Nhận định giá cà phê thế giới từ 15-20/06/2020

Thị trường thời 4.0

Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 08-13/06/2020: Giá hai sàn cà phê đều giảm

Hình 1    (*Sàn arabica tính trên tháng 09/2020)

Bối cảnh thị trường

Dịch Covid-19 vẫn chưa rút đi. Tâm lý lo ngại một đợt bùng phát thứ hai đè nặng lên niềm tin người tiêu dùng, đe dọa công ăn việc làm…Nói chung là tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang còn khá bấp bênh.

Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) Mỹ ngày 08/06/2020 cho rằng nền kinh tế Mỹ chính thức bước vào suy thoái tính từ năm 2009. Sau 128 tháng liên tục được ghi nhận tăng trưởng, nền kinh tế Mỹ đã đạt đỉnh vào tháng 02/2020 và cũng từ đấy bắt đầu có dấu hiệu suy thoái, chỉ không lâu khi đại dịch Covid-19 tiếp đến, đã làm trầm trọng thêm. Các nhà phân tích thường định nghĩa suy thoái chỉ sau khi có số liệu tăng trưởng giảm hai quý liên tiếp. Cơ quan này cũng nhận định rằng lần suy thoái này có nhiều đặc điểm riêng và “manh động” hơn các đợt trước.

Trong khi đó, giá cổ phiếu Mỹ tuần qua chao đảo sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra bức tranh khá ảm đạm và viễn cảnh đầy thử thách cho nền kinh tế số 1 thế giới. Fed cho rằng GDP Mỹ có thể giảm 6,5% trong năm 2020 và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 9,3%. Do dịch bệnh, người thất nghiệp sẽ khó tìm việc hơn.

Dự báo là thế, nhưng nỗ lực phục hồi kinh tế của nhiều nước sau đợt bùng phát đầu tiên của dịch bệnh cũng đang được ghi nhận. Giá dầu thô tăng mạnh lại sau cú sụp về mức âm, chỉ số cước vận tải hàng khô BDI đã phục hồi lên 923 điểm, là mức cao từng thấy trước khi đại dịch bùng phát (xem hình 1-bên trái).

Vài nét nổi bật về tình hình cung-cầu trong tuần

-Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có bài đánh giá tình hình cà phê Việt Nam niên vụ 2019-2020 và dự báo sản lượng niên vụ 2020-2021.

Theo đó, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ hiện hành 2019-2020 được USDA chỉnh xuống còn 31,3 triệu bao (bao=60 kg) nhưng niên vụ 2020-2021 chỉ đạt 30,2 triệu bao do thời tiết không thuận lợi. Tiêu thụ nội địa được USDA đoán trong 2 niên vụ từ 3,1 đến 3,2 triệu bao (chừng 10% sản lượng). Nếu như xuất khẩu cà phê niên vụ này được dự kiến chừng 26,3 triệu bao thì 2020-2021 chỉ tăng nhẹ lên 26,9 triệu bao. Tồn kho cà phê cuối kỳ tại thời điểm 30/09/2020 dự đoán chừng 4,6 triệu bao nhưng đến 30/09/2021 sẽ lên 5,5 triệu bao. Đấy là những con số tồn kho khá lớn.

-Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết sẽ tháo khoán 5,7 tỷ Brl (1 Usd=4,96 Brl) tiền dự trữ trong Quỹ Bảo vệ kinh tế cà phê (Funcafe) để hỗ trợ ngành do đại dịch.

-Chuỗi quán cà phê Starbucks có trụ sở tại Mỹ đã từng đóng hàng loạt điểm bán tại nhiều nước trên thế giới do đại dịch Covid-19. Doanh thu của thương hiệu danh tiếng này dự kiến giảm mạnh trong quý 2-2020. Do vậy, họ tính đẩy mạnh cung ứng hàng qua hình thái thương mại điện tử. Sắp tới, Starbucks định đóng cửa chừng 400 quán tại Mỹ và Canada. Thay vào đó, họ tăng cường phục vụ cà phê mang đi, các điểm bán hàng gọn nhẹ. Cũng theo con số được Starbucks tiết lộ, trong đại dịch, hết 80% doanh số của Starbucks là từ cách bán cà phê mang đi. Qua kết quả đó, dự kiến trong vòng từ 3 đến 5 năm, chuỗi quán này sẽ thu hẹp dần những quán có mặt bằng lớn và chuyển dần sang loại quán có diện tích nhỏ, gọn nhẹ. Đó cũng chính là một phần giúp tiết giảm chi phí trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Cũng được biết rằng trong tháng 05/2020, doanh số bán cà phê tại các quán của Starbucks giảm 43% so với tháng 04/2020 rớt 63%.

Giá cả (xem hình 1)

Tuần qua, nếu sàn cà phê phái sinh robusta biến động khá mạnh thì giá arabica rất bình lặng theo hướng giảm.

Giá robusta có lúc chạm mức cao nhất tính từ 10 tuần nhưng giá arabica vẫn nằm quanh vùng thấp nhất tính từ 30 tuần trở lại.

Phiên giao dịch cuối tuần 12/06/2020, sàn London giảm và quay lại mức thấp tính từ 1 tuần nay. Kết quả chung cuộc cả tuần London giảm 52 Usd/tấn để chốt tại 1.181 Usd/tấn với biên độ dao động giữa thấp và cao nhất 1.258/1.178.

