Bắt được một bài báo* trên mạng, đọc qua, thấy thật ngây ngô. Bài viết bằng tiếng Anh giật tít rất kêu “Brazil’s Largest Arabica Producer Has Run Out Of Coffee” .
Chuyện cái đề bài không thôi đã dễ gây hiểu lầm nếu ai bộp chộp. Đề viết “nhà sản xuất arabica lớn nhất Brazil đã hết sạch cà phê”. Nhung dễ hiểu lần ở chỗ Brazil nước sản xuất arabica lớn nhất không còn cà phê để bán. Thật ra, bài này nói vê Hợp tác xã Cooxupé, HTX tư nhân lớn nhất Brazil và thế giới, hết cà phê bán.
Do mất mùa? Do bán trước? Một vạn lý do…Nhưng có thể HTX này hết hàng…còn các nhà xuất khẩu Brazil khác thì sao?
Đầu bài, tác giả Zac Cadwalader của trang mạng Sprudge thông thường cứ giá xuống là nông dân nói mất mùa, hết cà phê bán. Nhất là thời gian qua, giá arabica có lúc xuống mức thấp nhất tính từ 14 năm! Chuyện ấy thường thôi, thấy hoài!
Nhưng trong bài có trích một đoạn trả lời qua điện thoại của ông giám đốc kinh doanh HTX to đùng nói nguyên văn như vầy: ““Funds are overselling coffee in New York while in the physical market there’s no more supplies and demand has been strong,” Lucio Dias, commercial director at Minas Gerais-based cooperative Cooxupe, said by telephone. “We don’t know where the world will get coffee in the next six months.” (Xin tạm chuyển ngữ tiếng Việt: “Các quỹ đầu tư đang bán quá tay trên sàn NY trong khi ở thị trường hàng thực chẳng ai bán nữa nên nhu cầu rất mạnh Chúng tôi chẳng biết thế giới lấy đâu ra cà phê trong vòng 6 tháng tới.”
Câu trả lời này xem ra vô duyên nhất trong ngày! Các quỹ đầu tư đâu cần biết bạn có bao nhiêu cà phê. Họ cũng chẳng cần biết nhu cầu nước A nước B bao nhiêu. Họ chỉ cần nghe Brazil được mùa, dù năm này là “năm thất”, họ vẫn bán khống.
Các quỹ đầu tư bán khống, không nhất thiết có hay không có cà phê. Họ cũng chẳng bán cho thị trường hàng thực. Đôi khi họ bán liên hồi, để vị thế bán năm này qua năm nọ. Nên chẳng liên quan gì đến chuyện bán khống trên sàn kỳ hạn với thiếu hàng thực để xuất khẩu.
Còn giới kinh doanh xuất nhập khẩu chuyên nghiệp thì nhìn cách khác. Nước bạn nói mất mùa, dứt khoát lượng xuất khẩu phải giảm liên tục trong vòng 3 tháng trở lên. Thí dụ như xuất khẩu giảm 2 tháng, tự nhiên tháng thứ ba giá kỳ hạn tăng mạnh, xuất khẩu thành mạnh, thì ngay lập tức người ta không tin chuyện mất mùa.
Một số ông bạn dự dạ hội Cà phê tại Thụy Sỹ vừa qua báo cho tôi biết Brazil không thể cạn cà phê. Chưa biết dự đoán của họ đúng hay sai, niên vụ 2019/20 có thể xấp xỉ 55 triệu bao (bao=60 kg) trong đó robusta tới 20 triệu bao có. Còn 2020/21, Ôi vô vàn! Con số 70 triệu bao năm 2021 được lên tiếng tại dạ hội!
Nhưng sản lượng nhiều hay ít, đối với giới đầu tư tài chính, đâu có chi quan trọng! Họ ngửi trước, thấy Brazil sẽ bán mạnh làm giá xuống, thì tội chi không bán khống bây giờ! Đợi khi thị trường ngập cà phê, giá thấp, bắt đầu họ mua lại (thoát hợp đồng bán khống).
Đôi khi các quỹ bán khống lại có lợi…vì khi họ mua bù, sẽ tạo điều kiện giá lên. Càng bán khống tợn, giá càng có điều kiện tăng sau này.
Nhiều bái viết trên mạng về thị trường, nếu không lọc kỹ, sẽ rất dễ gây hoang mang và tạo tâm lý không tốt cho thị trường. Vì thị trường tài chính, trong đó có cà phê, rất dễ bị hiệu ứng kinh doanh bầy đàn.
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 339