ai dựa vào yếu tố cung cầu để định hướng kinh doanh, nhất là người càng lo xa thấy rộng rộng mà tin vào chuyện thế giới thiếu cà phê để mua trữ đều thua lỗ đậm.

Thị trường thiếu cà phê nhưng giá vẫn đổi chiều đi xuống vào giữa quí 1-2022 nhất là khi Mỹ và các nước tiêu thụ phát hiện lạm phát quá đà, rút lại chương trình nới lỏng định lượng, và quyết định tăng lãi suất điều hành để ngăn đà lạm phát.

Thử dự đoán giá cà phê năm 2023

Có lẽ trên các sàn hàng hóa thương phẩm, các từ khóa “lạm phát, suy thoái” của năm 2022 vẫn còn vang trong tai nhà kinh doanh trong năm 2023.

Cặp bài trùng này sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân chúng các nước đã đành, nó còn chi phối luôn cả giá cả các sàn hàng hóa thương phẩm, trong đó hai mặt hàng kim loại vàng và cà phê sẽ rung nhảy do thường được các nhà đầu tư sử dụng làm nơi trú ẩn vốn. Nên sẽ không lạ khi giá hai mặt hàng này trong các tháng tới biến động rất mạnh vì tính nhạy cảm vốn có đối với những thay đổi theo bức tranh kinh tế vĩ mô vốn biến động không ngừng và thất thường.

Trong kinh doanh, phàm khi bàn đến giá cả, người bán thích nói cà phê mất mùa nhưng bên mua lại chứng minh sẽ được mùa. Do đó, không lạ khi bà Vanusia Nogueira, Tổng giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê thế giới, mới đây tại Hà Nội cho rằng phải vài ba năm nữa cán cân cung cầu cà phê toàn cầu mới thăng bằng, ngược lại nhiều đơn vị khác như Ngân hàng Nông nghiệp Hà Lan (Rabobank) nói ngay trong năm 2023 thế giới thặng dư cà phê nhờ Brazil được mùa lớn với hơn 63 triệu bao.

Diễn biến mới nhất có tác động đến giá trong thời gian qua vì một trận mưa đá trên diện rộng vừa xảy ra tại các vùng cà phê Brazil vào thượng tuần tháng 12-2022. Nhiều người ước có thể gây thiệt hại bình quân chừng 1,3 triệu bao đối với sản lượng cà phê Brazil năm tới. Cộng với hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina gây mưa lũ đang làm thị trường cà phê bất an.

Giá cà phê trong những ngày giữa tháng 12-2022 có tăng lại đôi chút: arabica từ 154,55 cts/lb lên chạm đỉnh 173,10 cts/lb trong ngày giao dịch 15-12.

Nói cung cầu để có chút hướng tham khảo cho người kinh doanh cà phê thương phẩm chứ thật ra một loạt ngân hàng các nước tiêu thụ từ Mỹ đến EU, đến Anh Quốc, Canada rồi Thụy Sỹ… trong tháng 12-2022 đều tăng lãi suất của từng nước thêm 0,50% và hứa hẹn còn tăng nữa do lạm phát chưa được khống chế. Nhận định của nhiều nhà phân tích thị trường tài chính tin kinh tế thế giới phải gặp trận suy thoái không chóng thì chầy trong năm 2023.

Việc điều tiết chi tiêu của người dân và các ngân hàng cho vay hạn chế tín dụng tại các nước tiêu thụ sẽ làm khó cho sức bán cà phê từ các nước sản xuất. Giá trên hai sàn tăng vào dịp cuối năm 2022 là đáng mừng nhưng phải rất cẩn thận vì có thể đó là một cuộc điều chỉnh dòng vốn trên các sàn tài chính.

Thường hiệu suất kinh doanh sàn nào mất nhiều (như hai sàn cà phê năm 2022), sẽ được các quỹ đầu tư điều tiết trở lại trong thời gian kết nối giữa hai năm cũ và mới để cân đối vốn kinh doanh rồi sau đó mới lập trận tiếp. Cho nên, có thể nói bất cứ đợt tăng nào trên hai sàn cà phê trong năm 2023 không vì cung cầu mà do hoạt động điều hướng vốn là chủ đạo.

Lãi suất điều hành và cho vay kinh doanh của các ngân hàng tại các nước tiêu thụ đang làm giá cà phê bất ổn nhiều hơn là chuyện thiếu hay thừa hàng. Chính vì thế mà một lúc nào đó chỉ cần có một tin thất lợi về sản lượng hay cung cầu cà phê dù thật hay giả, thị trường cà phê có thể nhảy “xổm” một cách chóng vánh rồi đâu lại vào đấy.

Cần thấy vấn đề mấu chốt của thị trường cà phê cũng như nhiều sàn thương phẩm khác là kế hoạch tăng lãi suất của các nước tiêu thụ xem ra còn dài hơi, đó là một lực cản nên thấy trước mà cần phải nhắc lại.

Như vậy, nếu như giá cà phê robusta London hiện nay quanh mức 1.880 đô la Mỹ/tấn thì trong năm tới lại quay về quanh 1.800 như là trục chính để có lúc về đến 1.700. Dịp tăng có thể xảy ra trong thời kỳ gạch nối giữa 2022 và 2023 nhưng 1.920 đô la/tấn là một kỳ vọng khó đạt. Còn sàn arabica New York đang phấn đấu tìm lại 180-185 cts/lb nhưng cũng rất khó trụ ở đó mà về quanh trục 160 cts/lb trong năm. Cơ hội lên trên 180 cts/lb đang tiến triển trên sàn này nhưng khó mà kỳ vọng đạt 190 cts/lb.

Giá về cuối năm 2023 có thể nghiêng theo hướng cao khi thị trường thấy rõ hơn vụ thu hoạch robusta của Brazil vào tháng 4-2023.

NGUYỄN QUANG BÌNH đã đăng trên TC KTSG số 51-2022

Hits: 173