Sàn arabica giảm 3.65 cts/lb hay 80,5 Usd/tấn, giao dịch trong khung hẹp 101.35-96.40 cts/lb cơ sở tháng 09/2020.

Giá cà phê trong nước tăng lên 32,5 triệu đồng/tấn khi London có đỉnh 1.258 nhưng về lại 31,5 triệu đồng/tấn ở những ngày cuối tuần do giá London quay đầu yếu trở lại.

Hình 2

Hầu như giá cà phê phái sinh biến thiên theo dao động của cặp tỷ giá UsdBrl và chỉ số Usd (DXY) trong tuần. Giá đầu tuần tăng mạnh và chạm đỉnh 1.258 Usd/tấn ngay trong đợt đồng Brl tăng giá mạnh trong cặp tỷ giá UsdBrl – có lúc chạm 4,82 Brl ăn 1 Usd (xem hình 2-bên phải)

Chỉ số DXY tăng mạnh lại sau khi chạm đáy 95,95 điểm (10/06/2020) để lên 97,31 điểm phiên cuối tuần trước. Cú vụt tăng của DXY từ 96 lên 97,31 điểm đã làm giá cà phê bỏ đỉnh để về 1.178 và đóng cửa tại 1.181 Usd/tấn, là đáy của giá sàn robusta trong tuần trước ((xem hình 2-bên trái).

Quan hệ mật thiết giữa các đồng tiền Usd, Brl với các sàn cà phê New York và London đã gây ảnh hưởng lớn về giá trên các sàn phái sinh này.

Một đồng Brl mất giá kích thích nông dân cà phê Brazil bán mạnh. Một đồng Usd tăng làm chi phí tài chính của các nhà kinh doanh cao hơn, nên phải bán bớt tồn kho.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 15-20/06/2020: Cơ hội tăng chỉ khi nào vượt mức tâm lý quan trọng 1.200 Usd/tấn.

Hình 3

Phiên ngày 12/06/2020, giá phái sinh robusta thụt lùi về nằm tại vùng đáy của cả tuần: đóng cửa tại 1.181 Usd/tấn sau khi chạm đáy 1.178 và chia tay đỉnh 1.258 lập đầu tuần.

Về dưới 1.200 và nằm tại 1.180, bức tranh kỹ thuật London trở nên tiêu cực (1) vì đã mất 1.196 và xa mức tâm lý quan trọng 1.200.

Các kịch bản cho giá robusta London trong tuần này:

-Hướng tích cực: Tuy khó khăn vì chặn đường “ngược dòng” khá dài, nhưng nếu vượt khỏi được các mức 1.193/1.197 (MA20/50), London sẽ lấy lại xung lực để tìm hướng lên mức tâm lý quan trọng 1.200. Bấy giờ mới tính được hướng chinh phục 1.214 và 1.248 (MA5 và 100). Cũng cần nhớ lại điểm gặp MA100 của tuần trước là 1.255, thì London chạy nhanh khỏi mức này và thúc tủ tại 1.258 để về lại vùng sâu như đã thấy cuối tuần trước. Như vậy, mức 1.248 tuần này thật là quan trọng. Khi nhảy qua được hàng rào này, London có thể đi xa hơn đỉnh tuần trước 1.258.

-Hướng tiêu cực: London đang nằm dước các mức MA20/50 là yếu. Ngày giao dịch cuối cùng, giá đóng cửa lại nằm tại vùng đáy. Như vậy, đà xuống vẫn chưa mất. Trong tuần, bất kỳ lúc nào London xuống khỏi 1.155 rồi 1.144 (đáy gần nhất), giá sàn này sẽ tìm về vùng thấp nhất là 1.109.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá có chiều hướng dịu lại.  

So với thời điểm đầu tuần trước, giá cà phê trong nước đầu tuần này chỉ còn 31,5 triệu đồng/tấn.

Nhìn bức tranh kỹ thuật của cấu trúc giá London, nhìn theo đà đang tăng của chỉ số DXY, giá sàn robusta tăng lên khỏi 1.200 là khó nhọc.

Trong khi đó, nhu cầu mua bán xuất khẩu chưa mạnh do giá chào bán còn cao. Nếu lấy giá đang giao dịch đầu tuần trên thị trường nội địa là 31,5 triệu đồng/tấn, mức này tương đương với 1.351 Usd/tấn. Như vậy, chưa cộng phí xuất khẩu, giá cà phê nội địa đang cao hơn giá niêm yết London cơ sở tháng 07/2020 là +170 Usd/tấn.

Vì do mức chào giá cà phê trong nước cao, giá cà phê nguyên liệu khó tăng mạnh nếu như sàn phái sinh tăng. Mức dự kiến cho giá cà phê trong nước cả tuần này chừng từ 30,7 đến 32,2 triệu đồng/tấn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nhận định giá cà phê thế giới từ 08-13/06/2020: Thị trường cà phê tươi sáng hơn, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22080

Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang:

“ncif.gov.vn”, “barchat.com”, “theice.com”, “thitruongcaphe.net”, “investing.com”,” tradingeconomics.com” và “theguardian.com”

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 26