25/10/2021 Một cái nhìn trước về thị trường cà phê năm kinh doanh 2022

Giá nguyên liệu trong nước tương đương với 1.800 Usd/tấn hay 41,4 triệu đồng/tấn (chưa tính phí) do giá chào mua xuất khẩu tính trên cơ sở giao dịch tháng 03/2022 đã giảm. Nhà nhập khẩu đang tránh mua theo tháng 01/22 vì tháng 01/22 đang “vắt” tức cao hơn giá tháng 03/22 đến 44 Usd khi đóng cửa. Thật ra, trong giao dịch, có khi chênh lệch đến 50 Usd/tấn. Nếu như họ mua tháng 03/22, vô hình trung phải chấp nhận cho đi từ 40-50 Usd!

Tính từ đầu năm giá sàn London đi từ dưới 1.400 lên trên 2.172 Usd/tấn tức tăng chừng 55% có thể được giải thích rằng: 1) Chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu đứt gãy, lượng tồn kho tại các nước tiêu thụ giảm rõ; 2) Nền giá hàng hóa tăng, nhất là nhóm năng lượng, nên giá cà phê cũng tăng cho cân đối mà không cần dựa vào các yếu tố cung cầu; 3) Cước tàu biển tăng và sàn giao dịch đã “tạo điều kiện” thuận lợi cho các nhà kinh doanh giao hàng nên mới có đợt “vắt giá” dài cho đến nay vẫn chưa dứt. Đó là chưa nói tới nguồn  vốn dồi dào được các ngân hàng trung ương tung ra cứu nền kinh tế.

Bối cảnh thị trường sắp tới còn có yếu tố lạm phát (như phần đầu đã trình bày). Điều đó cũng giúp cho giá hàng hóa có điều kiện vững hay tăng vì giá thành sản xuất và chế biến tăng, nhà sản xuất không thể hạ giá và nhà chế biến phải tìm cách nâng giá sản phẩm.

Do vậy, giá cả sẽ không cho phép nhà nông theo trò may rủi. Họ phải tính toán hài hòa giữa đầu vào và đầu ra. Yếu tố may rủi nên chuyển cho nhà kinh doanh, may nhờ rủi chịu. Nếu như nhà nông chỉ có một đường là bán giá tốt dựa trên cơ sở giá thành sản xuất cộng thêm tiền công và chút lợi nhuận, thì nhà kinh doanh có nhiều đường hơn vì họ có quyền quyết định mua trước hay bán trước.

Trữ hay tạm trữ cà phê chờ giá lên là cách làm nên tránh, đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến nửa đầu năm 2022. Vì sao? Chính sách tiền tệ các nước tiêu thụ sẽ phải thay đổi thường xuyên như tăng lãi suất hạn chế lạm phát, thu hồi các gói hỗ trợ làm khối lượng tiền mặt trên thị trường nhỏ lại. Giá sẽ dao động mạnh đến cực mạnh vì các quỹ đầu tư tài chính sẽ tính các cách tối ưu để tăng lợi nhuận và tránh rủi ro. Sự lên xuống thất thường nói lên tính không bền vững của thị trường hàng hóa nhất là cà phê, vốn rất nhạy cảm với yếu tố tiền tệ. Hơn nữa, sản lượng cà phê Brazil năm 2022 sẽ vào chu kỳ được mùa. Đồng thời Uganda đang quyết tâm giành lại vị thế trên thị trường robusta bằng cách tăng cả sản lượng lẫn lượng xuất khẩu. Thị trường đang tin theo Bộ Nông nghiệp Mỹ rằng năm kinh doanh 2022, Việt Nam có trên 1,8 triệu tấn.

Giá xuất khẩu cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ tính trên mức chênh lệch với giá niêm yết càng lúc càng giảm cũng sẽ không cho phép giá cà phê nội địa tăng đột biến.

Theo cái nhìn trên, giá cà phê nội địa ngắn, trung và dài hạn có thể lên lại mức 42 triệu đồng/tấn nhưng chỉ khi nào sàn robusta vượt khỏi 2.200. Còn trong tuần này dự đoán giá sẽ ổn định trong vùng 40,5 đến 41,5 triệu đồng/tấn.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 474