Môi trường thị trường
Hai thị trường cà phê tuần qua hoạt động tốt trong một bối cảnh có lợi thế một đồng Usd rẻ, nhất lại khi giá cổ phiếu đã cao. Nhưng do căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung Quốc tăng, giới đầu tư tạm thời chưa muốn mua thêm cổ phiếu mà chia vốn sang các sàn hàng hóa kể cả nhóm năng lượng, kim loại và nông sản.
Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại nhiều quốc gia tiêu thụ cà phê. Nhiều nước đã gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, khuyến khích làm việc từ nhà nếu có thể. Mỹ hỗ trợ mỗi người thất nghiệp 600 Usd/tuần cho đến hết tháng 07/2020. Vấn đề đặt ra là từ đầu tháng 08/2020, dù cho người mất việc được hỗ trợ tài chính nhưng với số tiền ít hơn, sức tiêu thụ cà phê sẽ giảm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiêu thụ cà phê yếu ảnh hưởng tiêu cực lên cà phê arabica nhiều hơn và robusta có thể không đáng kể, hay trong một kịch bản tích cực, robusta được yêu chuộng hơn nhờ lợi thế robusta được sử dụng làm cà phê hòa tan và giá rẻ hơn arabica.
Đến rạng sáng 25/07/2020, thế giới ghi nhận gần 16 triệu ca lây nhiễm Covid-19 và trên 640 nghìn người chết. Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nga là những nước có ca lây nhiễm hàng đầu. Như vậy, trong 4 nước bị dịch hoành hành mạnh nhất, có 2 nước sản xuất và 2 nước tiêu thụ cà phê lớn.
Tình thế đang giúp các nước sản xuất robusta có nhiều cơ hội trên thị trường cà phê giữa đại dịch Covid-19 hơn. Đó là một thực tế. Tuy nhiên, nhiều nhà xuất khẩu cà phê không khỏi bối rối khi làn sóng thua lỗ và vỡ nợ đang xuất hiện đây đó, không chỉ ở trong nước mà tại nhiều nơi khác. Dù nguồn vốn được các ngân hàng trung ương cung ứng dồi dào, nhưng không ít doanh nghiệp chưa bắt kịp tình hình mới, đã không thay đổi cung cách mua bán cho phù hợp, nên tự gây khó khăn cho mình và cho bạn hàng.
Giá cà phê phái sinh tăng 65 Usd/tấn, giá nội địa không lên đồng nào!
Từ hai tuần trở lại đây, dù giá sàn phái sinh robusta tăng trên 160 Usd/tấn, giá cà phê nội địa không tiến triển mấy. Tính đến đầu tuần, giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ quanh mức 33 triệu hay nhiều nơi tại Tây Nguyên còn thấp hơn mức ấy.
Giá cà phê xuất khẩu loại 2 như đã nói từ +220/+240 Usd/tấn FOB, tuần trước xuống +150/+170 và nay chỉ còn +120/+140 Usd/tấn FOB. Rõ ràng giá phái sinh tăng mạnh, nông dân và người kinh doanh ở các địa phương không thêm lợi lộc gì.
Nói vậy để thấy rằng không phải lúc nào giá phái sinh tăng là giá nội địa phải lên theo. Mỗi đợt tăng thường là cơ hội để người mua trong và ngoài nước kéo giá xuất khẩu xuống.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng đấy chưa chắc là người mua ép giá mà quan trọng là xem lại cách mua bán: cà phê ghim để đầu cơ giá lên và/hay bán gởi kho theo phương thức “trừ lùi và cộng tới” (differentials) thường khó được hưởng lợi khi giá London tăng, nhất là khi giá xuất khẩu có giá cộng cao hơn nhiều so với giá niêm yết London. Nên chăng cứ thấy được giá so với đầu vào là nên bán để tránh những chi phí phát sinh như hao hụt và lãi ngân hàng.
Dù nhận định kỹ thuật cho giá London còn tăng, nhưng mức cộng thêm cho giá xuất khẩu còn có thể bị trừ bớt nên ảnh hưởng trực tiếp đến giá trong nước. Giá cà phê nội địa tuần này khó vượt khỏi 33,5 triệu đồng/tấn dù giá phái sinh có tăng 50 Usd/tấn. Nhìn hướng xuống, xu hướng vững trên sàn có thể bảo đảm rằng giá cà phê nội địa khó xuống dưới 32 triệu đồng/tấn.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 33