Những yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng giá cà phê nội địa trong những ngày tới:
Hướng tích cực: Thời tiết giá lạnh tại Brazil, nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới. Tuy nhiên, yếu tố này hoàn toàn không chắc chắn, nhất là khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino hay La Nina năm nay không xuất hiện ở khu vực này.
Hướng tiêu cực: Giá trị đồng Usd đang tăng đều và mạnh. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu rằng trong tháng 06/18 sẽ có một đợt tăng lãi suất đồng Usd (xem bìa trái hình 1). Điều này không hay ho gì cho các sàn kỳ hạn hàng hóa thương phẩm lấy đồng Usd làm đồng tiền giao dịch. Giá trị Usd tăng kéo theo đồng nội tệ Brazil BRL giảm, lại kích nông dân nước này bán ra.
Lượng hàng cần bán của các nước sản xuất còn nhiều, Brazil và Indonesia đang ra mùa, Việt Nam lượng cà phê còn tồn ước còn chừng 20% nhưng chỉ còn 3 tháng nữa là chấm dứt niên vụ 2017/2018.
Giá cà phê nhiều nơi tại Tây Nguyên có lúc đã chấp nhận bán ờ 36,5 triệu đồng mỗi tấn so với giá cao 37,5 triệu đồng mỗi tấn giao tại các kho quanh cảng vùng TP. HCM.
Giá xuất khẩu tính trên mức chênh lệch trên cơ sở tháng 09/18 cũng lên xuống không ngừng dù giá niêm yết trên sàn kỳ hạn ở mức thấp: có lúc trừ 120 Usd/tấn FOB khi London dâng cao, cũng có khi xuống thấp trừ 90 Usd lúc giá London hạ. Điều này chứng tỏ tâm lý trữ hàng đã giảm trước áp lực một mùa bội thu ở Brazil và thị trường tiền tệ bất lợi cho giá cà phê.
Qua một tháng 05/18 khá sôi động, những ngày giao dịch trên thị trường nội địa trong tháng 06/18 có thể sẽ yên ắng dần do thế giới đã vào sâu trong mùa hè và là lúc cà phê Brazil thực sự “tấn công” thị trường.
Nhìn theo hướng ấy, giá cà phê nội địa khó có biến động mạnh. Sẽ có một thị trường ít nhộn nhịp hơn và theo hướng xuống. Tuy nhiên, đà xuống có thể bị ngắt tại 35,5 triệu đồng mỗi tấn vì ngay khi 36 triệu, hàng đã ít thấy trao tay.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 479