Ngày 1-10-2020 là ngày thế giới và Việt Nam bước vào niên vụ cà phê mới. Trong những ngày qua, nhiều nước đã tổ chức Ngày Cà phê thế giới để tôn vinh nông dân và những người hành nghề trên toàn cầu. Tại Mỹ, nhiều chuỗi của hàng như Starbucks đã mở cửa mời khách hàng vào uống miễn phí với mong muốn người tiêu thụ quay lại với ly cà phê sau một thời gian dài gò bó trong nhà với chế độ giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19.
Thị trường quá đỏng đảnh
Những kỳ vọng giá tăng sau cả chục năm thị trường cà phê lao đao đã không đạt được. Nhiều người gán cho niên vụ 2019-2020 kết thúc vào ngày 30-9-2020 là “họa vô đơn chí”. Đại dịch Covid-19 đã gây khốn đốn cho các chuỗi quán, nhà hàng, du lịch trong một thời gian dài. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới giá cà phê thế giới.
Thật vậy, trong 12 tháng qua, hai sàn cà phê phái sinh chứng kiến giá có lúc xuống mức sâu nhất tính từ hơn cả chục năm trở lại. Không chỉ do dịch bệnh, những thông tin như Brazil được mùa lớn trong năm nay, cộng với yếu tố tiền tệ chi phối trược tiếp giá trên các sàn này đã làm thị trường lao đao, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế nhà vườn.
Hiện có chừng 25 triệu nhà vườn to nhỏ và 100 triệu hộ gia đình trên thế giới có liên đới với ngành kinh tế “cà phê” phải chật vật với giá thấp, thống kê của Tổ chức Cà phê thế giới cho biết. Tuy nhiên, hiệu suất đầu tư trên hai sàn cà phê thời gian qua giảm thấy rõ. Tính từ đầu niên vụ đến hết 30-9-2020, lợi suất trên sàn cà phê arabica New York giảm 2,59%, tuy nhiên tính từ đầu năm đến nay, giảm đến 27 ts/lb tương đương với 595 đô la Mỹ/tấn (112.70-139.70 cts/lb). Trong thời gian đó, trên sàn robusta cũng giảm không ít, từ đầu đến cuối niên vụ giá London giảm 161 đô la/tấn hay giảm 10,98%, còn 9 tháng đầu năm giảm 149 đô la/tấn hay giảm 10,25% (1.331-1.480 đô la/tấn).
Cuộc chơi khó đoán
Nhà vườn và người kinh doanh cà phê đang đứng trước một thị trường đầy thách thức. Trong khi tiêu thụ đang bị hạn chế do dịch bệnh trên thế giới, nhiều nước đã và đang chuẩn bị thu hái, nhiều nơi báo được mùa như Brazil, Colombia, Honduras (arabica), Việt Nam, Brazil, Uganda (robusta). Tuy nhiên, nếu được mùa mà khâu luân chuyển tiêu thụ thông thoáng thì khó khăn còn giảm bớt.
Hiện nay, như tại Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, đang bị áp lực ứ hàng vì phương tiện vận chuyển đường biển hạn chế, đầu nhận hàng tại các cảng đến ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng “tắt” do lo ngại đợt bùng phát bệnh lần 2.
Trong khi đó, giá trị đồng nội tệ tại các nước xuất khẩu giảm mạnh, tạo áp lực bán lớn lên cả hai sàn cà phê phái sinh. Thời gian qua, đồng nội tệ Brazil (Brl) trong cặp tỷ giá UsdBrl có lúc rớt xuống mức sâu nhất lịch sử 1 đô la ăn 5,99 Brl (8-5-2020) và nay đang dao động quanh 5,60 Brl, là mức thấp, rất dễ kích nông dân Brazil bán mạnh vì gần chạm với đáy kỷ lục.
Những đợt co giật trên các sàn phái sinh không hẳn là do yếu tố cung cầu mà còn bị chi phối rất mạnh bởi các tác động bất ngờ từ chính sách tiền tệ của các nước.
Đâu là “phao cứu sinh”
Tuy nhiên, thị trường đang hy vọng giá cà phê trong những tháng cuối năm sẽ tìm cách hồi phục nhờ lượng các “phao cứu sinh” chính là lượng tiền và vốn chảy rất nhiều từ các chương trình kích cầu, ngân hàng nhiều nước đổ tiền ra mạnh để phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch.
Giới phân tích tin rằng nhu cầu mua hàng để bù đắp tồn kho tại các nước tiêu thụ sẽ xuất hiện một khi thế giới có tin có thể khống chế được đại dịch Covid-19 như hướng điều trị và tìm ra vắc-xin chống Covid-19 hiệu quả.
“Đương nhiên nhu cầu tiêu thụ nông sản, trong đó có cà phê, là rất thực. Một khi tình hình cho phép, giá cà phê sẽ không ngại ngùng phục hồi và vươn lên,” một chuyên gia nói như thế với đầy tự tin.
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Hits: 84
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.