(KTSG) – Phải đến Tết Giáp Thìn, mùa thu hoạch niên vụ hồ tiêu Việt Nam mới vào rộ. Nhưng năm nay, trước lúc vào mùa, nhà vườn tỏ ra phấn khởi vì từ giữa năm 2023, hồ tiêu đã rục rịch tăng giá. Nhà vườn tiêu khấp khởi có cái Tết vui.
Từ mức thấp chừng 65 triệu đồng/tấn, giá nguyên liệu tiêu đen đã có lúc tăng lên đến 90 triệu đồng/tấn. Từ các vườn ở Kiên Giang, nơi có thương hiệu “tiêu Phú Quốc” nức tiếng đến vùng trồng hồ tiêu lớn nhất nước Đông Nam bộ và tại các tỉnh Tây Nguyên, nhà vườn tiêu khấp khởi hy vọng sẽ có cái Tết vui.
Một thị trường hứa hẹn sôi động
Cứ vài ba tháng trước khi hồ tiêu Việt Nam thu hoạch, thị trường hồ tiêu trong và ngoài nước như có lực đẩy, bất kể là giá hồ tiêu trước đó lên xuống ra sao. Điều này có thể hiểu bởi Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nên bất kỳ thông tin tốt hay xấu về vụ mùa nước ta đều ảnh hưởng ít nhiều lên giá thu mua và xuất khẩu, góp phần quan trọng quyết định hướng giá trên thị trường nội địa và thế giới.
Đối với niên vụ năm 2024, dấu hiệu tích cực tác động lên giá nguyên liệu trên thị trường nội địa thể hiện rất rõ. Giá xuất khẩu bình quân của tiêu đen cả năm 2023 theo số liệu của Tổng cục Hải quan là 3.420 đô la/tấn, riêng tháng 12-2023 là 3.728 đô la/tấn. Có thể thấy rằng, nhà vườn thụ hưởng hầu hết phần tăng nhờ giá xuất khẩu cao mang lại trong khi chờ đợi thu hoạch trong vòng một tháng nữa.
Nếu xem tháng 12 hàng năm là giai đoạn “giáp hạt” của mùa kinh doanh hồ tiêu Việt Nam, thì nguyên trong tháng “gối đầu” ấy, các doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu trong nước đã chủ động nhập khẩu gần 2.050 tấn hồ tiêu các loại trong tổng lượng nhập khẩu cả năm 2023 là 26.538 tấn.
Có người thắc mắc hỏi tại sao có sẵn hồ tiêu mà Việt Nam phải nhập khẩu đến một phần mười so với tổng lượng xuất khẩu cả năm 2023 là 267.000 tấn? Cần trả lời ngay là hồ tiêu nhập khẩu không phải để tiêu thụ trong nước mà chỉ tạm nhập tái xuất. Chủ động nguồn hàng để thực hiện cam kết đối với các hợp đồng của khách mua nước ngoài là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, dù hàng trong nước có thể chưa đến nỗi thiếu đến mức căng thẳng, nhưng giá nguyên liệu nội địa những tháng khi nối vụ khá cứng, thì quyết định nhập khẩu hàng từ các nước khác là một lý do chính đáng. Điều này cũng để lộ ra rằng giá thành sản xuất hồ tiêu trong nước còn ở mức cao, không cạnh tranh được với các nơi khác dù ở một nước rất xa, phí chuyên chở cao như Brazil chẳng hạn.
Cần nói thêm rằng nhờ sự ứng phó linh động của các doanh nghiệp trong nước, khối lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong năm 2023 vẫn giữ mức cao, tăng gần 17%. Tuy nhiên, giữa bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19 như nguồn tín dụng thắt chặt, lãi suất cao, mặt bằng giá nông sản thế giới chỉ được nâng lên từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ ngưng tăng lãi suất chỉ từ vài tháng cuối năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu chỉ đạt 912 triệu đô la, giảm 6% là điều dễ hiểu.
Bước qua năm 2024, giá nguyên liệu vẫn còn zích zắc nhưng ở mức cao, đến 11-1-2024 vẫn còn trên 80 triệu đồng/tấn khi kỳ thu hái rộ gần kề.
Thị trường về tay người bán?
Ai cũng trông mong như thế. Thực tế trước mắt cho thấy rằng qua một thời gian dài, ít nhất từ năm 2015 khi giá hồ tiêu từ trên 200 triệu đồng/tấn chạy tuột dốc không phanh, một diện tích cây hồ tiêu đã bị bỏ hoang hay được nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác, đứng đầu là sầu riêng, bơ, chanh dây và một số hoa màu khác.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo sản lượng hồ tiêu năm nay có thể đạt chừng 160.000-165.000 tấn, giảm 10-15% so với năm 2023. Không những thế, sản lượng hồ tiêu ở các nước sản xuất khác cũng giảm, như Indonesia giảm, 20-30%, Ấn Độ giảm 20%, Brazil giảm 15%.
VPSA cũng dự kiến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam chỉ quanh 250.000 tấn trong năm nay.
Đà tăng giá kỳ vọng còn tiếp tục vì chỉ trong 10 ngày đầu tháng 1-2024, giá bình quân xuất khẩu tiêu đen đã lên đến 3.900 đô la/tấn theo con số mới nhận được từ VPSA. Đây chính là bước tiếp nối vững chắc từ cuối năm 2023, nhiều nhà vườn tin giá hồ tiêu sẽ vững khi vào mùa thu hoạch.
Vả lại, điều kiện sống của nhiều nhà vườn hồ tiêu nay đã khá hơn nhờ nhạy cảm với giá nhiều mặt hàng cây công nghiệp dài ngày. Hiện nay, họ có nhiều chọn lựa, hoặc bán cà phê hay giữ lại hồ tiêu, và ngược lại. Trong khi đó, những nhà trồng sầu riêng hay các loại cây ăn quả khác phải bán nhanh nhất có thể các thứ trái cây trong vườn khi vừa thu hái. Giá nhiều loại trái cây như sầu riêng chẳng hạn cũng ở mức cao, đủ trang trải cho chi tiêu gia đình mà không cần vội vàng bán hồ tiêu khi thấy sức ép bán xảy ra trên thị trường có thể một lúc nào đó làm giá rớt mạnh.
Trong khi đó, nhu cầu hồ tiêu, món gia vị được yêu chuộng tại Trung Quốc, đã bắt đầu lấy lại nhịp tiêu thụ. Được biết trong năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu trên 60.000 tấn hồ tiêu các loại từ Việt Nam, chiếm gần 23% của tổng lượng xuất khẩu và tăng 174% so với năm 2022.
Trên thị trường, nhiều người cho rằng năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu không mấy mặn mà bán trước, bán khống vì đã rút kinh nghiệm “sâu sắc” từ vài mùa gần đây. Đây là một dấu hiệu cẩn trọng cần thiết vì như thế là thị trường đã bắt đầu chịu nghe nhà vườn.
Hits: 80