19/11/2018 Giá cà phê: Nhìn cũ đoán mới

Tuần trước giá hai sàn cà phê đều giảm

Hình 1

Giá hai sàn kỳ hạn cà phê tuần qua có biên độ dao động khá mạnh. Trên sàn robusta London, chênh lệch giữa thấp và cao nhất trên 50 Usd/tấn (1690-1638), cả tuần mất 39 Usd để đạt 1646 Usd/tấn. Trong khi đó, khác biệt giữa đỉnh và đáy sàn arabica đến 8.70 cts/lb (119.90-111.20) tương đương với 192 Usd/tấn để chốt ở 116.30 cts/lb vào ngày 16/11/19, cả tuần mất 1.20 cts/lb hay 26 Usd/tấn (xem hình 1 phía phải màn hình).

Chỉ số đồng Usd tăng giảm thất thường, trong ngày cuối tuần, chỉ số giá Usd giảm xuống mức sâu nhất tính từ một tuần trở lại đây đã giúp giá cà phê arabica đóng tại New York (Mỹ) tăng. Thường khi giá trị đồng Usd rẻ, lượng vốn của giới đầu tư tăng và họ có khả năng mua hàng nhiều hơn. Chỉ số Usd cuối tuần đã xuống mức 96.47 so với trước đó vài ngày ở vùng 98 điểm (xem hình 1 phía trái màn hình).

Sàn kỳ hạn London đóng tại Vương quốc Anh, nước đang còn nhiều lo toan với kế hoạch Brexit (VQ Anh ra khỏi khối eurozone), nên giá cà phê robusta không hưởng được cơ hội tốt như arabica. Cuối tuần trước, chính quyền Mỹ cũng có những bước tích cực để dỡ bỏ dần quyết định áp thuế nhập khẩu lên hàng hoá từ Trung Quốc. Giá một số hàng hoá nông sản xuất khẩu từ Mỹ có thể tăng, kéo mặt bằng giá nông sản tăng chăng?

Điểm đáng lưu ý là biên độ dao động ngay những ngày đầu vào mùa kinh doanh cà phê niên vụ 2018-2019 tăng giảm cực mạnh, tạo nên nhiều rủi ro và mở đường cho nhiều thông tin trái chiều trên thị trường.

Giá hàng hoá cà phê thực ra không chỉ được cấu thành với yếu tố sản lượng mà còn rất nhiều thứ khác như tiền tệ, hoạt động của luồng vốn trên các sàn tài chính…

Một số nhà phân tích cho rằng giá kỳ hạn cà phê tăng giảm thất thường trong thời gian qua không chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố sản lượng mà do ý định thay đổi vị thế kinh doanh, khi giảm khi tăng lượng hợp đồng dư bán, đã làm giá cà phê trên hai sàn chao đảo và gây nên nhiều rủi ro, khó đoán cho người kinh doanh và các nước sản xuất.

Vị thế kinh doanh trên sàn kỳ hạn London của các quỹ đầu tư tài chính đã không còn dư bán. Tính đến 13/11, giới đầu tư đã mua 3.856 lô để không nằm ở vị thế dư bán và chính thức có 276 lô dư mua. Đây là dấu hiệu tốt cho giá kỳ hạn London dù giá tuần qua giảm, có thể là động tác ‘’tung hoả mù’’ của họ.

Giá cà phê nguyên liệu tại Tây nguyên quanh mức 35,5-36,2 triệu đồng mỗi tấn. Do giá ngày cuối tuần 16/11 London mất 21 Usd, giá mua bán tại vùng nguyên liệu còn 35,5 triệu đồng. Giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao về các cảng quanh TP.HCM chừng 36 triệu đồng mỗi tấn.

Khi nào giá nội địa lên được 38 triệu đồng/tấn?

Quá lo với thông tin được mùa, nhiều người vội bán cà phê với giá thấp, tạo sức ép trên sàn nên giá càng xuống.

Giá cuối tuần trước cho loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao về các kho quanh TP.HCM chừng 36 triệu đồng mỗi tấn. Sức bán hàng thực xem ra chưa giảm nên khó tăng mạnh trong tuần này.

Giá London chỉ tăng mạnh thực sự khi lượt chốt bán vội đầu mùa qua đi. Luồng vốn trên hai sàn đang chọn theo hướng giảm bán tăng mua nhưng áp lực hàng thực đủ mạnh để cắt đứt đường lên.

Một khi sức bán hãm lại, các nhà đầu tư tài chính trên sàn mới có cơ hội đẩy giá tăng qua 1700 và cao hơn.

Dự kiến giá cà phê nội địa tuần này chung quanh mức 35-36,5 triệu đồng mỗi tấn. Giá thị trường nguyên liệu trong nước chỉ tăng khi đợt bán đầu mùa từ những người sợ giá xuống trên thị trường nội địa giảm hẳn.

Qua đợt này, với sức mạnh của sàn New York hỗ trợ cho sàn robusta London, hướng lên 38 triệu mỗi tấn cà phê nguyên liệu trong một vài tháng tới là rất có thể.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF 19/11/2018

Hits: 147