3/7/2019 Kinh doanh hậu G20: Trông chờ ai, trông chờ gì?

Nếu chỉ nhìn thoáng qua cách ‘’trị vì’’ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm D. Trump, ắt không ít người có cảm giác ông ta là một người hay ‘’chọc trời khuấy nước’’.

Thật thế, nhiều chuyên gia kinh tế tài chính và giới kinh doanh chạy theo ‘’bở hơi tai’’ nhưng vẫn thấy khó mà bắt kịp ý nghĩ và thay đổi cách làm nơi vị tổng thống thứ 45 của cường quốc số 1 thế giới hiện nay.

Trung thành với phương châm ‘’Make America Great Again” (tạm dịch ‘’Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’’), nhìn vẻ bên ngoài, ta cứ tưởng TT Trump điều hành nền kinh tế nước Mỹ theo cách ‘’tung hoả mù’’: hết gây với hai nước láng giềng Canada và Mexico, đến tạo thương chiến với Trung Quốc, cò kè hơn thua mua bán trao đổi hàng hoá với đồng minh truyền thống châu Âu, rồi bác bỏ một số điều khoản ưu tiên về thuế với Ấn Độ. Mới đây, ông còn cho Việt Nam ‘’lạm dụng’’ thương mại với Mỹ …Đó là chưa kể những quyết định táo bạo trong lãnh vực địa chính trị như với Iran, Syria…và cả với Triều Tiên, khi ông bỏ ngang tiệc chia tay với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong lần gặp gỡ tại Việt Nam, nhưng rồi vào ngày 30-6 lại đến biên giới Hàn-Triều bắt tay với Kim đến nỗi nhiều nhà phân tích chính trị cho TT Trump là người ‘’phá chuẩn’’… khi trở về từ hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản).

Nhưng đến với G20, TT. Trump chăm chú vào mục tiêu riêng của ông và khó nói rằng ông phá chuẩn. Tất cả những ồn ào, tranh chấp với nước có đại diện tham dự do chính ông gây ra, đều được giải quyết một cách ổn thoả, dù các bên ‘’có chuyện’’ với Mỹ có thể chưa đi đến một thoả thuận nào dứt khoát, như thương chiến Mỹ-Trung Quốc chẳng hạn.

Thời gian làm việc của G20 chính là lúc kết thúc sáu tháng đầu năm 2019. Cái chú điểm của TT. Trump qua các lần gặp gỡ chung và riêng như chỉ tập trung vào…giá chứng khoán. Dám nói rằng tất cả các dàn xếp của TT Mỹ đề vì mục tiêu ấy. Vì khi về lại nhà, ông hân hoan ‘tweet’ngay rằng ‘’Giá cổ phiếu trong nửa đầu năm này đạt đỉnh tốt nhất tính từ 1997 tới nay. Đất nước ta làm được chuyện vĩ đại!’’ (xem hình trên).

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đua nhau lên đỉnh như DJIA ngày 21-6 đạt 26.719,13 điểm, S&P500 lên kỷ lục 2.950,46 điểm, Nasdaq vào ngày 3-5-2019 đạt mức cao kỷ lục 8.164 điểm.

Đối với Trump, hiệu suất của S&P và DJ chính là dấu hiệu biểu tỏ sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, là chứng cứ nói lên rằng gia đình Mỹ ăn nên làm ra và cũng chính là yếu tố tác động giới khá giả Mỹ càng giàu thêm, và biết đâu đó là nhân tố quan trọng và góp phần tích cực cho cuộc tái cử nhiệm kỳ hai sắp tới của TT Trump.

Vậy thì D. Trump làm đúng chuẩn đấy và có mục tiêu rạch ròi đấy thôi: về trung và dài hạn, ông đã chọn sức mạnh của thị trường chứng khoán để mong là ‘’lá bùa’’ giúp đắc cử thêm lần nữa hơn là tiếp tục ‘’hục hặc’’ kinh tế với TQ hay địa chính trị với Iran…

Nhưng để bảo vệ được giá chứng khoán, tổng thống Trump luôn thúc giục Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải hạ lãi suất cơ bản đồng đô la. Nếu như Fed chịu hạ lãi suất trong tháng 7 này như giới tài chính kỳ vọng, đó hẳn là một cú thành công lớn của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Như vậy, chuyện ông chấp thuận đàm phán thương mại lại với TQ và không tăng thêm và tăng mới các mức áp thuế đối với hàng nhập khẩu TQ, lại phà hơi cho Huawei có thể mua lại công nghệ Mỹ…đều được chuẩn bị kỹ càng theo từng đường đi nước bước ông đã soạn sẵn.

Dù sao mặc lòng, giới kinh doanh tài chính thế giới cảm thấy nhẹ nhõm với cách giải quyết trên của D. Trump, các nước xuất khẩu nông sản và nhà nông cũng thở phào vì dòng chảy hàng hoá được khơi thông khi TQ mua lại nông sản thực phẩm của Mỹ…

Giá nhiều sàn kỳ hạn nông sản tăng mạnh ngay ngày đầu tiên của tháng 7 từ lúa gạo, lúa mì, bông vải, đậu nành, đường ăn, ca cao, cà phê…và khả năng tiếp tục tăng khi các nhà kinh doanh hiểu rõ thêm ‘’động thái’’ của ông chủ Nhà Trắng.

Nhưng mấy ai đoán được trước những sắp xếp của ngài tổng thống…Nên các nước nghèo vẫn phải cần cù làm ăn…và chưa chắc đã thoát khỏi các rủi ro của thị trường đang rình rập quanh họ.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 497