21/11/2021 Mổ xẻ tâm lý thị trường cà phê đầu niên vụ mới

Không ai còn ngạc nhiên khi giá một bao phân đạm bán lẻ hiện nay tại nhiều nơi sản xuất lên đến 1 triệu đồng/50 kg bao, không phải tăng 80% nữa mà tăng gấp hơn 3 lần so với trước khi xảy ra đại dịch, các loại phân bón khác cũng đều tăng gấp nhiều gần bằng hay hơn như thế, giá xăng dầu cũng tăng mạnh, công lao động thu hái tăng gấp đôi gấp ba…Cái đáng ngạc nhiên nhất là giá đầu vào sản xuất tăng gấp nhiều lần nhưng giá cà phê nguyên liệu cứ nghểnh ngãng, dù tăng nhưng rất keo kiệt.

Một đợt khảo sát nhanh tại Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng) vào đầu tuần trước cho thấy hiện nhiều vườn vẫn chưa thu hái do thiếu lao động dù tiền công trả rất cao. Tại nhiều nơi, tỷ lệ trái chín nhiều nhưng vẫn nằm chín đến khô trên cành vì những biện pháp ngăn cách chống dịch và một số yếu tố thị trường khác như thiếu người mua, nhà vườn chưa bằng lòng lắm với giá mua của các đại lý thu mua và các nhà xuất khẩu.

Sau gần 2 năm chìm trong đại dịch, thị trường cho rằng người bán chắc chắn phải bán. Cho nên, tâm lý người mua vẫn muốn chờ đợi một áp lực bán mạnh từ phía nông dân do nhiều gia đình nông thôn đã cạn tiền chi tiêu và không còn lực tài chính để giữ hàng tránh bán hại giá thị trường. Ngược lại, một số nhà xuất khẩu không thể mua mạnh vì thiếu hợp đồng lớn và giao xa cũng như khâu tín dụng đang ngặt nghèo. Còn nhà nhập khẩu lại đang mất phương hướng với giá cước tàu vì hết nay đến mai đe dọa tăng giá cước.

Một hướng bán đã từng thịnh hành từ mấy năm trước, nay có vẻ quay trở lại dù rủi ro cho nhà vườn rất cao đó là gởi kho và ứng tiền trước. Tuy nhiên, hàng bán kiểu này lại sẽ bị chặt đầu chặt đuôi như khi giá thị trường 42,5 triệu đồng thì hàng gởi kho chỉ được bán nếu chấp nhận giá 41,5-41,7 triệu đồng/tấn. Cách làm giá của chủ kho là một hình thức cột chặt nông dân và người buôn bán nhỏ vào với mình theo giá chính chủ kho định đoạt chỉ vì thiếu vốn, thiếu tiền mặt để tái đầu tư. Trong khi đó, các ngân hàng trong nước và hiệp hội ngành hàng chưa tìm ra cách nào để giúp nông dân bán hàng gởi kho có tạm ứng nhằm tránh tình trạng ép giá như trên sau hai năm họ đã quá khốn khổ vì dịch bệnh và giá thị trường trong nước.

Khi nhà vườn rất bị động với vụ mùa mới, thiết nghĩ các ngân hàng và hiệp hội ngành hàng nhanh chóng can thiệp bằng các biện pháp hỗ trợ tài chính giúp nông dân cà phê tránh được những khó khăn đang thực sự làm nông dân điêu đứng ngay đầu mùa khi vừa bước vào thời “bình thường mới”.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 711