2/1/2021 Tiền cước tước hết lợi nhuận

Chia tay 2020, các nhà kinh doanh hàng hóa chắc vẫn ám ảnh với hai hiện tượng có thể được xem là nổi trội nhất trong năm. Giá hợp đồng dầu thô Mỹ WTI đột nhiên bị “giật sập” trên 300% để xuống giao dịch âm 38 đô la Mỹ/thùng vào cuối tháng 4-2020. Mấy tháng giáp tết, hàng hóa lại bị “giật cục” tại kho hay tại bến cảng vì thế giới lọt vào một đợt khủng hoảng thiếu containers rỗng và thiếu chỗ trên tàu vận tải biển trầm trọng.

Qua năm mới, nhiều người chắc chắn phải lo giá hàng hóa sẽ còn diễn biến thất thường, khi tăng mạnh lúc giảm sâu. Vì suy cho cùng, một khi chuyện như đã xảy ra trên sàn dầu thô, thì tại sao không thể với các hàng hóa phái sinh khác, nhất là tại các sàn phái sinh giao dịch bằng đô la Mỹ.

Tình trạng thiếu containers rỗng và không đặt được chỗ trên tàu để chuyển hàng xuất khẩu đến tay người mua kịp thời ở giai đoạn cuối năm không chỉ là ván bài nan giải ngắn hạn. Còn lâu giá cước mới quay lại thời êm ấm như mùa hè năm cũ. Nên cần thấy trước rằng cước tàu sẽ không chỉ “ăn lẹm” mà còn tính “cắn miếng nào xứng miếng đó” vào lợi nhuận thậm chí ăn vào cả giá thành.

Rõ ràng dịch Covid-19 là “mối tội đầu”. Nhiều người đã kết án virus corona là tội đồ gây ra khủng hoảng trên diện rộng lẫn diện hẹp trên các thị trường. Khi nghe tin vaccin được chính thức lưu hành, thậm chí khi nhiều nước châu Âu chuẩn bị nhận mũi tiêm đầu tiên trong lúc phải ăn Noël trong điều kiện “cắm túc”, một chủ quán cà phê tại Pháp phấn khởi thốt lên rằng “vaccin” chính là “đấng cứu thế” cho nhân loại qua khỏi cơn đại dịch này khi được phỏng vấn trên một đài phát thanh bản địa. Đã có lúc hơn một nửa dân số thế giới tại 110 nước và vùng lãnh thổ phải khóa cửa nằm tại nhà vì nhiệm vụ ngăn chặn virus SARS-CoV-2 “giao truyền”. Nên nói không ngoa rằng vaccin chính là (hay chí ít được kỳ vọng là) liều thuốc “cứu mạng” cho nhiều gia đình kinh doanh hàng quán, doanh nghiệp nhỏ ngành thương mại dịch vụ và nhiều ngành nghề khác nhau vốn phải bị ngưng hoạt động hàng tháng trời.

Riêng với nông dân trồng cà phê, dù giá trên hai sàn phái sinh có tăng lại đôi chút trong thời gian gần đây, đại dịch làm nông dân bàng hoàng rồi lại chập chờn theo giá suốt cả năm dương lịch. Một tuần trước lễ Noël (17-12-2020), hiệu suất đầu tư trong vòng chục năm nay tính từ 2010 trên sàn cà phê robusta London giảm 35% (-728$) nhưng sàn arabica New York đến 48% (-115.45 cts/lb). Tưởng giá nhích lên đôi chút thì ắt hàng chạy, nhưng các nhà xuất nhập khẩu gọi đặt chỗ xuất hàng đi, hầu hết đều bị từ chối.

Nhớ khi Tổ chức Y tế thế giới công bố chưa được mấy ngày, các ngân hàng trung ương nhiều nước bung tiền ra ứng cứu, nay cộng toàn cầu có đến hàng chục ngàn tỷ đô la Mỹ. Tuy vậy, lời cầu “giá tăng cho bớt khổ” hầu như chưa được ứng nguyện, ít ra là chỉ nhìn trong khu vực sản xuất cà phê. Nhiều nhà phân tích thị trường tin rằng nhờ tiền rải nhiều trên thị trường tài chính, chắc sàn cà phê sẽ có chút hương hoa.

Thì đương nhiên sẽ có, nhưng…

Cũng phải đắn đo khi sức mua của nhiều nước, kể cả Mỹ lẫn Trung Quốc…đều giảm. Giả sử như dịch qua rồi nhưng công ăn việc làm của người dân nhiều nước chưa chắc chắn, lương tiền dăm cọc ba đồng, thì ít nhất phải đợi đến hết nửa đầu năm 2021 mới dám nói tới chuyện tiêu thụ “hoàn lai”.

Trong khi đó, thị trường cà phê phái sinh lại chịu sự lèo lái của lượng vốn bao la trên sàn. Do vậy, biến động giá sẽ rất dữ dội, khi trèo lên lúc trụt xuống mạnh bạo chứ không đều đều như thời kinh doanh dựa trên các tác động từ yếu tố cung-cầu.

Mà dẫu giá hàng hóa có tăng, liệu người sản xuất có được hưởng phần nhiều như trước? Chắc là không có nữa rồi! Cước tàu ăn hết. Nếu giá có tăng chăng, người mua dựa trên phần tiền tăng ấy để yêu cầu người bán và nông dân chia sẻ phí vận tải quá đắt đỏ.

Giá cước tàu tuyến Đông Á (Trung Quốc) đi London và một số cảng quen thuộc của hàng cà phê nay đã tăng gấp bốn đến năm lần, từ 800 đô la Mỹ/containers nay lên trên 3.200 và còn muốn tăng thêm. Mức cước 150-200 đô la Mỹ/tấn bình quân cho mỗi tấn cà phê đang là một thực tế, nhưng chưa chắc đã có containers rỗng và chỗ trống trên tàu.

Covid-19 đã bắt nhiều tàu nằm ụ. Nhưng nào ngờ lại tìm ra “bí kíp”. Các hãng tàu chỉ bán vừa đủ chỗ và chưa muốn tăng thêm lượng tàu do lo ngại tàu thiếu tải. Cước tàu đã phóng lên mạnh đến mức…nhiều người lo ngại rằng các chủ và nhà khai thác tàu biển tiếp tục dùng chiêu này cho những ngày tháng tới.

Những người sản xuất ra một triệu tấn rưỡi cà phê, nhiều triệu tấn nông sản và hàng hóa khác chắc sẽ không được hưởng lợi bao nhiêu nếu thị trường hàng hóa phái sinh theo kịch bản giá tăng nếu như không nhanh chóng giúp họ giải phóng hàng với một giá cước vận tải “coi được”.

Nguyễn Quang Bình (bài đã đăng trên TBKTSG sô 52-2020.

 

Hits: 44