Những ngày sắp kết thúc năm 2020, tôi đến thăm một vài nhà vườn cà phê ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lắc, nghe họ kể chuyện làm ăn trong một năm vốn chịu nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19.
Dân cư tại vùng này hầu hết là người di cư lập nghiệp từ các tỉnh đồng bằng miền Trung vào cuối thể kỷ trước. Từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột đến Ea Tân phải đi ngót 75 km về hướng đông bắc. Đường vào xã hai chục năm trước vẫn còn khó khăn vì hai bên cây cối rậm rạp, nay thì đường đã được lát nhựa thênh thang nên xe ô tô chỉ cần một tiếng rưỡi đồng hồ là đến nơi.
Không như những vùng cà phê cao sản khác, các nhà vườn Ea Tân chọn cho mình một cách làm riêng, vườn cà phê sống chung với muôn loài cây ăn trái khác. Nhiều nhà vườn đã trồng xen cà phê với cam, sầu riêng, chuối, bơ, ổi, mít, xoài…”Phải làm thế không chỉ do suốt nhiều năm qua giá cà phê xuống thấp không đảm bảo cuộc sống gia đình, mà dân ở quanh đây còn muốn mình và cây cà phê sống chung với ‘chúng sinh’ khác”, theo lời anh Nguyễn Trình, một nông dân cà phê di cư từ Hà Tĩnh vào đây khi Ea Tân còn là “rừng thiêng nước độc”. Ngoài mấy chục công cà phê trồng xen với nhiều thứ cây ăn trái mà anh Trình và bà con trong thôn còn lập nên một doanh nghiệp chế biến cà phê đặc sản.
“Cuối tuần trước, tôi mới giao một lô hàng đi các tỉnh phía Bắc tính ra đến gần 220.000 ly cà phê vối chế biến theo phương pháp “honey” (mật ong), anh khoe với tôi.
Nói là cà phê “honey”, nhưng chẳng phải sử dụng mật ong để chế biến. Trước hết, trái cà phê chỉ được chọn hái đúng độ chín. Đấy là cách chế biến kết hợp giữa phương pháp chế biến ướt và khô. Chế biến ướt là rửa sạch lớp nhớt có vị ngọt bao quanh vỏ cứng bên trong trái, sau đó cà phê phải qua một quá trình lên men với một thời hạn được kiểm tra nghiêm ngặt. Còn chế biến theo kiểu “honey” thì giữ lại ít nhiều lớp nhớt ngọt ấy, phơi trong nhà kính để tránh ánh nắng trực tiếp và lợi dụng các luồng gió để hong khô dần làm sao cho lớp nhớt ngọt đường ấy chuyển sang màu vàng từa tựa như màu mật ong là đạt yêu cầu.
Cà phê vối (robusta) thường bị chê là có vị đắng, ít thơm hơn cà phê chè (arabica), nhưng qua cách chế biến honey, các yếu điểm này khắc phục được phần nhiều. Người thưởng thức sẽ có ly cà phê thơm và dịu, hậu vị ngọt ngào hơn. Hơn nữa, Ea Tân ở độ cao trên 800 mét so với mặt biển, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, thổ nhưỡng và khí hậu ấy đã giúp cho hột cà phê kết tinh được nhiều yếu tố ưu việt về mặt hương và vị.
Kể về việc chọn cách làm cà phê honey, Nguyễn Trình nói rằng do thấy xung quanh anh nhiêu nhà vườn bao năm qua phải ‘lên bờ xuống ruộng’, hột cà phê mình làm ra ngon mà vẫn bị ‘chê ỏng chê ẹo’. Anh quyết chuyển qua cách làm như hiện nay, đặc biệt là khi người tiêu dùng đang yêu cầu chất lượng cà phê ngày càng cao. Mặt khác, anh quan niệm bản thân nhà vườn cũng như cây cà phê cần sống chung với các loại cây khác. Anh có cảm giác nếu cà phê được trồng và khai thác thuận tự nhiên trong một môi trường sinh thái điều hòa thì chắc hoa trái phải ngọt lành.
Chừng hơn năm mươi nông hộ cùng anh Trình lập ra một tổ hợp tác, hỗ trợ nhau từ kỹ thuật chăm bón, thu hái đến chế biến cà phê và nhất là thỏa thuận chia đều quyền lợi. “Chỉ cần nhà vườn hái 95% trái chín, chúng tôi đã có lợi thêm 20% sản lượng so với thu hoạch “xa cạ” cả non lẫn chín. Đó là chưa tính khi đưa nguyên liệu vào chế biến đúng qui trình, hột cà phê còn được thêm 30%-40 % giá trị gia tăng so với cà phê bán theo cách thông thường như hiện nay, anh nói và giải thích thêm, nếu cà phê chất lượng trung bình năm qua bình quân bán được 31 triệu đồng mỗi tấn, thì nông dân trong nhóm hưởng được giá từ 40-45 triệu đồng mỗi tấn.
Nghe tin vaccin phòng ngừa Covid-19 hiện đã tiêm thử nghiệm, ngành du lịch, các cửa hàng, quán xá có thể trở lại hoạt động bình thường nay mai, nhiều nhà vườn ở Ea Tân như anh Trình khấp khở mừng, và càng vững tin hơn với cách làm của mình khi vào vụ mới.
Phạm Kỳ Anh (bài được đăng trên TBKTSG số 52-2020)
Hits: 27